Vì sao Mỹ không thể là 'vị cứu tinh' cho khủng hoảng năng lượng châu Âu?

Nhu cầu của châu Âu đã thúc đẩy ngành công nghiệp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ phát triển mạnh mẽ, nhưng công suất của nước này quá thấp và khí hậu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Nhu cầu của châu Âu đã thúc đẩy ngành công nghiệp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ phát triển mạnh mẽ, nhưng công suất của nước này quá thấp và khí hậu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhu cầu đối với LNG của châu Âu đang tăng lên mức chưa từng có, trong bối cảnh lục địa này đang dần độc lập khỏi nguồn năng lượng của Nga sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.

Tuy là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, nhưng Mỹ lại đang “bó tay” trước nhu cầu của “lục địa già”. Ngoài yếu tố công suất thấp, các giới hạn về chính trị, kinh tế và kỹ thuật đã cản trở nước này trở thành “vị cứu tinh” toàn diện. Mặc dù, ngành công nghiệp LNG đang phát triển bùng nổ, song tình trạng thiếu năng lực xuất khẩu đang làm tắc nghẽn nguồn cung sang châu Âu và các nước khác trên thế giới.

Trong khi đó, một số tổ chức khí hậu cho rằng sự phát triển bùng nổ của LNG là giải pháp không thích hợp để giải quyết khủng hoảng năng lượng. Tổ chức phi lợi nhuận Texas Campaign for the Environment khẳng định: “Đây là một giải pháp đầy rủi ro đối với nhu cầu năng lượng cũng như chính sách khí hậu của chúng ta”.

* Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đã tác động đến châu Âu sau khi lục địa này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Cao điểm, giá năng lượng đã tăng 25% trong tuần trước thời điểm Nga thông báo giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống “Nord Stream 1” (Dòng chảy phương Bắc 1) đến Đức xuống còn 20% công suất. Hiện các quốc gia châu Âu đang vật lộn để dự trữ đủ lượng khí đốt cho mùa Đông tới.

Nhiều nước lo ngại rằng phải thực hiện việc phân bổ khí đốt cho cả các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nguy cơ khủng hoảng năng lượng có thể gây ra suy thoái do châu lục này phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sưởi ấm và sản xuất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC ngày 15/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC ngày 15/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

* Mỹ khó “giải cứu” khủng hoảng năng lượng châu Âu

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu, Mỹ đã tăng cường vị thế là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022. Với xuất khẩu trung bình hàng ngày của nước này tăng 12% trong 6 tháng qua lên gần 3,8 tỷ m3/ngày.

Hiện Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã vượt châu Á, trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ, chiếm 71% và đang phải trả một khoản tiền lớn cho LNG. Một số nhà sản xuất thậm chí đã phá vỡ hợp đồng với các nước đang phát triển để chuyển hướng cung cấp nhiên liệu sang châu Âu nhằm thu về lợi nhuận cao hơn bất chấp các khoản phạt.

Theo ông Eugene Kim, Giám đốc nghiên cứu chính sách khí đốt của châu Mỹ thuộc Wood Mackenzie, Mỹ đã nổi lên như một trong những nhà cung cấp LNG an toàn duy nhất cho châu Âu.

Tuy nhiên, vấn đề năng lực đang hạn chế khả năng đóng vai trò “siêu anh hùng” của Mỹ. Trong bối cảnh tăng đáng kể công suất khai thác sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng Ba vừa rồi cam kết sẽ xuất khẩu LNG nhiều hơn sang châu Âu, phần lớn châu Âu thiếu cơ sở hạ tầng để nhập khẩu đầy đủ ngay cả khi Mỹ có thể xuất khẩu nhiều LNG hơn do trước đó “lục địa già” phụ thuộc vào đường ống khí đốt từ Nga.

Chưa kể, trong ngắn hạn, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ giảm đáng kể do một trong những nhà máy lớn nhất của Mỹ sản xuất LNG gặp sự cố vào tháng Sáu ở bờ Vịnh Texas.

Theo nhà phân tích Eugene Kim, năng lực sản xuất LNG của Mỹ hiện phần lớn bị ràng buộc trong các hợp đồng dài hạn với các nước ngoài châu Âu và việc đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp theo sẽ chưa thể thực hiện cho đến năm 2024 hoặc muộn hơn. Ngay cả khi đó, Mỹ vẫn không đủ năng lực để cung cấp nhiên liệu cho châu Âu.

Ngoài những hạn chế về năng lực khai thác LNG, các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đang phải chịu mức giá cao hơn do xuất khẩu LNG của nước này tăng mạnh.

Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, Giám đốc điều hành tập đoàn Industrial Energy Consumers of America, Paul Cicio khẳng định: “Người tiêu dùng Mỹ, nền kinh tế Mỹ, an ninh quốc gia Mỹ có thể gặp rủi ro nếu chúng ta không duy trì một lượng dự trữ”.

* Khó khăn trong khai thác LNG

Việc mở rộng năng lực khai thác LNG của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường trong nước và quốc tế.

Các tổ chức môi trường cho rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng LNG cần thiết để tăng xuất khẩu đồng nghĩa với việc thay đổi các mục tiêu hiện tại nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các tổ chức môi trường chỉ ra rằng LNG chiếm 1/3 lượng khí thải carbon của Mỹ, bao gồm gần 1/2 lượng khí thải metan. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã cho rằng metan là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu.

Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu, quá trình khai thác và hóa lỏng khí tự nhiên có thể cực kỳ nguy hiểm và gây ô nhiễm. Ngoài metan, quá trình khai thác LNG có thể giải phóng các chất gây ung thư và các chất hóa học có hại khác./.

Phương Hoa (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-sao-my-khong-the-la-vi-cuu-tinh-cho-khung-hoang-nang-luong-chau-au/253884.html