Vì sao thị trường xăng dầu loạn nhịp dù nguồn cung không thiếu?

Bộ Công Thương khẳng định, cung ứng xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn xảy ra tình trạng cửa hàng treo biển hết xăng dầu dù đây là mặt hàng chiến lược. Điều đáng chú ý là kịch bản hết xăng dầu đã lặp lại nhiều lần trong năm nay. Vì sao thị trường xăng dầu vẫn cứ loạn nhịp dù cơ quan điều hành khẳng định tuân thủ tốt nguyên tắc điều hành…

Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, với các đơn vị kinh doanh xăng dầu và cả cơ quan quản lý Nhà nước được xem là một kỳ nghỉ đặc biệt về cung ứng xăng dầu. Do kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 1/9 trùng vào dịp nghỉ lễ nên được chuyển sang chiều ngày 5/9. Theo đó, những diễn biến trên thị trường xăng dầu đã gây bất ngờ cho những doanh nghiệp (DN) kinh doanh.

Hỗn loạn trước ngày điều chỉnh giá

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/8/2022-05/9/2022) tiếp tục có những diễn biến tăng giảm đan xen. Đầu kỳ, giá xăng dầu liên tục tăng cao do OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng; lo ngại về việc Mỹ không xem xét các nhượng bộ bổ sung đối với Iran trong thỏa thuận hạt nhân Iran; sản xuất, khai thác dầu của Libya và Nigeria không cải thiện...

Đến cuối kỳ, giá xăng dầu lại có xu hướng giảm do đồng USD tăng giá, nhiều nước áp dụng chính sách tăng lãi suất ngân hàng để kiểm soát lạm phát cùng với tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn căng thẳng làm kỳ vọng nhu cầu giảm.

Một số cây xăng xảy ra tình trạng hết hàng trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua.

Dẫn tới, từ việc được dự báo giá tăng mạnh, giá xăng đã giảm từ 366 – 439 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng mạnh từ 1.389 – 1.429 đồng/lít. Kết quả, giá dầu diesel đã vượt giá xăng, đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam (xăng E5RON95: 23.359 đồng/lít, xăng RON 95III: 24.230 đồng/lít, trong khi dầu Diesel: 25.188 đồng/lít, dầu hỏa: 25.445 đồng/lít).

Bên cạnh đó, điều đáng lo hiện nay là dù Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn về cung ứng xăng dầu, đã thành lập các đoàn đi kiểm tra và phát hiện một số cửa hàng hết xăng hoặc dầu, nhưng đây chỉ là hiện tượng thiếu hụt cục bộ, nhất thời. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề về chiết khấu giữa các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được giải quyết.

Chia sẻ với VnBusiness ngày 5/9, ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc Hợp tác xã xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM) – đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, cho biết với hoàn cảnh hiện nay người bán lẻ giống như đang đứng trước “cửa tử”, mỗi tháng cầm lỗ từ 50 – 100 triệu đồng. “Cơ quan quản lý đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng có lẽ không ai thấu hiểu hoàn cảnh mà chúng tôi đang gặp phải, cuối cùng chúng tôi vẫn là người chịu lỗ”, ông Lèo chia sẻ.

Về nguồn hàng, ông Lèo cho hay đầu mối cung cấp khá nhỏ giọt, có thời điểm đủ xăng nhưng thiếu dầu. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở chiết khấu, bởi với mức hoa hồng 0 đồng như hiện nay, người bán lẻ không đủ trả tiền công cho nhân viên, thuê mặt bằng, điện nước…. “Nói thật, nhiều khi chúng tôi mong thà cứ không có hàng, đóng cửa nghỉ lại còn tiết kiệm được chi phí nhân công, chứ với tình cảnh hiện nay đúng là rất đau đầu, lo không ăn, ngủ được”, ông Lèo thẳng thắn chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc công ty CP xăng dầu Tự Lực I (Hà Nội), cho hay cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang lỗ 800 - 900 đồng/lít xăng dầu. Nếu cửa hàng nào bán khoảng 20.000 lít xăng dầu/ngày, tức đang lỗ khoảng 18-20 triệu đồng/ngày.

Trước quan điểm cho rằng kinh doanh có lời, có lỗ là chuyện bình thường, ông Tiu cho rằng đặt trong bối cảnh hậu COVID-19, DN chưa kịp phục hồi đã vấp phải cơn biến động thị trường thì nhiều cửa hàng đã phải gồng lỗ từ đầu năm đến nay. DN không thể làm không công, thua lỗ khi đã dốc hết tài sản, vốn liếng. Theo đó, các DN bán lẻ xăng dầu kỳ vọng đầu mối tăng mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Nguồn cung ổn định, sao vẫn hết hàng

Trong một báo cáo mới đưa ra, Bộ Công Thương tiếp tục cho biết tình hình nguồn cung trong nước cơ bản ổn định, hai nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo 72 - 80% nguồn cung xăng dầu trong quý III và IV. Tuy nhiên, có lẽ nhìn nhận trên thực tế thì vấn đề của thị trường xăng dầu không hẳn nằm ở công đoạn sản xuất mà vấn đề ở mối quan hệ giữa các thương nhân phân phối trên thị trường và cách điều hành của cơ quan quản lý.

Không chỉ DN bán lẻ, “ông lớn” Petrolimex mới đây cũng có kiến nghị lên các bộ ngành về việc tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu. Cụ thể, đơn vị này cho biết có hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán, dẫn tới nhu cầu dồn về Petrolimex và sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên các kênh bán hàng, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp.

Theo đó, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong công tác tạo nguồn do lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi việc mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức do thiếu hụt… Trước tình hình này, Petrolimex đã khẩn thiết báo cáo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN nhiều giải pháp để bình ổn thị trường xăng dầu như tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu về đến cảng và chi phí vận tải. Đồng thời, Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại DN cần ghi nhận các yếu tố khách quan dẫn đến kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2022 của tập đoàn bị lỗ do tham gia bình ổn thị trường.

Nhìn nhận những bất cập trên thị trường xăng dầu hiện nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, chia sẻ đây mặt hàng kinh doanh rất rủi ro, giá cả lên xuống theo thị trường. Kinh doanh xăng dầu giống như chơi chứng khoán không phải lúc nào cũng có lãi, vừa mới mua xong giá có thể giảm 10-20%. Việc lỗ lãi mà các DN phản ánh tùy thuộc vào việc có ký hợp đồng hay không chứ không phải là DN to hay nhỏ.

Theo đó, ông Bảo cho rằng các cửa hàng kinh doanh, DN bán lẻ xăng dầu muốn có lợi nhuận ổn định thì cần có các hợp đồng đại lý với DN đầu mối để hưởng chiết khấu cố định. Nếu ký hợp đồng đại lý, nghĩa là hàng hóa, giá cả cửa hàng bán lẻ không cần quan tâm. Tuy nhiên, ông Bảo nhìn nhận hình thức này rất ít người sử dụng.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng cần xem lại các hợp đồng kinh tế mà các DN bán lẻ ký với đại lý để xem bên nào vi phạm. Về tổng nguồn cung thì không thiếu, vấn đề ở đây là chuyện lỗ, lãi của các DN.

Tuy nhiên, ở góc độ những người bán lẻ, ông Lèo cho rằng không phải DN không biết tới điều này nhưng "thực tế là việc làm đại lý của các DN đầu mối lớn thì mức chiết khấu quá thấp 300 đồng/lít – chẳng khác gì chúng tôi đi bán thuê cả. Nên giải pháp nào cũng là khó khăn khi quyền quyết định không nằm trong tay", ông Lèo phàn nàn. Điều này một lần nữa cho thấy, rõ ràng việc điều hành thị trường xăng dầu đang có vấn đề và cần phải được xem xét lại.

Ông Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Có thể khẳng định thị trường xăng dầu Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Về giá cả cơ bản giữ được mức ổn định và bao giờ cũng thấp hơn so với khu vực và thế giới. Do vậy, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu và bằng mọi cách Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Xăng dầu là mặt hàng có tính chiến lược trên phạm vi toàn cầu, vì thế kinh doanh mặt hàng này cũng phải chấp nhận rủi ro bởi biến động của thị trường thế giới. Nếu phát hiện thương nhân cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia Kinh tế

Việc các DN bán lẻ kiến nghị với Bộ Công Thương được ký hợp đồng với nhiều đầu mối. Việc này cũng hợp lý bởi về nguyên tắc chung mua bán hàng hóa, họ có thể mua ở nhiều đầu mối khác nhau, tạo sự cạnh tranh giữa các đầu mối. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra nữa là trách nhiệm về chất lượng xăng dầu thì ai chịu. Nếu không quy định rõ, 2 đầu mối sẽ mâu thuẫn nhau nếu xảy ra tình trạng xăng dầu kém chất lượng, trong khi DN bán lẻ xăng dầu không biết, không xác định được nguồn cung là ở đâu. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Học viện Tài chính

Bộ Công Thương nhận định xăng dầu không thiếu. Điều này đúng nếu cân đối về sản lượng tiêu thụ và sản lượng nhập. Tuy nhiên lại xảy ra tình trạng thiếu cục bộ theo thời điểm, địa bàn. Do đó, Bộ cũng cần ghi nhận, nắm bắt các phản hồi từ DN cũng như thực tiễn của thị trường để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp. Trước sau, chúng ta cần phải xây dựng một thị trường xăng dầu cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tự do. Vì vậy, Bộ Công Thương cần có chiến lược để từ đó xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vi-sao-thi-truong-xang-dau-loan-nhip-du-nguon-cung-khong-thieu-1087707.html