Vì sao thiết giáp Puma của Đức có giá lên tới 32 triệu USD/chiếc?

Quốc hội Đức chấp thuận yêu cầu mua 50 thiết giáp Puma trị giá 1,6 tỷ USD, như vậy chia ra mỗi thiết giáp loại này trị giá tới 32 triệu USD.

Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius ngày 10/5 cho biết, quốc hội Đức bỏ phiếu và ủng hộ đề xuất mua thiết giáp Puma trong cuộc họp cùng ngày, trước khi đề nghị của hai tập đoàn quốc phòng Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann hết hiệu lực.

Truyền thông Đức đưa tin, giới chức nước này cam kết chi 1,6 tỷ USD mua 50 thiết giáp Puma cùng phụ tùng thay thế.

Như vậy con số 32 triệu USD/chiếc là bao gồm cả phụ tùng thay thế cho suốt vòng đời hoạt động của thiết giáp này.

Thực tế thì phụ tùng thay thế cho xe tăng, chiến đấu cơ... thường có giá ngang bằng, thậm chí cao hơn gấp hai, ba lần giá mua riêng sản phẩm.

Mỗi chiếc thiết giáp Puma của Đức thực tế có giá từ 10-14 triệu USD/chiếc tùy theo số lượng đặt mua.

Sở dĩ Puma có một giá đắt đỏ cũng như khách hàng phải chi một số tiền rất lớn cho toàn bộ phụ tùng thay thế trong suốt vòng đời hoạt động là do sự tối tân của loại vũ khí này.

Thiết giáp Puma do nền công nghiệp quốc phòng Đức phát triển, sử dụng nền tảng bánh xích truyền thống.

Dòng thiết giáp này được phát triển trong giai đoạn 1995-2009, biên chế cho quân đội Đức từ năm 2015.

Vào thời điểm ra đời, thiết giáp Puma được trang bị pháo tự động Rheinmetall cỡ nòng 30mm và chở được 7 binh sĩ cùng kíp lái 3 người.

Cũng giống như chương trình thiết kế một loại xe thiết giáp mới ở các quốc gia khác, Puma được phát triển với một khung cơ sở cơ bản, từ đó nhà sản xuất sẽ tùy biến thiết kế tháp pháo/vũ khí, giap bảo vệ để cho ra đời nhiều xe có công năng khác nhau.

Do đó, chúng có thể giống nhau ở động cơ, hệ thống truyền động và thiết kế bên ngoài nhưng chức năng khác nhau như xe chỉ huy, xe yểm trợ hỏa lực, xe chở quân, xe pháo phòng không tự hành,…

Sự tương quan này giúp cho việc đảm bảo hậu cần trên chiến trường được dễ dàng hơn và rút ngắn thời gian phát triển mẫu xe mới.

Nhìn bề ngoài, Puma có thiết kế không quá khác biệt so với các mẫu xe thiết giáp hiện đại với lái xe ngồi phía trước bên trái, giáp phía trước nghiêng tăng khả năng bảo vệ.

Nóc xe phẳng với một chút nghiêng ở bên thành xe (mục đích để dễ lắp thêm các bộ giáp phụ), hệ thống bánh xích với mỗi bên là 6 bánh chịu lực và 1 bánh dẫn động phía đầu dải xích, 1 bánh dẫn hướng nằm cuối dải xích được che chắn kĩ càng bởi giáp yếm.

Một trong những điểm độc đáo trong thiết kế của Puma là tháp pháo cực “dị” với hệ thống kính ngắm, cảm biến đặt lệch một bên, lấn sang bên trái xe, nhưng vẫn đảm bảo cho khẩu pháo 30mm tự động nằm giữa xe.

Hệ thống thiết bị điện tử cực kì hiện đại này giúp cho kíp lái Puma có khả năng quan sát, phát hiện và nhắm bắn chính xác mục tiêu trong bất kì điều kiện ngày đêm cũng như tăng khả năng tồn tại trên chiến trường.

Kíp lái biên chế trên Puma vẫn là 3 người gồm lái xe, pháo thủ và trưởng xe, bên cạnh khả năng chở quân 7 binh sĩ trong khoang lính phía đuôi xe. Kíp xe đều có cửa ra vào riêng, bên cạnh cửa đuôi của tốp lính bộ binh.

Về giáp bảo vệ của Puma, có thể nói đây là xe thiết giáp có vỏ giáp tốt nhất thế giới hiện tại, nó có ba tùy chọn giáp với các cấp độ bảo vệ khác nhau để đáp ứng từng nhu cầu nhiệm vụ, với khối lượng chiếc xe sẽ thay đổi từ 29,4 tấn đến 43 tấn.

Tùy chọn cơ bản nhất là có khả năng chống đạn 30mm trước mặt và đạn 14,5mm trên tất cả các vị trí, còn ở tùy chọn bảo vệ cao nhất biến Puma thành một chiếc xe thiết giáp hạng nặng, vì giáp phụ lắp thêm sẽ tăng khối lượng Puma lên 43 tấn, nặng ngang ngửa xe tăng T-72 vốn có trọng lượng 44 tấn.

Ở cấp độ này giáp trước của thiết giáp Puma có thể chống được đạn pháo tăng cỡ 120mm hoặc 125mm của các loại xe tăng hiện đại.

Thiết giáp Puma cũng có thể chịu đựng được các loại mìn và IED (thiết bị nổ tự tạo) có sức nổ của 10kg TNT, bên cạnh đó xe còn được sơn loại sơn đặt biệt giúp giảm tín hiệu nhiệt thoát ra cùng hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Dĩ nhiên hệ thống bảo vệ NBC cùng hệ thống chữa cháy tự động là bắt buộc phải có trên loại xe hiện đại như Puma.

Vũ khí chính của xe thiết giáp Puma là pháo tự động MK30-2/ABM cỡ 30mm có khả năng xoay 360°.

Pháo có hệ thống nạp đạn kép có thể bắn đạn xuyên giáp (APFSDS-T) hoặc đạn xuyên bằng động năng (KETF) với cơ số 400 viên, tầm hiệu quả khoảng 3 km.

Ngoài ra đồng trục pháo chính là súng máy HK MG4 mới đưa vào biên chế năm 2005, cỡ 7,62mm với 2000 viên đạn dự trữ, sẽ được dùng khi sát thương mục tiêu cỡ nhỏ.

Và cũng không thể kém cạnh các loại xe thiết giáp đời mới, Puma cũng mang trên mình 2 quả tên lửa chống tăng trong hệ thống tên lửa “EuroSpike Spike LR” để tiêu diệt xe tăng hay các lô cốt, hỏa điểm địch.

Bên cạnh việc tích hợp các công nghệ cảm biến và gây nhiễu, Puma cũng được tích hợp ống phóng đạn khói ngụy trang dùng khi tấn công lẫn phòng thủ.

Một thiết bị phóng lựu cỡ 76mm 6 nòng gắn phía đuôi xe như một biện pháp đối phó với bộ binh địch.

Để tăng khả năng cơ động cho “khối thép” này, nhà thiết kế đã lắp cho Puma động cơ diesel MTU V10 892 cực kì mạnh mẽ với công suất 1.100 mã lực.

Động cơ này thậm chí còn mạnh ngang ngửa động cơ của các loại xe tăng chủ lực, giúp xe đạt tốc độ 70 km/h với dự trữ hành trình 600 km.

Hệ thống treo trên thiết giáp Puma đảm bảo cho nó vượt được các địa hình khó khăn.

Có thể nói, thiết giáp Puma đã được thiết kế để “bám” theo các xe tăng trong đội hình thọc sâu dù bất cứ địa hình hay tốc độ nào.

Khi cần thiết, thiết giáp Puma có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải A400M “Atlas”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-thiet-giap-puma-cua-duc-co-gia-len-toi-32-trieu-usdchiec-post539510.antd