Vì sao TQ chưa dùng giải pháp cuối cùng với Triều Tiên?

Sức ép đang gia tăng đối với Triều Tiên sau lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất từ trước đến nay của Liên Hợp Quốc. Nhưng dường như vẫn còn quá sớm để Trung Quốc tính đến biện pháp cuối cùng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ngày 5.8, một ngày trước lễ kỷ niệm 72 năm Mỹ thả bom hạt nhân xuống Hiroshima, Nhật Bản khiến 140.000 người chết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất đối với Triều Tiên.

Lệnh cấm bao gồm hai nội dung chính. Một là cấm hoàn toàn Triều Tiên xuất khẩu than đá, quặng sắt. Các lệnh trừng phạt trước đây chỉ nhắc đến việc cấm một phần.

Không còn khả năng xuất khẩu than, nguồn thu từ xuất khẩu của Triều Tiên ước tính sẽ giảm 15%.

Thứ hai, các quốc gia thuộc Liên Hợp Quốc không được phép nhận thêm người lao động từ Triều Tiên. Theo số liệu năm 2015, có khoảng 50.000 người Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc, Nga, Mông Cổ, Ba Lan và nhiều nước khác.

Lệnh cấm này sẽ tác động mạnh đến nguồn ngoại tệ mà những lao động Triều Tiên gửi về nước, qua đó khiến Bình Nhưỡng càng gặp khó khăn chồng chất về tài chính.

SCMP nhận định, đây là lệnh trừng phạt thứ 8 áp đặt lên Triều Tiên kể từ khi nước này lần đầu thử hạt nhân năm 2006.

Tên lửa Hwasong-14 Triều Tiên phóng thử nghiệm vào cuối tháng 7.

Lệnh trừng phạt mới nhất được kỳ vọng sẽ buộc chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán hoặc ít nhất thì chương trình chế tạo tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị gián đoạn.

Trước sức ép từ Trung Quốc và Nga, Liên Hợp Quốc hiện chưa có dấu hiệu áp đặt cấm vận dầu mỏ nhằm vào Triều Tiên.

Trên thực tế, khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu dầu cho Triều Tiên vào năm 2003, Bình Nhưỡng ngay lập tức đã phải kêu gọi các bên đàm phán.

SCMP coi lệnh cấm vận bao gồm cả dầu mỏ là giải pháp cuối cùng trong vấn đề căng thẳng Triều Tiên. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, giải pháp cuối cùng như vậy là chưa cần thiết và thậm chí còn có thể phản tác dụng.

Theo giới phân tích nước ngoài, một khi ngừng xuất khẩu dầu sang Triều Tiên, Trung Quốc có thể khiến Bình Nhưỡng tê liệt hoàn toàn sau 3 tháng. Có hai lý giải thích cho hành động “nương tay” từ phía Trung Quốc, theo SCMP.

Một mặt, Trung Quốc muốn đồng minh Triều Tiên nhận ra lập trường của Mỹ và đồng minh sau lệnh cấm vận để đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Điều này cũng được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc tới ở Manila, Philippines.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwasong-14 trước khi phóng.

Mặt khác, Trung Quốc không muốn mạnh tay tạo nên khủng hoảng ở Triều Tiên, vốn có thể khiến hàng ngàn người tị nạn tràn vào nước này thông qua biên giới.

Ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên dường như đã chấp nhận lời kêu gọi quay trở lại bàn đàm phán 6 bên. Bình Nhưỡng chỉ nhắc nhở Mỹ và đồng minh rằng tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân sẽ không nằm trong chương trình nghị sự.

SCMP kết luận, lệnh cấm vận dầu mỏ ở thời điểm hiện tại sẽ chỉ làm tổn hại quan hệ ngoại giao, ngăn cản tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hướng đến một Triều Tiên thân thiện hơn với cộng đồng quốc tế.

Do đó, lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay nhưng không bao gồm cấm vận dầu mỏ lại là bước đi phù hợp nhất, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả Nga, Mỹ và đồng minh.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vi-sao-tq-chua-dung-giai-phap-cuoi-cung-voi-trieu-tien-794568.html