Vì sao phi hành gia nữ thích hợp lên sao Hỏa hơn nam giới?

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, phi hành đoàn gồm toàn phụ nữ có nhiều lợi thế khi lên sao Hỏa. Các dữ liệu cho thấy nữ phi hành gia phù hợp với các chuyến bay vũ trụ hơn nam giới.

Tìm được phi hành gia phù hợp để làm nhiệm vụ trên sao Hỏa không phải việc dễ dàng. Họ cần chuẩn bị cho rủi ro lớn là không bao giờ quay trở lại, sống trong một con tàu vũ trụ trong khoảng 7 tháng để tới hành tinh đỏ. Đồng thời, các phi hành gia cần phải là chuyên gia được đào tạo chuyên sâu trong bất cứ vai trò nào trên Trái đất.

Theo nghiên cứu mới, những phi hành gia đầu tiên đặt chân tới sao Hỏa nên là phụ nữ. Đây không phải là ý tưởng mới. Vào những năm 1950, các chuyên gia tại Ủy ban Đặc biệt về Khoa học Sự sống thuộc NASA cho rằng, nữ phi hành gia phù hợp với các chuyến bay vũ trụ hơn nam giới.

Khi ấy, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu, so sánh phụ nữ với nam giới về sự phù hợp để làm phi hành gia trong khuôn khổ Chương trình Phụ nữ trong Không gian Lovelace.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra cơ thể phụ nữ thường nhỏ và nhẹ hơn, cần ít oxy và ít calo hơn, giúp tiết kiệm trọng lượng và tài nguyên. Hệ sinh sản của phụ nữ cũng được cho là chống chịu với bức xạ tốt hơn. Họ cũng ít bị đau tim hơn nam giới.

Tuy nhiên, một phần do sự bất bình đẳng giới vào thời kỳ này nên thường chỉ có nam giới được chọn làm phi hành gia. Nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào không gian là Sally Ride. Bà đã có chuyến du hành vũ trụ lịch sử vào năm 1983.

Tạp chí Scientific Reports số ra tháng 4 vừa qua đã đăng tải kết quả nghiên cứu mới, qua đó khẳng định lại ý tưởng của Tiến sĩ W. Randolph Lovelace II và bác sĩ Donald Flickinger những năm 1950 khi chỉ ra rằng nữ phi hành gia có nhiều lợi thế hơn so với nam giới. Nghiên cứu mới do Jonathan P. R. Scott, chuyên gia tại Viện Y học Sinh lý Không gian (MEDES) ở Pháp và các cộng sự thực hiện.

Nhóm chuyên gia xem xét mức tiêu thụ oxy, tổng năng lượng tiêu thụ, lượng CO2, nhiệt sinh ra, nhu cầu về nước của nam giới và phụ nữ trong những nhiệm vụ du hành vũ trụ dài ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với nam phi hành gia, chỉ riêng kích thước cơ thể cũng đủ để mọi chỉ số tăng mạnh.

Cụ thể, tổng mức tiêu thụ năng lượng của nam phi hành gia tăng 30%, mức tiêu thụ oxy tăng 60%, lượng CO2 sinh ra tăng 60% và nhu cầu nước tăng 17%.

Trong khi đó, nữ phi hành gia có chỉ số tốt hơn nhiều kể cả khi kích thước cơ thể của họ tăng lên. Trong trường hợp phụ nữ có vóc dáng trung bình của một người đàn ông, nhu cầu dinh dưỡng, mức tiêu thụ oxy giảm 41%.

Kết hợp với xu hướng hiện nay hướng đến các module sống có kích thước nhỏ hơn cho thấy phi hành đoàn chỉ gồm phụ nữ có thể thuận lợi cho lần hạ cánh đầu tiên xuống sao Hỏa.

Mời độc giả xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV TSTC.

Tâm Anh (theo Iflscience)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-sao-phi-hanh-gia-nu-thich-hop-len-sao-hoa-hon-nam-gioi-1852332.html