Vì sao Nga ban hành Sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên?

Không khỏi bất ngờ khi Nga ban hành sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên bởi Matxcơva vẫn luôn tỏ ra không mặn mà với việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt quốc tế với quốc gia láng giềng ở vùng Viễn Đông này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với Ngoại trưởng Sergei Lavrov khi ký Sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-10 đã ký một Sắc lệnh áp đặt các biện pháp hạn chế hợp tác nhiều mặt đối với Triều Tiên - đây được xem là quyết định của nước Nga nhằm tuân thủ Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân ngày 3-9 vừa qua của Bình Nhưỡng.

Theo Sắc lệnh dài tới 40 trang của Tổng thống Vladimir Putin, sự trừng phạt của Nga sẽ bao gồm các lĩnh vực thương mại - kinh tế - tài chính - khoa học và kỹ thuật của Triều Tiên, cùng với đó là danh mục nguyên vật liệu, công nghệ và sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên. Ngoài ra, những tàu biển có liên quan tới chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ bị tước đăng ký tại Nga và cấm vào các cảng Nga, trừ trường hợp khẩn cấp.

Sắc lệnh trừng phạt của Nga cũng cấm Triều Tiên sử dụng bất cứ tài sản nào ở Nga, trừ các cơ sở ngoại giao và lãnh sự. Đáng chú ý, dù không nêu danh tính cụ thể, song lệnh trừng phạt cũng nhắm tới 11 công dân cùng 10 công ty Triều Tiên có liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.

Vẫn biết Nga là một trong những thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ thông qua Nghị quyết 2375 ngày 12-9 vừa qua để trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân, song cũng có phần bất ngờ về Sắc lệnh trừng phạt được cho là khá “nặng tay” mà Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành ngày 16-10. Bởi từ trước tới nay, Nga cùng với Trung Quốc luôn không “mặn mà” với bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Matxcơva cho rằng thương lượng ngoại giao chứ không phải là các biện pháp trừng phạt kinh tế hay đe dọa, thậm chí sử dụng vũ lực, mới là biện pháp tốt nhất đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nga còn là một trong những đối tác kinh tế lớn của Bình Nhưỡng, xuất sang đây các mặt hàng nhiên liệu dầu mỏ và khí đốt, đồng thời đón nhận hàng chục nghìn lao động Triều Tiên sang khu vực Viễn Đông của Nga làm việc…

Duy trì giao thương với các đối tác kinh tế lớn như Trung Quốc và Nga là “đòn đỡ” hiệu quả của Triều Tiên với các lệnh trừng phạt quốc tế. Thế nhưng, việc Nga điều chỉnh chính sách, “tiếp sức” cùng quốc tế siết chặt cấm vận chắc chắn sẽ gây khó khăn hơn rất nhiều cho Triều Tiên nếu quốc gia Đông Bắc Á này tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Sự điều chỉnh chính sách của Nga với Triều Tiên bởi thế nhận được sự quan tâm rộng rãi. Theo giới phân tích, Nga bất ngờ áp đặt trừng phạt với Triều Tiên không hẳn là phải chịu sức ép quốc tế, nhất là của Mỹ, mà nguyên nhân chính xuất phát từ lợi ích thiết thân của Matxcơva.

Việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là điều mà những quốc gia có quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng như Nga và Trung Quốc đều không mong muốn. Các cường quốc có phần lãnh thổ nằm ở khu vực Đông Bắc Á này càng lo ngại hơn nếu xảy ra bất ổn, thậm chí là xung đột trên Bán đảo Triều Tiên. Cả hai nhân tố gây quan ngại cho Nga đều đang diễn biến nhanh và khó lường thời gian ngắn vừa qua. Trong khi Triều Tiên đạt được những tiến bộ gây ngạc nhiên về tên lửa và hạt nhân thì chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump lại tỏ ra rất cứng rắn, sẵn sàng sử dụng vũ lực chứ không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân.

Xung đột leo thang và nguy cơ bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên hiện hữu đã khiến Nga phải điều chỉnh chính sách, nhằm gây thêm áp lực để Bình Nhưỡng “xuống thang” chấp nhận thương lượng để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/vi-sao-nga-ban-hanh-sac-lenh-trung-phat-trieu-tien/745089.antd