Vì sao nhiều cô gái trẻ Việt Nam lấy chồng muộn?

Thay vì vội vã lên xe hoa, ngày càng nhiều bạn trẻ nữ chọn đầu tư cho bản thân, theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống độc thân. Kết hôn muộn đang trở thành xu hướng, mang đến những lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn hệ lụy...

Xu hướng kết hôn muộn đang ngày càng phổ biến phụ nữ trẻ Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Theo thống kê Tổng cục Thống kê Việt Nam, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Việt Nam đã tăng từ 22,8 tuổi vào năm 1999 lên 23,4 tuổi vào năm 2020 và 25 tuổi vào năm 2022. Tại TP HCM, con số này thậm chí còn cao hơn, lên đến 30 tuổi. Hà Nội cũng không ngoại lệ với độ tuổi kết hôn trung bình là 26,9 tuổi.

Biểu đồ độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Việt Nam.

Khi được hỏi, các bạn nữ đưa ra nhiều lý do về việc kết hôn muộn, như: chưa chuẩn bị tâm lí, tài chính hạn chế, chưa tìm được người phù hợp, sợ đổ vỡ...

Bùi Dương Thu Hương (29 tuổi), một nhân viên ngân hàng tại tỉnh Vĩnh Phúc muốn tự lập, tự chủ kinh tế trước khi bước vào hôn nhân. “Tôi không muốn phụ thuộc vào người khác. Tôi nghĩ, nhìn chung, khi mình chủ động về kinh tế, tiếng nói của mình trong gia đình cũng trọng lượng hơn”, chị Hương chia sẻ.

Mới 20 tuổi nhưng Nguyễn Đào Khánh Chi, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã xác định ngoài 30 tuổi mới kết hôn: “Theo em, lấy chồng sớm như đi du lịch theo tour, vừa gò bó vừa nhàm chán. Trước khi kết hôn, em muốn bản thân phải là phiên bản tốt nhất của chính mình”.

Nguyễn Tùng Thảo Chi, sinh viên năm 3 Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tâm lý sẵn sàng của mỗi người cho cuộc sống hôn nhân và gia đình mới là yếu tố then chốt để quyết định đi đến hôn nhân. "Dù còn trẻ nhưng em nhận thức được rằng hôn nhân đòi hỏi sự ổn định về tài chính và đặc biệt là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hiệu quả để duy trì hạnh phúc lâu dài”, Thảo Chi nói.

Chứng kiến không ít cặp đôi đổ vỡ trong hôn nhân, Nguyễn Ngọc Ánh (20 tuổi) - sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn mình chỉ kết hôn khi đủ trưởng thành. Ánh bày tỏ suy nghĩ: “Hôn nhân có nhiều áp lực, về tiền, về trách nhiệm chăm sóc con cái, gia đình. Em muốn dành thời gian để phát triển bản thân, khi thực sự có đủ trải nghiệm, đủ bản lĩnh mới nghĩ đến vấn đề kết hôn. Em nghĩ 30 tuổi kết hôn vẫn chưa phải là muộn".

Bên cạnh các yếu tố nêu trên, một số ý kiến nhận định, truyền thông cũng góp phần trong việc "bình thường hóa" việc kết hôn muộn của nữ giới. Hình ảnh phụ nữ thành công, độc lập và tự tin được đề cao đã tác động đến tâm lý nhiều cô gái trẻ. Truyền thông đã ít nhiều làm thay đổi quan niệm về vai trò xã hội của phụ nữ. Không còn áp lực phải kết hôn sớm, phụ nữ được khuyến khích phát triển bản thân, theo đuổi đam mê.

Trong làng giải trí Việt có rất nhiều những nữ ca sĩ, nghệ sĩ dù đã chạm tới đỉnh cao của danh vọng nhưng vẫn chưa chịu đi tìm “nửa kia” của mình như: Ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Lý Nhã Kỳ, “Nữ hoàng ảnh lịch” Kim Khánh...

Phụ nữ hiện đại có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, hoàn thành mục tiêu cá nhân và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho cuộc sống hôn nhân. Họ “thăng hạng bản thân” khi tự do tỏa sáng, phát triển sự nghiệp. Khi bước vào hôn nhân, họ có sự lựa chọn sáng suốt hơn trong việc tìm kiếm người bạn đời đồng điệu, cùng nhau xây dựng hạnh phúc bền vững.

Tuy nhiên, kết hôn muộn cũng tiềm ẩn những hệ lụy không thể xem nhẹ. Nhiều chuyên gia cảnh báo, phụ nữ sinh ở độ tuổi 35 trở đi khả năng sinh sản giảm sút, khi mang thai lần đầu nguy cơ biến chứng thai kỳ và dị tật bẩm sinh gia tăng. Việc nuôi dạy con cái cũng trở thành thử thách lớn hơn với phụ nữ làm mẹ muộn, do sức khỏe và năng lượng hạn chế...

Lê Như Hương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-sao-nhieu-co-gai-tre-viet-nam-lay-chong-muon-post507749.html