Vì sao Tổng thống Putin yêu cầu tăng sản lượng UAV tự sát Lancet

Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu các tập đoàn quốc phòng nước này đẩy mạnh dây chuyền sản xuất vũ khí, trong đó có UAV tự sát Lancet, động thái được đưa ra sau khi dòng vũ khí này thể hiện hiệu suất tốt trong chiến đấu.

Tập đoàn Zala Aero biến trung tâm thương mại bỏ trống thành nhà máy sản xuất UAV tự sát Lancet, điều này cho phép tăng sản lượng nhanh chóng trong thời gian ngắn.

"Các nhà sản xuất cam kết với tôi rằng họ sẽ tăng sản lượng UAV tự sát Lancet và KUB. Họ đang thực hiện tốt lời hứa này, nhưng vẫn cần đẩy mạnh sản lượng các dòng phi cơ trên", ông Vladimir Putin nói hôm 7/8.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh UAV tự sát Lancet đang cho thấy hiệu quả tác chiến cao trong thời gian vừa qua.

"Đòn đánh của chúng rất uy lực. Mọi khí tài của đối phương, trong đó có những vũ khí phương Tây chế tạo, không chỉ bốc cháy mà còn phát nổ dữ dội", ông Putin nhận xét.

Tổng thống Putin cũng yêu cầu tập đoàn quốc phòng Rostec tăng tốc độ sản xuất và tỷ lệ biên chế những khí tài mới nhất của Nga, đặc biệt là xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M.

Đồng thời Tổng thống Putin cũng yêu cầu gia tăng việc sản xuất các loại chiến đấu cơ.

Lãnh đạo Rostec nói rằng các công ty thành viên đã tăng gấp đôi số trực thăng quân sự được xuất xưởng, từ 134 chiếc trong năm 2021 lên 296 chiếc hồi năm ngoái.

UAV tự sát Lancet được tập đoàn Zala Aero thuộc hãng Kalashnikov phát triển dựa trên đạn tuần kích KUB-BLA và ra mắt năm 2019.

Biến thể Lancet nguyên gốc mang tên mã "Izdeliye 52" có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg.

Mẫu UAV tự sát Lancet nâng cấp mang định danh "Izdeliye 51" có tầm bay vượt trội và trang bị đầu nổ 5 kg mạnh hơn.

Loại UAV tự sát này này có khả năng hoạt động độc lập, không cần hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất hoặc mặt biển.

Sau khi phát hiện mục tiêu, UAV tự sát Lancet có thể lao tới để tiêu diệt bằng khối thuốc nổ mang theo trong thân.

Cảm biến trên UAV tự sát Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công.

UAV tự sát Lancet tham chiến lần đầu vào tháng 7/2022.

Số lượt sử dụng tăng mạnh từ tháng 5 năm nay khi chiến trường Đông Âu có nhiều biến chuyển.

Tần suất sử dụng UAV tự sát Lancet cao nhất được ghi nhận vào tháng 7, khi quân đội Nga triển khai 136 chiếc tập kích mục tiêu.

Trang phân tích thông tin tình báo Lostarmour dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, UAV tự sát Lancet đã tấn công 507 khí tài đối phương trong 13 tháng tham chiến.

Trong số này, 170 mục tiêu bị phá hủy tại chỗ và 269 vũ khí bị hư hại nặng. 28 trường hợp UAV tự sát Lancet đánh trượt mục tiêu trong khi 40 cuộc tập kích khác chưa thể xác định kết quả.

Hơn một nửa số mục tiêu của UAV tự sát Lancet bao gồm 106 pháo tự hành, 131 lựu pháo và cối, cùng 18 pháo phản lực phóng loạt.

Mục tiêu ưu tiên thứ hai của UAV tự sát Lancet là hệ thống phòng không, bao gồm 41 tổ hợp phòng không các loại và 43 radar, đài liên lạc, tiếp đến 67 xe tăng chiến đấu chủ lực.

Tổng công trình sư Alexander Zakharov của Zala Aero, hôm 16/7 cho biết doanh nghiệp này đang phát triển dòng UAV tự sát Lancet thế hệ tiếp theo, trang bị cho chúng thuật toán lựa chọn mục tiêu và năng lực tác chiến bầy đàn.

Dòng UAV tự sát Lancet mới phù hợp với học thuyết tác chiến bầy đàn, trong đó hàng chục thậm chí hàng trăm chiếc được kết nối và hoạt động như một thực thể thống nhất.

Khi một UAV phát hiện mục tiêu, dữ liệu sẽ được chia sẻ cho toàn bộ biên đội tiến công.

Mỗi chiếc Lancet sẽ được phân bổ mục tiêu cụ thể, tùy theo loại đầu đạn được trang bị như nổ mảnh hoặc xuyên phá. Hiện Nga đang cho thấy là một trong số ít quốc gia phát triển UAV tự sát hiệu quả.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-tong-thong-putin-yeu-cau-tang-san-luong-uav-tu-sat-lancet-post546201.antd