Vì sao Nhật Bản xuất khẩu máy bay chiến đấu

Ngày 26-3, Nội các Nhật Bản phê duyệt kế hoạch bán máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo mà nước này đang phát triển chung với Anh và Ý cho các nước khác, động thái mới nhất cho thấy Nhật Bản đang rời xa các nguyên tắc hòa bình thời hậu Thế chiến thứ hai.

Vẫn cam kết với triết lý hòa bình

Theo Kyodo News, Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio phê duyệt các hướng dẫn cập nhật về “3 nguyên tắc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng” sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đối tác liên minh là Đảng Komeito đồng ý về các quy tắc xuất khẩu sửa đổi; trong đó quy định Nhật Bản có thể xuất khẩu các máy bay chiến đấu mà Tokyo-London-Rome dự định triển khai vào năm 2035, cho một quốc gia thứ ba, nhưng loại trừ chuyển giao máy bay chiến đấu cho một quốc gia đang có chiến sự.

Điểm đến của máy bay chiến đấu xuất khẩu cũng sẽ bị giới hạn ở các quốc gia đã ký hiệp ước với Nhật Bản về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, với số lượng hiện là 15, gồm cả Mỹ - đồng minh an ninh thân cận của Nhật Bản. Ngoài ra, mỗi trường hợp riêng lẻ cần có sự phê duyệt riêng của Nội các trước khi thương vụ đó được thực hiện. Nội các cũng tán thành sửa đổi các hướng dẫn chuyển giao công nghệ và thiết bị vũ khí của Nhật Bản để cho phép bán vũ khí sát thương cho các quốc gia khác ngoài các đối tác.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, những thay đổi này là cần thiết vì môi trường an ninh của Nhật Bản, nhưng nhấn mạnh rằng các nguyên tắc hòa bình của Nhật Bản vẫn không thay đổi. AP dẫn lời ông Hayashi cho biết. “Kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu có năng lực cần thiết cho an ninh quốc gia phải được thực hiện để bảo đảm năng lực phòng thủ của Nhật Bản không bị tổn hại. Chúng tôi cần có hệ thống cho phép Nhật Bản chuyển thiết bị quốc phòng sang các quốc gia khác ngoài các đối tác của chúng tôi và đóng góp ngang bằng với Anh và Ý”. Nhật Bản sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, thủ tục phê duyệt việc bán máy bay, và vẫn cam kết với “triết lý cơ bản là một quốc gia hòa bình”.

Thay đổi là cần thiết

Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vũ khí theo Hiến pháp Hòa bình của nước này và hạn chế quân đội ở mức phòng vệ. Nhật Bản còn duy trì chính sách nghiêm ngặt đối với chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự đồng thời cấm xuất khẩu vũ khí sát thương. Tuy nhiên, nước này đang có nhiều động thái để dần bãi bỏ các quy định, trong bối cảnh căng thẳng khu vực và toàn cầu gia tăng.

Nhật Bản đã bắt tay Ý và Anh để phát triển chiến đấu cơ tiên tiến mới thay thế phi đội F-2 do Mỹ thiết kế cũng như các tiêm kích Eurofighter Typhoon. Trước đó, Nhật Bản dồn nhiều tâm huyết cho chiến đấu cơ F-X thiết kế trong nước. Tuy nhiên, tháng 12-2022, Nhật Bản nhất trí sáp nhập chương trình này với Anh và Ý. Thỏa thuận phối hợp giữa ba bên có tên Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) đặt mục tiêu đến năm 2035 đưa chiến đấu cơ mới đi vào hoạt động. Giai đoạn phát triển chung của chương trình sẽ bắt đầu vào năm 2025. Trụ sở chính phủ chung của chương trình sẽ đặt tại Anh.

Quyết định cho phép bán vũ khí ra nước ngoài sẽ giúp bảo đảm vai trò của Nhật Bản trong dự án máy bay chiến đấu chung với Anh và Ý, đồng thời là một phần trong mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp vũ khí cũng như củng cố vai trò trong an ninh toàn cầu. Việc cho phép Nhật Bản chuyển máy bay chiến đấu cho nước thứ ba là cần thiết để bảo đảm chi tiêu hiệu quả cho việc phát triển máy bay chiến đấu và duy trì uy tín của Nhật Bản với tư cách là đối tác trong các dự án quốc phòng quốc tế khác trong tương lai.

Trong bối cảnh sức mạnh quân sự ngày càng tăng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chương trình máy bay chiến đấu với 2 thành viên NATO nói trên đánh dấu thỏa thuận phát triển thiết bị phòng thủ chung đầu tiên của Nhật Bản với một số quốc gia khác ngoài Mỹ. Nhật Bản hy vọng những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ cung cấp những khả năng tiên tiến mà nước này cần.

NGHI VĂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202403/vi-sao-nhat-ban-xuat-khau-may-bay-chien-dau-3968929/