Vì sao nhiều phòng khám 'lang băm' vẫn tồn tại?

Tình trạng nhiều phòng khám Trung Quốc lừa gạt, moi tiền người bệnh đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng vẫn có không ít người bệnh cả tin đến đây để rồi 'tiền mất tật mang'. Việc này khiến cho dư luận bức xúc, mà cơ quan chức năng lại chưa có giải pháp tối ưu nào để chấn chỉnh.

Nói có sách, mách có chứng, khi mới đây có nữ bệnh nhân 22 tuổi phản ánh khi khám phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa Đại Đông – quận Tân Bình – TP HCM, bị bác sĩ dọa bệnh nặng phải mổ vì nếu để lâu sẽ thành ung thư, bệnh nhân phải đóng chi phí mổ 37 triệu đồng.

Cũng tại phòng khám này, một bệnh nhân 20 tuổi đến phá thai, sau ba ngày uống thuốc và chi phí 32 triệu đồng vẫn chưa lấy được thai ra ngoài. Người thân đến phòng khám yêu cầu giải quyết, cả hai bệnh nhân đều được trả lại tiền.

Hoặc Phòng khám Baylor chấp nhận hoàn trả số tiền 56,8 triệu đồng cho bệnh nhân 20 tuổi khi tới khám, điều trị triệu chứng ngứa rát bộ phận sinh dục…

Hóa đơn đóng tiền phẫu thuật dương vật của bệnh nhân 20 tuổi tại phòng khám Baylor.

Những sai phạm của các Phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc, hoặc phòng khám đông y nói chung  xảy ra ở TP HCM quá nhiều đến mức không thể kiểm soát. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng ngành y tế, hiện ngành y tế thành phố cấp chứng chỉ hành nghề cho khoảng 40.000 cán bộ y tế, cấp phép cho hơn 200 phòng khám đa khoa, 4.500 phòng khám tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (Đoàn Đại biểu TP HCM) từng nói: “Người dân nhiều lần kêu cứu về các hành vi lừa đảo ở nơi này, vẽ bệnh điều trị tốn kém mà vẫn không hết bệnh, thậm chí biến chứng phải đến bệnh viện công để điều trị lại”.

Chúng ta thấy, cái sai thứ nhất ở đây là do thiếu hiểu biết và tin tưởng mù quáng vào các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc nên tiền mất và có khi mạng cũng mất luôn. Ở TP HCM có nhiều bệnh viện có tiếng như bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương… cũng như phòng khám tốt sao không đến khám chữa bệnh mà lại tìm đến những phòng khám này, việc này chẳng khác gì người dân tự “chui đầu vào rọ”.

Cái sai thứ hai là do Sở Y tế cấp phép dễ dãi mà không kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện liên quan, không có quy định cụ thể về hành nghề, giá cả... nên để xảy ra tình trạng các cơ sở của phòng khám chữa bệnh có người Trung Quốc làm ăn không bị kiểm soát chặt chẽ.

Lý giải cho tình trạng này, ông Bùi Minh Trạng – Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Không biết phòng khám dàn xếp thỏa thuận thế nào để các bệnh nhân sau đó hầu hết không liên lạc được hoặc từ chối khiếu nại. Vì vậy thanh tra không thể thiết lập hành vi vi phạm để xử lý phòng khám”.

Và theo Luật doanh nghiệp mới thì Cơ quan chỉ được thanh tra doanh nghiệp 1lần/năm. Thanh tra Sở Y tế không đi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất mà chỉ giải quyết từng vụ việc cụ thể khi có phản ảnh của bệnh nhân.

Cái sai thứ ba là các phòng khám này làm ăn không có lương tâm, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần người dân.

Thế nhưng, dù có lý giải bằng những lý do gì thì trách nhiệm của ngành y tế địa phương là rất lớn. Không thể đổ lỗi cho Luật doanh nghiệp mới chỉ cho phép thanh – kiểm tra 1 lần. Mà sự tồn tại của những phòng khám vớ vẩn này từ rất lâu, có trước khi Luật doanh nghiệp mới ra đời kia mà.

Song song, nếu cơ quan chức năng ngành y tế làm đúng trách nhiệm, làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận cho người dân thì chẳng có cơ sở nào để cho “nó” tồn tại cả. Vậy nên người ta mới nói, trước khi trách người thì hãy nhìn lại mình.

Dẫu có nói gì chăng nữa, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn rằng:  Lâu nay nhiều phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc làm việc bị quá nhiều sự cố, tai tiếng, thậm chí gây chết người... Vậy tại sao nhiều người vẫn để cho họ lừa đảo một cách dễ dàng? Tại sao những kiểu phòng khám "lang băm" đó vẫn tồn tại ngang nhiên giữa lòng thành phố? Tại sao?

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vi-sao-nhung-phong-kham-lang-bam-van-ton-tai-118371.html