Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

Những thành công mà quân đội Nga giành được là nhờ ba yếu tố, xuất phát từ cả những điểm mạnh của Nga và những yếu tố liên quan đến hạn chế của Ukraine.

Theo bài viết trên tờ “Người đưa tin” của Nga, Quân đội Nga đang tiếp tục phản công, phát huy tốt những chiến quả đã đạt được và đang tiến ngày càng nhanh hơn về phía Tây.

Điều này đặt ra một câu hỏi với giới chuyên gia quân sự là: “Tại sao vị thế của Moscow và Kiev lại đổi chỗ cho nhau, Ukraine buộc phải rút lui, mất đi ngay cả những chiến quả khiêm tốn ở Rabotino, vốn phải trả giá với những tổn thất lớn về nhân lực và trang bị, vũ khí trong chiến dịch phản công mùa hè năm 2023?

Theo tờ báo Nga, các phương tiện truyền thông của nước này và một số chuyên gia quân sự đều cho rằng, vào thời điểm hiện tại, tình hình của Lực lượng vũ trang Ukraine ở tất cả các mặt trận đều không thuận lợi.

Ngay sau khi Nga chiếm được thành phố Avdiivka, các cứ điểm khác trong khu vực phòng thủ vững chắc nhất của Ukraine ở tỉnh Donetsk, vùng Donbass cũng lần lượt thất thủ, quân Nga đang tiến theo nhiều hướng cùng một lúc, mặt trận phòng thủ của Ukraine thực sự đã bị phá vỡ một mảng lớn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, khu định cư tiếp theo có nguy cơ bị Lực lượng vũ trang Nga kiểm soát có thể là Toretsk, một thành phố công nghiệp ở khu vực Bakhmut, tỉnh Donetsk, địa điểm mà nếu chiếm được, có thể sẽ bị Nga đổi tên thành Dzerzhinsk.

Một câu hỏi lớn đối với các chuyên gia quân sự là “làm thế nào mà Nga có thể giành được những thắng lợi liên tiếp này, khi mới chỉ một năm trước, ở Moscow thậm chí xuất hiện những lo ngại cực kỳ nghiêm trọng về một cuộc phản công quy mô lớn của Lực lượng Vũ trang Ukraine?

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, những thành công mà Lực lượng Vũ trang Nga giành được là nhờ ba yếu tố chính, đến từ cả những điểm mạnh của Nga và cả xuất phát từ những yếu tố liên quan đến hạn chế của Ukraine.

Đầu tiên: Lực lượng vũ trang Nga, trong cuộc cải cách mang tính bắt buộc, thậm chí là “không còn đường lùi” sau một năm triển khai Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, đã tái lập hệ thống chỉ huy quân sự thời Liên Xô, trở lại mô hình các Sư đoàn, Quân đoàn, Tập đoàn quân.

Cơ cấu quân sự quy mô lớn này có khả năng rộng lớn trong việc chỉ huy, điều động, kết hợp các đơn vị thuộc quyền trong tổng thể một mặt trận lớn; có khả năng quản lý, điều phối nhanh chóng nguồn lực dự bị từ khu vực này sang khu vực khác của mặt trận trong thời gian ngắn nhất.

Do đó, trong khi Lực lượng Vũ trang Nga có thể nhanh chóng chuyển số lượng lớn quân dự bị, thậm chí là lên tới vài sư đoàn, từ khu vực này sang khu vực khác, gia tăng áp lực tại những nơi hệ thống phòng thủ của đối phương đang suy yếu, thì Ukraine không thể làm được như vậy.

Thứ hai: Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện nay đang được xây dựng theo chuẩn NATO với biên chế cao nhất là cấp Lữ đoàn, về lý thuyết là có khả năng cơ động rất mạnh, nhưng chỉ có sức tấn công mạnh trong thời gian ngắn, bởi quy mô đơn vị nhỏ và lực lượng, trang bị dự trữ hạn chế.

Hơn nữa, các Lữ đoàn “chuẩn NATO” của Ukraine trên thực tế cũng không có được sức mạnh như trên lý thuyết, bởi họ được biên chế những trang bị, vũ khí lỗi thời, không đồng bộ, thiếu hỏa lực yểm trợ nên khả năng đột phá cũng không mạnh, không đủ khả năng thọc sâu, tạo ra những lỗ hổng trong thế trận phòng thủ của quân Nga.

Ngoài ra, cơ cấu này nhấn mạnh vào tính độc lập tác chiến nên khả năng phối hợp hiệp đồng kém, thiếu tầm nhìn rộng lớn trên cả mặt trận, không có lực lượng dự bị đủ mạnh để trám vào các lỗ hổng hoặc đột phá vào những điểm suy yếu trong hệ thống phòng thủ của đối phương.

Thứ ba: Lực lượng Vũ trang Nga cũng có những bộ óc chỉ huy sáng suốt và có tầm chiến lược hơn. Điều này thể hiện ở việc Nga biết tấn công và phòng thủ ở những thời điểm nào, biết tấn công vào đâu trong cả hệ thống phòng thủ của Ukraine, đặc biệt là về tổ chức đội hình cho các nhóm quân đột kích.

Khó khăn chính hiện nay của tất cả các quân đội là khâu đột phá qua tiền tuyến, xuyên thủng các hệ thống phòng thủ vững chắc của đối phương, đặc biệt là trong cuộc chiến đô thị.

Kể từ tháng 12/2023, các tướng lĩnh Nga đã có những điều chỉnh về tổ chức đội hình chiến đấu và phương thức tác chiến đô thị kiểu mới.

Các đội tấn công kiểu mới (USF) đã xuất hiện trong hàng ngũ Lực lượng Vũ trang Nga, là những nhóm chiến đấu hỗn hợp với quy mô một tiểu đoàn hoặc trung đoàn, bao gồm những quân nhân thiện chiến nhất trong các lĩnh vực, bao gồm lính bộ binh, bắn tỉa, đặc công, sĩ quan tín hiệu, sĩ quan trinh sát…, tức là tất cả nhân lực hữu ích trong việc tìm diệt những đối thủ được bảo vệ tốt nhất.

Các nhóm chiến đấu hỗn hợp này được sự yểm trợ của máy bay tấn công mặt đất, hỏa lực pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và thiết bị tác chiến điện tử, đã phát huy hiệu quả rất cao trong trận đánh chiếm các thành phố Bakhmut, Marinka, Avdiivka và có thể tới đây là Chasiv Yar.

Giới chuyên gia quân sự thống nhất nhận định rằng, nếu gói viện trợ quân sự lên tới hơn 61 tỷ USD của Mỹ và đồng minh không kịp thời được chuyển đến Kiev thì Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước thềm chiến dịch tấn công mùa hè sắp tới của quân Nga.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-nga-dang-chiem-uu-the-o-ukraine-post681684.html