Vì sao tháng cuối cùng của năm âm lịch được gọi là 'tháng củ mật?'

Kinh nghiệm lâu đời của người Việt cho thấy tháng Chạp là tháng dễ xảy ra trộm cắp nhất trong năm, vì thế người xưa cảnh báo đây là 'tháng củ mật,' nghĩa là kiểm soát cẩn mật tài sản và tiền bạc.

Tháng Chạp là tháng dễ xảy ra trộm cắp nhất trong năm nên người xưa gọi là "tháng củ mật" (Ảnh minh họa: AI)

Năm Âm lịch Quý Mão đã chính thức bước sang tháng cuối cùng – tháng Chạp, theo cách gọi của người xưa. Đây cũng chính là "tháng củ mật" mà người xưa thường cảnh báo và đến bây giờ ý nghĩa cảnh báo vẫn giữ nguyên giá trị.

Vì sao người xưa không gọi là tháng 12 Âm lịch, và "tháng củ mật" có nghĩa là gì?

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, từ “chạp” xuất phát từ văn hóa Trung Quốc xưa, là một biến âm của từ “lạp” trong tiếng Hán.

Lạp là lễ tế thần vào dịp cuối năm (tháng 12 Âm lịch) nên còn gọi là Lạp nguyệt. Trong văn hóa Việt Nam, tháng 12 là tháng có nhiều lễ cúng bái, đặc biệt, người Việt thường chú trọng chăm sóc mồ mả tổ tiên vào dịp này cho tươm tất để chuẩn bị mời ông bà về nhà ăn Tết.

Do có phần chịu ảnh hưởng qua lại với Trung Quốc nên người Việt cũng dùng từ “chạp” trong giỗ chạp và tên gọi tháng Chạp xuất phát từ đây.

Tháng Chạp là tháng quan trọng, chuẩn bị kết thúc một năm cũ để bước sang một chu kỳ mới, một khởi đầu mới. Bởi lẽ đó, ở cả thời xưa và ngày nay, đây là tháng bận rộn nhất, tháng vun vén mọi việc và thu hoạch, tích trữ, chuẩn bị đón Năm mới thật hoàn hảo, sung túc.

Nhưng tháng Chạp cũng được gọi là "tháng củ mật" với hàm nghĩa cảnh báo mọi người nên trông nom nhà cửa cẩn thận, đề phòng trộm cắp hoặc xui rủi không đáng có.

Theo từ điển Hán Nôm, từ “củ mật” là cách nói rút gọn từ cụm từ “củ sát nghiêm mật,” nghĩa là xem xét, kiểm soát một cách cẩn mật.

Kinh nghiệm lâu đời của người Việt cho thấy tháng Chạp là tháng dễ xảy ra trộm cắp nhất trong năm bởi tháng cuối năm cũng là tháng thu hoạch, người đi buôn sẽ cố thu tiền về, người cho vay cũng đi đòi nợ để mua bán sắm sửa đón Tết.

Những người lao động khác cũng cố gắng khẩn trương hoàn tất công việc của mình. Mọi nhà, mọi người đều bận rộn hơn bình thường nên dẫn đến tinh thần mệt mỏi, dễ mất tập trung, lơ là, nhất là khi đêm xuống.

Đây chính là lúc những kẻ đạo chích lợi dụng để ra tay hoạt động, lẻn vào tư gia trộm đi các thành quả lao động cũng như tiền bạc tích trữ khiến người dân mất Tết.

Vào thời xưa, khi bước vào tháng Chạp, các quan phủ thường hay nhắc nhở các chánh tổng, lý trưởng, hào dịch các nơi phải lưu tâm cắt cử tuần phiên “củ soát cẩn mật,” phòng ngừa trộm cắp, người dân cũng cần chú ý cửa đóng cửa cài then cẩn thận, bảo quản thật kỹ tài sản, tiền bạc của mình không chỉ ở trong nhà mà ở cả ngoài đường.

Người dân cần cảnh giác nạn móc túi nơi công cộng trong "tháng củ mật." (Ảnh minh họa: AI)

Ngày nay, tháng Chạp vẫn được coi là "tháng củ mật,” đặc biệt là vào những ngày giáp Tết, khi công nợ được thu về, lương thưởng được lĩnh, và người người nườm nượp đi mua sắm Tết.

Ở các chợ, trung tâm mua sắm có mật độ người đông đúc là các điểm lý tưởng cho đạo chích hoạt động. Vì thế người dân lưu không nên mang theo nhiều tiền mặt hoặc tài sản quý trong túi xách hoặc balô đeo sau lưng mà nên cất giữ tiền, đồ vật có giá trị trong túi đeo phía trước hoặc cất trong người, đề phòng kẻ xấu rạch túi hoặc móc túi.

Còn tại tư gia, các gia đình cần kiểm tra lại hệ thống tường rào, gia cố bảo đảm đủ cao, đủ chắc chắn và gây khó khăn cho kẻ trộm nếu có ý định trèo qua.

Luôn nhớ kiểm tra hệ thống cửa ra vào nhà bao gồm cửa cổng, cửa ra vào chính, cửa ngách, cửa hậu, cửa tum và các cửa sổ, cửa chớp. Bảo đảm các cửa phải được khóa chắc chắn trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ.

Các gia đình nên sử dụng khóa cửa bằng các loại khóa an toàn, chống cắt phá cả từ bên ngoài và bên trong.

Nên lắp đặt các thiết bị an ninh với chi phí tiết kiệm như đèn cảm ứng tự bật sáng khi phát hiện chuyển động, chuông báo động tự động kích hoạt khi cửa mở hoặc có điều kiện thì lắp đặt hệ thống camera an ninh phù hợp.

Tháng Chạp ở thời hiện đại còn nhiều yếu tố cần “củ mật” nữa, đó là cẩn thận hỏa hoạn từ nhang khói, vàng mã... trong thời tiết hanh khô; vấn đề an toàn thực phẩm trong những buổi tiệc tùng, liên hoan tất niên; vấn đề an toàn giao thông trong những ngày cuối năm ngược xuôi vội vã…

Không phải vô lý khi người xưa cảnh báo về "tháng củ mật" dễ mất mát tiền của, hay "tai bay vạ gió," hoặc hao người tốn của vì những lý do khác nhau để mọi người hết sức thận trọng, tránh mọi điều xui xẻo trước khi đón một cái Tết thật trọn vẹn, an vui./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-thang-cuoi-cung-cua-nam-am-lich-duoc-goi-la-thang-cu-mat-post920313.vnp