Vì sao người thông minh lại thích xem phim “ngớ ngẩn”?

Người ta thường cho rằng những ai thông minh kiệt xuất thì cũng phải có gu thưởng thức điện ảnh tinh tế lắm, kiểu như, họ chỉ xem những loại phim triết lý sâu xa hoặc chí ít cũng phải là phim đạt giải của viện hàn lâm. Song mới đây, một nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều ngược lại, theo đó, người có IQ cao lại rất thường chọn xem những bộ phim “lãng xẹt” và nhảm nhí.

Điện ảnh và truyền hình có một đặc điểm riêng có của nó, đó là đôi khi một vài tác phẩm cực kỳ tệ, tệ đến mức lại khiến người xem cảm thấy thích thú. Người ta có lẽ sẽ chẳng đời nào sẵn sàng nghe hết một album nhạc không hay, hoặc đọc đến trang cuối cùng của một cuốn sách tẻ nhạt, hoặc đi xem những kẻ “a-ma-tơ” kém tài biểu diễn nghệ thuật, nhưng lại vui lòng ngồi xem một bộ phim tồi tệ với lòng hoan hỉ.

Nghe có vẻ mơ hồ, nhưng đây thực sự là một hiện tượng học thuật, được các học giả nghiên cứu nghiêm túc. Giáo sư Keyvan Sarkhosh thuộc Viện nghiên cứu thực nghiệm mỹ học Max Planck cho biết: “Thoạt nhìn, việc ai đó cố ý muốn xem một bộ phim được sản xuất kém chất lượng, lúng túng, lộn xộn và thậm chí khiến họ mất vui”.

Nhóm nghiên cứu bắt đầu bằng cách xác định những yếu tố khiến một bộ phim đáng bị cho là “ngớ ngẩn”. Hóa ra, hầu hết người xem đều có nhận định chung rằng sự “rẻ tiền” trong nội dung và cách thực hiện là điều dễ khiến họ đánh giá thấp về một bộ phim. Trong đó, thể loại phổ biến nhất phải kể đến những cuốn phim kinh dị với kinh phí thấp. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ tiêu biểu, như phim kinh dị kinh phí thấp Don’t Breath gần đây được đánh giá rất cao bởi cả khán giả và giới chuyên môn, thì có không ít những bộ phim thuộc thể loại tương tự bị rơi vào lối mòn với cách hù dọa người xem bằng những cú jumpscare nhạt nhẽo, tình tiết phi lý, diễn xuất dở tệ, và thường xuyên câu khách bằng những cảnh lộ hàng, bạo lực rẻ tiền.

Có một thời, các nhà làm phim mì ăn liền của Hollywood cạn ý tưởng đến mức, họ cho ra đời hàng loạt những bộ phim tương tự nhau, chỉ khác về nhân vật chính, theo kiểu: Cá mập khổng lồ, Cá sấu khổng lồ, Trăn khổng lồ, Bạch tuộc khổng lồ… để hù dọa người xem. Nhưng không những không đạt được mục đích rung rợn, các chi tiết máu me ghê sợ mang tính rập khuôn, kịch bản thừa thãi, không có điểm bất ngờ, lại thêm diễn xuất tay mơ của các nàng “hot girl” mới nổi thường được mời vào để câu khách… còn khiến đại đa số khán giả chán ngán.

Tuy nhiên, đối với nhóm người xem phim có kiến thức, am hiểu về điện ảnh, khi xem những bộ phim như thế này, họ lại cảm thấy thích thú, bởi cảm giác mình đang ở vào tâm thế của kẻ bề trên, đủ khả năng để đưa ra những đánh giá, phân tích cách sản xuất, lời thoại ngớ ngẩn và cấu trúc nội dung phi lý…. Nhìn chung, những người có chỉ số IQ cao thường thích những chủ đề để phê bình và thảo luận. Hiển nhiên, phim càng chán thì càng có nhiều cái để chỉ trích hơn. Sự tham gia của họ trong nền văn hóa phim được phản ánh qua các cuộc thảo luận, những bài review, nhận xét phim trên các trang mạng xã hội, diễn đàn.

“Đối với họ, “phim rác” là một món ăn lạ, khác biệt hẳn so với dòng phim chính thống. Nhóm người này có trình độ văn hóa - giáo dục cao và mức độ hiểu biết nhất định về nghệ thuật. Những người như vậy sẵng sàng “ăn tạp” trong việc thưởng thức điện ảnh, bởi phạm vi nghệ thuật và truyền thông khiến họ cảm thấy bị thu hút là rất rộng”, Giáo sư Sarkhosh cho hay.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/vi-sao-nguoi-thong-minh-lai-thich-xem-phim-%e2%80%9cngo-ngan%e2%80%9d