Vì sao Nga mở mặt trận mới ở phía bắc Ukraine?

Các lực lượng của Nga một lần nữa đang cố gắng giành quyền kiểm soát các vùng ở mặt trận phía bắc của Ukraine sau khi rút khỏi khu vực này vào năm 2022.

Theo RT, đêm 10/5, quân đội Nga mở phát động một chiến dịch quân sự mới ở phía bắc vùng Kharkov của Ukraine. Chỉ trong vài ngày các mũi tấn công của Moskva liên tiếp di chuyển sâu vào bên trong lãnh thổ Ukraine và đã gần đến phòng tuyến được Kiev xây dựng từ cuối năm ngoái.

Bình luận về cuộc tấn công có phần bất ngờ của Nga, chuyên gia quân sự Roman Shumov nhận định, quân đội Ukraine dù vẫn giữ vững được phòng tuyến nhưng vùng hậu cứ của họ đang hứng chịu tổn thất nặng nề trước các đợt không kích của Nga. Trong ba ngày qua, Moskva liên tiếp tấn công các cơ sở quân sự của Kiev nằm cách biên giới từ 10 đến 50 km.

Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, cánh quân của Quân khu phương Bắc chịu trách nhiệm cho mặt trận Kharkov đã giành quyền kiểm soát các khu định cư như Borisovka, Ogurtsovo, Pletenevka, Pylnaya và Strelechya kể từ ngày 10/5.

Về phía Ukraine, truyền thông nước này đánh giá, mục tiêu của Nga khi mở mặt trận mới ở Kharkov là ngăn chặn các cuộc pháo kích vào vùng Belgorod khi các trận địa pháo của Kiev được bố trí ở thành phố Volchansk và gần làng Liptsy.

Ngoài ra, theo báo cáo sơ bộ, quân đội Nga đang tiến gần các khu định cư Strelechya, Glubokoye và Lukyantsy, cách Kharkov 30 km về phía đông bắc, nhưng chưa có xác nhận chính thức nào về điều này.

Chỉ trong ba ngày, quân đội Nga đã giành kiểm soát một loạt các khu định cư dọc theo biên giới giáp với Kharkov.

Tầm quan trọng của Kharkov đối với Ukraine

Kharkov là thành phố lớn thứ hai của Ukraine có dân số trước chiến tranh là 1,5 triệu người và vẫn là một trung tâm chính trị quan trọng đối với Kiev. Thành phố cách biên giới với Nga chưa đầy 40 km. Ở phía bên kia, cách biên giới khoảng tương tự là Belgorod - thành phố lớn duy nhất của Nga gần biên giới Ukraine.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, Kharkov là một trong những thành phố đầu tiên bị tấn công. Trong vài ngày đầu tiên, quân đội Nga đã cố gắng tiến vào đó thành phố này. Cuộc tấn công này ban đầu được tổ chức kém, lực lượng không đủ và quân đội Ukraine đã giữ vừng Kharkov.

Tuy nhiên, trong khi thủ phủ của khu vực không bị chiếm, quân đội Nga đã chiếm được một phần đáng kể của khu vực ở phía đông Kharkov. Đến tháng 9/2022, quân đội Nga mới rút hoàn toàn khỏi Kharkov về phía vùng Lugansk.

Từ đó trở đi, chiến tuyến được thiết lập chạy theo dọc ranh giới giữa Kharkov với Donetsk và Lugansk. Điều này tạo cho Ukraine bàn đạp tốt để thực hiện các cuộc pháo kích vào Belgorod kể từ cuối năm 2022 cho đến nay, thậm chí các lực lượng Kiev còn vượt biên giới tấn công vào lãnh thổ Nga.

Những cuộc pháo kích từ Kharkov vào Belgorod diễn ra thường xuyên. Lực lượng phòng không Nga có thể đánh chặn hầu hết tên lửa và máy bay không người lái phóng vào thành phố, nhưng không thể đạt hiệu quả 100%. Một phần dân số Belgorod và hầu hết người dân từ các làng và thị trấn nhỏ gần biên giới đã phải sơ tán vào sâu bên trong lãnh thổ để tránh các cuộc tấn công.

Giải thích lý do tại sao Ukraine liên tục pháo kích Belgorod, ông Shumov cho rằng:

Thứ nhất, các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận là một phần của chiến lược có chủ ý nhằm gây áp lực lên người dân Nga về xung đột.

Thứ hai, Kiev cho rằng bằng cách này có thể giữ cho quân đội Nga luôn trong tình trạng căng thẳng. Việc phải bảo vệ biên giới một cách thụ động cần có lực lượng đáng kể. Ngay cả các đơn vị nhỏ tiến hành các cuộc tấn công dọc biên giới cũng có thể đẩy quân Nga vào trạng thái báo động.

Ví dụ điển hình là việc lực lượng Ukraine tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Belgorod vào tháng 3/2024, khi các đơn vị cấp tiểu đoàn Ukraine với xe bọc thép cố gắng vượt qua biên giới gần làng Kozinka. Việc này thất bại và quân Ukraine bị tổn thất nặng nề, tuy nhiên làng Kozinka cũng chịu thiệt hại nặng sau cuộc giao tranh kéo dài vài ngày.

Thứ ba, Ukraine đã và đang cố gắng sử dụng vấn đề biên giới để tạo động lực cho các lực lượng ủy quyền như nhóm công dân Nga ủng hộ chính quyền Kiev.

Bản đồ chiến sự vùng Kharkov tính đến ngày 12/5. (Ảnh: ISW)

Cuộc tấn công có ý nghĩa gì đối với Nga

Tất cả những điều trên đã đủ để các chính trị gia và quân đội Nga cân nhắc việc mở một chiến dịch ở Vùng Kharkov. Tuy nhiên, trong năm 2023, tất cả các lực lượng đều được dồn vào việc đẩy lùi chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine. Trên phòng tuyến Kharkov-Belgorod, các cuộc đột kích và pháo kích của Ukraine có nhiệm vụ kéo quân Nga đến đó và đánh lạc hướng họ khỏi mặt trận chính ở đông nam Ukraine.

Cuộc tấn công mùa hè năm 2023 của Ukraine đã thất bại và thế chủ động một lần nữa được chuyển sang phía Nga.

Tuy nhiên, điều này cũng đẩy lực lượng Nga vào vấn đề lớn đó là chiến tuyến trải dài ở vùng Donbass, trong khi mặt trận phía bắc Kharkov - Belgorod gần như không giao tranh.

Theo Shumov, mọi mặt trận đều có những hạn chế lẫn ưu điểm. Ví dụ, ở vùng Kherson, sông Dnepr là một trở ngại rõ ràng; mặt trận từ Zaporizhzhia đến vùng Lugansk được củng cố rất tốt, và lực lượng dự bị của Ukraine đều tập trung ở đây. Còn ở phía bắc việc đảm bảo thông tin liên lạc và địa hình di chuyển khó khăn hơn so với vùng đồng bằng Donbass, trong khi đó tấn công vào một đô thị đông dân như Kharkov là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, vùng Kharkov (xung quanh thành phố Kharkov) là một mặt trận có thể phát huy được các lợi thế về chiến thuật của quân đội Nga.

Thứ nhất, các mũi cuộc tấn công của Nga đang diễn ra ở cả hai bờ sông Seversky Donets, chảy từ bắc xuống nam đến phía đông Kharkov. Đây là một chướng ngại địa lý khó có thể vượt qua đối với các phương tiện cơ giới. Bờ tây gần Kharkov hơn. Tại đây, bộ chỉ huy Nga có thể đang lên kế hoạch tạo ra một “vùng đệm” để ngăn chặn cuộc pháo kích vào Belgorod. Bản thân thành phố Kharkov cũng có thể bị bao vây.

Đây là mối đe dọa nghiêm trọng mà lực lượng Ukraine sẽ khó đối phó nếu quân Nga di chuyển các trận địa pháo đến gần phòng tuyến của Kiev bên ngoài Kharkov. Ngoài ra, cuộc tấn công này còn có khả năng khiến lực lượng Ukraine trong thành phố có nguy cơ bị bao vây nếu các tuyến đường nối Kharkov với phần còn lại của Ukraine có thể bị chia cắt.

Nga có thể đang lên kế hoạch tạo ra một “vùng đệm” để ngăn chặn cuộc pháo kích của Ukraine vào Belgorod. Bản thân thành phố Kharkov cũng có thể bị bao vây. (Ảnh: The New York Times)

Cuộc tấn công ở bờ đông Seversky Donets thú vị hơn và tác động thực sự của nó đối với diễn biến cuộc chiến có thể đáng kể hơn. Mục tiêu trước mắt của Nga rất rõ ràng là thị trấn Volchansk. Việc chiếm được Volchansk sẽ giải quyết được vấn đề pháo kích vào Belgorod. Mặt khác là một cuộc tấn công từ phía này sẽ đưa quân Nga đến vùng hậu phương của các đơn vị Ukraine đang phòng thủ ở phía đông Kharkov.

Nếu thành công, lực lượng Ukraine sẽ phải rút quân ra hai bên sườn trước nguy cơ bị bao vây và rút lui ngày càng xa về phía nam Kharkov.

Cuối cùng, cuộc giao tranh tái diễn gần Kharkov là một phần của bức tranh rộng lớn hơn. Quân đội Ukraine đang thiếu trầm trọng quân số và trang thiết bị. Họ đang bảo vệ một mặt trận rất rộng lớn, và nhu cầu chống lại các cuộc khủng hoảng chỗ này chỗ kia đang dẫn đến sự mệt mỏi chung tích tụ.

Trong những tháng gần đây, kho vũ khí của quân đội Ukraine đang dần dần suy hao, đặc biệt là pháo binh. Lực lượng phòng thủ của nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái và lượng lớn bộ binh..

Sau cùng bộ chỉ huy Nga sẽ coi nhiệm vụ ở Kharkov đã hoàn thành nếu có thể thiết lập vùng đệm rộng khoảng 10-15 km tính từ biên giới về phía lãnh thổ Ukraine. Điều này sẽ làm phức tạp đáng kể việc pháo kích vào Belgorod và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công vào Kharkov. Trận chiến ở Kharkov cũng sẽ cho thấy khả năng xây dựng sức mạnh và nguồn dự trữ của quân đội sau thời gian duy trì trạng thái phòng thủ kể từ tháng 4/2023.

Trà Khánh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-nga-mo-mat-tran-moi-o-phia-bac-ukraine-ar870759.html