Vì sao tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam?

Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ, dự kiến vào năm 2018.

Sáng 8/8, lễ đón chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Ngay sau lễ đón, hai Bộ trưởng đã tiến hành hội đàm.

Tại hội đàm, hai vị Bộ trưởng Jim Mattis và Đại tướng Ngô Xuân Lịch đồng ý gia tăng hợp tác trong lãnh vực chia sẻ thông tin, hải quân cũng như gia tăng mức độ gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo trên tinh thần tôn trọng vì quyền lợi chung, trong đó bao gồm tôn trọng luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia, bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông và toàn thế giới.

Lần đầu trong lịch sử quan hệ

Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ, dự kiến vào năm 2018 và một khu trục hạm cũ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ được giao cho Hà Nội để gia tăng tuần tra ở Biển Đông. Đây là một trong những chủ đề được Bộ trưởng Jim Mattis và người tương nhiệm Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, bàn thảo trong chuyến thăm Mỹ của đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam từ 7—10/8.

Các ưu tiên khác trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước bao gồm các lĩnh vực: trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, tham vấn đối thoại, an ninh biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh bao gồm rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam/Dioxin, tìm kiếm quân nhân mất tích và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Các Bộ trưởng cũng đã trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm và đánh giá cao kết quả hợp tác song phương trên cơ sở “Bản ghi nhớ về thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương”, “Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương”. Kết quả hợp tác đã góp phần tăng cường sự tin cậy, mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước. Hai Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng thời gian tới theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và các văn bản đã ký kết.

Phát biểu tại hội đàm, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã cám ơn sự đón tiếp trọng thị và hữu nghị của phía Hoa Kỳ dành cho Đoàn và một lần nữa khẳng định, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Việt Nam chủ trương xây dựng nền quốc phòng tự vệ đủ để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bày tỏ, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và luôn ưu tiên phát triển quan hệ dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao sự hợp tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam và trong lĩnh vực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Song phương và đa phương

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch diễn ra không lâu sau tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định quyền hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông và đề nghị các bên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.Về phần mình, Hoa Kỳ ước tính Bắc Kinh đã mở rộng thêm 1.300 ha đất tại bảy địa điểm trên Biển Đông trong thời gian ba năm qua, xây dựng các đường băng, cảng, bãi đỗ, nhà chứa máy bay và lắp đặt các thiết bị viễn thông trên đó, theo Reuters. Và đó chính là điều mà Hoa Kỳ và các cường quốc khác không chấp nhận các hoạt động được coi là “quá trình quân sự hóa Biển Đông” của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cho đến nay đã thường xuyên thực thi quyền tự do đi lại trong khu vực, là động thái khiến Bắc Kinh giận dữ. Hồi đầu tháng này, Hoa Kỳ gửi hai máy bay ném bom tới nơi, chỉ vài tháng sau khi cử một tàu chiến tới tập trận trong phạm vi 12 hải l ý cách Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, Ngoại trưởng Boris Johnson của Anh quốc cũng đã cam kết sẽ đưa các tàu hàng không mẫu hạm tới khu vực Biển Đông đang có tranh chấp để thực thi quyền tự do hàng hải. "Một trong những điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm đối với hai hàng không mẫu hạm mà chúng tôi vừa đóng xong là sẽ gửi chúng tới để thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực," ông Johnson được báo The Guardian dẫn lời, "nhằm khẳng định niềm tin của chúng tôi đối với hệ thống luật pháp quốc tế, và đối với quyền tự do đi lại ở các vùng nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với thương mại thế giới."

Việc Anh quốc đưa các tàu mới nhất, đắt tiền nhất tới khu vực sẽ bị Bắc Kinh coi là hành động khiêu khích từ phía Anh. Dù sao, London vẫn không ngại bước đi này sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ song phương, làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy điều mà chính phủ hai bên gọi là "kỷ nguyên vàng" trong bang giao, giữa lúc Anh đang tách khỏi EU.

Về quan hệ quốc phòng Việt—Mỹ, trong thời gian tới, hai Bộ trưởng đã thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo nội dung các văn bản thỏa thuận đã được ký kết, trong đó tập trung ưu tiên vào lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống cũng như tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Liên quan đến vấn đề tẩy độc dioxin tại các điểm bị ô nhiễm, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết hai bên đã hoàn thành giai đoạn I của Dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và đang tiến hành giai đoạn II, để cố gắng hoàn thành kịp phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/vi-sao-tau-san-bay-my-den-viet-nam-212442/