Vì sao Philippines dẫn đầu khu vực Đông Nam Á tại Olympic?

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ Thế vận hội, Philippines giành HCV, đồng thời là Đoàn Thể thao Đông Nam Á thành công nhất tại Tokyo 2020.

Đoàn Thể thao Philippines kết thúc Tokyo 2020 với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, đứng thứ 50 trên bảng tổng sắp, trong top 10 châu Á và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Indonesia xếp thứ hai khu vực với 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ.

Kể từ lần đầu tham dự Thế vận hội năm 1924, Philippines mới chỉ giành được 2 HCB và 8 HCĐ. Tuy nhiên tại Tokyo 2020, nữ đô cử Hidilyn Diaz đã giành HCV, trong khi các võ sĩ Nesthy Petecio và Carlo Paalam giành HCB, còn Eumir Marcial giành HCĐ.

Diaz giúp các VĐV Philippines có thêm sự tự tin. Ảnh: Reuters.

Sự tự tin

Ít người có thể tin vào những thành tích mà các VĐV Philippines đạt được tại Tokyo tới mức Diaz và Marcial đã phải công khai xin hỗ trợ, bởi các khoản tài chính họ nhận được cho việc đào tạo quá ít ỏi.

Các VĐV và HLV của họ cho rằng những tấm huy chương giành được một phần đến nhờ may mắn, cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự tự tin, rèn luyện tinh thần tốt và sự giúp đỡ của người nước ngoài.

Các võ sĩ Philippines được Liên đoàn Boxing Thái Lan chào đón khi họ tập luyện tại đó. Diaz được một gia đình ở Malaysia giúp đỡ, khi chuyển đổi một phần sân sau thành phòng tập thể dục ngoài trời. Còn ngôi sao thể dục dụng cụ Carlos Yulo được tập luyện tại Nhật Bản trong ba năm, dưới sự chỉ dẫn của HLV Munehiro Kugimiya.

Marcus Manalo, người được Hiệp hội Boxing Philippines (ABAP) mời về cách đây 8 năm làm huấn luyện viên tâm lý, nói với This Week in Asia rằng họ có 4 võ sĩ tham dự Tokyo 2020 và ba trong số đó giành được huy chương.

"Chúng tôi từng chỉ thắng một", Manalo nói. Ông thừa nhận rằng giống như nhiều người Philippines khác, các VĐV luôn có ít sự tự tin do mặc cảm tự ti hoặc nhận thức về sự kém cỏi bởi sắc tộc, văn hóa.

Tấm HCV của Diaz là một động lực lớn về mặt tinh thần cho các võ sĩ boxing. "Bây giờ chúng ta đã có HCV. Hãy chiến đầu vì Philippines. Đừng nghi ngờ, hãy tin rằng bạn có sức mạnh. Hãy tự hào là người Philippines", câu nói của Diaz đã truyền cảm hứng cho các VĐV thi sau cô.

Tokyo 2020 là lần đầu tiên Manalo được trao vé đồng hành cùng các VĐV tham dự Thế vận hội. Tại Rio 2016, Philippines chỉ có 2 võ sĩ được dẫn dắt bởi một HLV. Lần này, ABAP đã cử đội ngũ hùng hậu với một HLV, một chuyên gia dinh dưỡng, một nhà vật lý trị liệu và một huấn luyện viên tâm lý.

Manalo cho biết các võ sĩ Philippines may mắn khi được tập luyện 5 tháng ở Thái Lan. Nếu ở quê nhà, việc tập luyện có thể bị gián đoạn bởi các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 gây ra.

ABAP cũng thuê cựu huấn luyện boxing người Australia Don Abnett làm cố vấn. Họ cùng nhau xem lại các đoạn băng ghi hình về các đối thủ tiềm năng ở Olympic và đưa ra phương án chiến đấu cho mỗi trận có thể xảy ra.

Nếu là trước đây, họ không thể chuẩn bị tốt được như vậy. "Để các võ sĩ tự tin, bạn phải đưa ra một kế hoạch chiến đấu thật tốt để khi bước vào trận, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có lợi thế cạnh tranh", Manalo chia sẻ về quá trình chuẩn bị.

Vị huấn luyện viên tâm lý cũng cho biết thêm các võ sĩ đều có tinh thần phấn chấn cho một trong những kỳ Thế vận hội khác biệt nhất lịch sử. "Các võ sĩ chỉ biết rằng họ đã hy sinh rất nhiều cho Olympic. Đó là một thử thách rất lớn đối với họ".

Paalam (phải) là niềm hy vọng lớn để hướng tới Paris 2024. Ảnh: Reuters.

Sự ủng hộ

Màn trình diễn của võ sĩ Paalam trong chiến thắng trước Ryomei Tanaka của Nhật Bản ở bán kết hạng dưới 52 kg nam "thực sự là cách mà các huấn luyện viên đã lên kế hoạch". Dù vậy, trong lần đầu tham dự Olympic, Paalam chỉ có thể nhận HCB sau trận thua trước Galal Yafai (Vương quốc Anh), tay đấm có nhiều kinh nghiệm hơn khi lần thứ 2 tranh tài ở Thế vận hội.

Khi được hỏi liệu những chiến thắng này có thể được lặp lại ở các kỳ Olympic trong tương lai hay không, Manala nói rằng: "Sẽ rất khó khăn. Các võ sĩ chúng tôi có lúc này không còn trẻ nữa, ngoại trừ Paalam, người vừa bước sang tuổi 23. Cậu ấy còn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, Marcial chuyển sang boxing chuyên nghiệp, còn Petecio đã 29 tuổi".

Philippines có nhiều tài năng thể thao, nhất ở môn boxing, nơi các võ sĩ của họ được truyền cảm hứng bởi tay đấm huyền thoại Manny Pacquiao. Tuy nhiên, việc có thể đưa những võ sĩ tài năng này trở thành những ngôi sao đòi hỏi họ và những nhà quản lý phải làm việc chăm chỉ hơn, đầu tư tiền bạc nhiều hơn.

"Nếu chúng ta định lập kế hoạch ngay bây giờ, thì đó không chỉ là Olympic Paris 2024, mà phải xem xét đến cả Thế vận hội 2028, tức là hai chu kỳ Thế vận hội", Manalo nói.

Sau khi chứng kiến các VĐV thi đấu ở Tokyo 2020, những ông bầu thể thao của Philippines như Manuel Pangilinan và Ramon Ang cho biết sẽ hỗ trợ nhiều VĐV hơn tham dự Olympic trong tương lai. Hai ông bầu này, mỗi người đã treo thưởng 10 triệu peso (khoảng 200.000 USD) cho tấm HCV Olympic Tokyo.

Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, thừa nhận rằng các vận động tham dự Olympic đang được trợ cấp tương đương với mức lương tối thiểu hàng ngày. "Chúng tôi sẽ xem xét cách chúng tôi có thể thay đổi điều này".

Huy chương vàng của Diaz đã giúp cô trở thành triệu phú Philippines, khi nhận được khoảng 30 triệu peso (khoảng 600.000 USD) từ các nguồn khác nhau. Trong khi rất biết ơn về những phần thưởng bằng tiền mặt, Diaz nhấn mạnh rằng các vận động viên cần được giúp đỡ nhiều nhất có thể trên hành trình giành HCV Olympic.

Duy Minh (Theo: SCMP)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-philippines-dan-dau-khu-vuc-dong-nam-a-tai-olympic-post1249011.html