Vì sao Mỹ không săn biến chủng của virus?

Các chuyên gia cho rằng Mỹ cần tăng cường công tác giải mã trình tự gen của virus để theo dõi được các biến chủng đang có ở nước này, nhằm đưa ra các biện pháp chống dịch hiệu quả.

Suốt nhiều tháng nay, trong khi thế giới ngày càng phát hiện ra nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, thì Mỹ - một trong những nước đứng đầu về tổng số ca mắc và tử vong - lại chưa để tâm đúng mức tới việc này.

Các biến chủng mới được phát hiện và đang hoành hành ở Anh, Nam Phi hay Brazil cũng chỉ được tìm thấy rất ít ở Mỹ.

Hình ảnh biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Anh được phân lập từ một bệnh nhân hồi tháng 12/2020. Ảnh: Rospotrebnadzor.

Thụt lùi trên “đường đua” với các biến chủng virus mới

Theo Washington Post, các chuyên gia tại Mỹ cho rằng nước này đang thực hiện quá ít việc giải mã trình tự gen cần thiết. Họ lo ngại rằng tình trạng hiện tại sẽ khiến Mỹ không thể phát hiện được các biến chủng mới có khả năng đang sinh sôi một cách nhanh chóng tại nước này.

Việc không giải mã trình tự gen một cách rộng rãi đồng nghĩa với việc Mỹ đang đóng lại cánh cửa giúp phát hiện và làm chậm quá trình lây lan của các biến chủng mới.

Chính vì vậy, các nhà khoa học tại Mỹ khẳng định việc giải mã trình tự gen là giải pháp tốt nhất ngay tại thời điểm này, khi mà những biến chủng mới kể trên chỉ vừa manh nha xuất hiện chứ chưa kịp chưa hoành hành tại Mỹ.

“Những đột biến này đang buộc chúng ta chạy đua với thời gian. Và trong cuộc đua đó, chúng ta đang bị thụt lùi”, Mara G. Aspinall, giáo sư chẩn đoán y sinh tại Đại học bang Arizona, Mỹ, nhận xét.

Từ những ngày đầu của đại dịch, Mỹ cũng đã chần chừ trong việc xét nghiệm virus. Chính điều này đã gây nên sự lây lan mạnh mẽ trong những ngày tiếp theo. Và hiện tại, nước Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ tương tự khi cứ mãi chần chừ trong việc giải mã trình tự gen. Chỉ một phần rất nhỏ trong số tất cả mẫu xét nghiệm dương tính đang được đưa vào giải mã sâu.

Việc giải mã trình tự gen rất quan trọng vì virus SARS-CoV-2, giống như tất cả virus khác, có khả năng biến đổi sau khi đi qua cơ thể người. Nhiều biến đổi không quá quan trọng hoặc không làm thay đổi khả năng lây lan hoặc mức độ nghiệm trọng của bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng chúng sẽ xuất hiện những biến đổi quan trọng mà chúng ta chưa phát hiện được.

Trong suốt nhiều tháng liền, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo và cố gắng tăng cường việc giải mã trình tự gen của các mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức y tế cho biết nỗ lực này đã bị cản trở do thiếu kinh phí, thiếu sự ủng hộ của các nhà chính trị và thiếu sự phối hợp của chính quyền liên bang.

Họ cần thêm thiết bị, nhân sự và kinh phí để tăng cường giải mã trình tự gen. Tuy nhiên, đến nay chính phủ liên bang vẫn chưa cung cấp cơ sở hạ tầng và thủ tục cần thiết để họ có thể tiếp nhận, xử lý và chia sẻ dữ liệu đó trên quy mô toàn quốc.

Ngày 29/1, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky cho biết chính phủ đang tăng cường công tác giải mã trình tự gen trên phạm vi cả nước.

“Trên thực tế, chúng tôi đã mở rộng quy mô giám sát đáng kể chỉ trong 10 ngày qua. Các kế hoạch này thậm chí còn nhiều hơn tổng số kế hoạch mà chúng tôi đã thực hiện cho đến nay”, ông Walensky cho biết.

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị mẫu để nghiên cứu bộ gen của biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh. Ảnh: AFP.

Theo Washington Post, ngoài việc tăng cường giải mã trình tự gen, Mỹ còn cần xây dựng hệ thống dữ liệu theo thời gian thực nhằm theo dõi các biến chủng và tỷ lệ lây lan của chúng trên toàn quốc. Dữ liệu này có thể được xây dựng tương tự các bảng theo dõi được sử dụng hiện nay để ghi nhận các trường hợp nhiễm, số ca đang trong thời kỳ ủ bệnh và số ca tử vong hàng ngày.

Những động thái này tuy không ngăn được sự phát triển của các biến thể mới, nhưng sẽ là lời cảnh cáo giúp quốc gia này có thể hành động kịp thời khi chúng lây lan rộng hơn.

“Không có bất cứ động thái nào nêu trên được thực hiện ở hiện tại. Chúng ta đang tụt hậu rất xa so với các nước khác. Chúng ta chẳng biết gì về những chuyện đang xảy ra trên đất nước này. Chúng ta thậm chí còn không biết là chúng ta không biết cái gì”, bà Janet Hamilton, giám đốc của Hội đồng các nhà dịch tễ học địa hạt Mỹ, cho biết.

Tỷ lệ giải mã trình tự gen đứng thứ 38 thế giới

Ngày 5/1, một quan chức thuộc CDC cho biết mỗi tuần, Mỹ giải mã được trung bình 3.000 bộ gen của virus SARS-CoV-2. Tuần này, họ cho biết cả nước có khoảng 7.000 bộ được giải mã một tuần.

CDC đã cảnh báo rằng biến chủng được phát hiện ở Anh - có khả lây truyền cao hơn chủng cũ 70% - có thể càn quét ở Mỹ vào tháng 3 tới. Ông Walensky nhấn mạnh CDC chỉ xác định được tính chính xác của dự đoán trên khi họ đạt được tỷ lệ giải mã trình tự gen cao hơn.

Cơ quan này đã ký hợp đồng với các trường đại học để mở rộng quy mô giải mã của họ lên "hàng nghìn bộ gen mỗi tuần", ông Walensky nói.

Ngoài ra, gần đây CDC cũng đã ký hợp đồng với bốn công ty dược phẩm Quest, Labcorp, Illumina và Helix để tiến hành giải mã nhiều bộ gen virus hơn. Đến giữa tháng hai, họ hy vọng sẽ phân tích được 6.000 mẫu xét nghiệm mỗi tuần.

Tuy nhiên, con số nêu trên vẫn quá nhỏ so với mức cần thiết để các nhà khoa học có thể theo dõi chính xác các biến chủng lây lan ở Mỹ.

Illumina ước tính nước Mỹ cần phải giải mã 5% các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 để có thể phát hiện ra một biến chủng mới, khi mà biến chủng này chiếm khoảng từ 0,1 đến 1,0% tổng số ca nhiễm của cả nước.

Hình ảnh dưới kính hiển của virus SARS-CoV-2. Virus liên tục biến đổi, tạo ra nhiều biến chủng trên toàn cầu. Ảnh: AP.

Những khuyến nghị nêu trên được xem là hành động hiệu quả nhất để làm chậm sự lây lan của virus trong thời kỳ đầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ mới chỉ giải quyết được 0,32% tổng số ca nhiễm của họ, theo một phân tích của Washington Post. Tính đến cuối tháng 1, quốc gia này đứng thứ 38 trong số 130 quốc gia báo cáo dữ liệu giải mã trình tự toàn bộ gen.

Washington Post đưa ra phân tích trên bằng cách kết hợp dữ liệu từ GISAID Initiative (một nền tảng độc lập cho phép các nhà khoa học chia sẻ trình tự bộ gen của virus), với dữ liệu từ hiệp đoàn giải mã trình tự gen của Vương Quốc Anh, số liệu ca nhiễm thu được của Đại học Johns Hopkins, cũng như cơ sở dữ liệu của Washington Post.

Theo phân tích của Washington Post, Mỹ đã xử lý 84.177 mẫu trong số 25,7 triệu trường hợp tính đến ngày 29/1. Trong khi đó, Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 9 với 214.000 (tương đương 6%) trường hợp được giải mã trong số 3,7 triệu ca nhiễm trên cả nước.

Khác với Mỹ, Anh đã chú trọng đến việc giải mã trình tự gen từ rất sớm. Họ đã ra mắt hiệp đoàn giải mã trình tự gen từ tháng 3/2020, với khoản đầu tư là 27 triệu USD. Đến cuối năm 2020. Khoản này còn tăng thêm vài triệu USD.

Một số quốc gia khác có tỷ lệ giải mã trình tự gen cao hơn đáng kể so với Mỹ vì có ít ca bệnh hơn, chẳng hạn như Trung Quốc (có tỷ lệ cao nhất) hay Iceland (với 4.000 trên 6.000 trường hợp được giải mã).

Chương trình "rời rạc" của Mỹ

Ngay từ trước khi các biến chủng đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và Anh, chuyên gia Mỹ đã cảnh báo trong nhiều tháng về sự cần thiết của một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm giám sát về mặt di truyền học của virus.

Tháng 5/2020, CDC đã khởi động một chương trình giám sát virus corona. Chương trình này mang tên Giải mã trình tự gen của SARS-CoV-2 cho ứng phó y tế công cộng khẩn cấp, dịch tễ học và giám sát (SPHERES).

Tuy nhiên, trên thực tế, chương trình này “dựa vào sự chắp vá không có hoạch định các phòng thí nghiệm học thuật đóng góp giải mã trình tự gen trên cơ sở tình nguyện”, theo nhận định của Washington Post.

Tháng 7/2020, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ công bố một báo cáo cho biết sự khiêm tốn trong nguồn kinh phí, cũng như những thiếu hụt trong việc điều phối và khả năng thực hiện đã dẫn đến các hiện tượng chắp vá, bị động và đối phó trong nỗ lực giải mã trình tự gen của Mỹ.

“Không có quỹ để thực hiện điều đó”, cô Hamilton chia sẻ.

Nhiều biện pháp và công cụ y tế hiện tại của một số nước không còn hiệu quả với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Ảnh: AP.

Tháng 12/2020, một dự luật kích thích được ban hành. Trong đó, kế hoạch chi tiêu 1,9 tỷ USD của dự luật có bao gồm các khoản tài trợ cần thiết cho công tác tăng cường giải mã trình tự gen, các quan chức chính quyền ông Biden cho biết.

Ngày 27/1, điều phối viên phụ trách việc ứng phó với virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, ông Jeff Zient đã gọi tình trạng giải mã trình tự gen hiện tại của Mỹ là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Đề cập kế hoạch chi tiêu của chính quyền Biden, ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng đó”.

Tuy nhiên, cô Caitlin Rivers, nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết ngay cả khi không có thêm kinh phí, nhiều phòng thí nghiệm của Mỹ cũng đã có máy móc và chuyên môn cơ bản cần thiết cho việc giải mã trình tự gen.

“Trong một số trường hợp, chúng ta chỉ cần định hướng lại những nguồn lực hiện có. Yêu cầu về sự phối hợp của liên bang là thách thức lớn nhất hiện nay”, cô nói.

Ông Scott Becker, giám đốc điều hành của hiệp hội các phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng cho biết nhiều phòng thí nghiệm y tế công cộng gần đây đã bắt đầu công tác giải mã trình tự gen hoặc đã hợp tác với các tổ chức học thuật để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc không có một quy chuẩn nào khiến công tác trở nên rối ren, chắp vá.

“Mọi người đều tham gia vào quá trình, nhưng chúng ta cần được chuẩn hóa về cách thực hiện, cách báo cáo”, ông Becker bày tỏ quan điểm. Ông cũng cho biết thêm ông và nhóm của mình đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với CDC vào ngày 29/1 nhằm thúc giục chính phủ liên bang hợp lý hóa các quy trình như vậy.

Công tác khó khăn

Việc giải mã trình tự gen có thể là một công tác đòi hỏi sự tỉ mỉ và chăm chỉ cao độ.

Ủy viên Y tế New York, ông Howard Zucker đã mô tả quy trình tại Trung tâm Wadsworth, một phòng thí nghiệm lâm sàng do bang New York điều hành.

Trung tâm tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm, được lấy bằng tăm bông qua đường mũi từ các bệnh viện trong tiểu bang. Mỗi mẫu cần khoảng 48 giờ để xử lý. Zucker ví quá trình này giống như việc xem xét kỹ lưỡng từng chữ cái của từng từ trong một cuốn sách.

“Nếu chúng tôi tìm thấy một chữ cái khác lạ trong cuốn sách, chúng tôi sẽ đặt cuốn sách đó sáng một bên”, ông ví von. Và khi số “cuốn sách” chứa “chữ cái khác lạ” nhiều lên, điều đó có nghĩa là họ đã xác định được một nhóm các mẫu virus SARS-CoV-2 liên quan đến nhau.

Việc mở rộng quy mô của quá trình trên ra phạm vi toàn quốc sẽ mang đến hai lợi ích.

Một là, các chuyên gia sẽ thu thập được một tổ hợp các mẫu ngẫu nhiên giúp họ biết được biến chủng nào đang gia tăng, thường xuất hiện ở đâu và ở những nhóm nhân khẩu nào.

Hai là, các chuyên gia có thể xác định được những trường hợp bất thường, từ đó họ có thể hiểu được cách hoạt động của các biến chủng khác nhau, tức là xem xét xem liệu chúng có khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, chúng có dễ lây truyền hơn, hay chúng có kháng được các loại thuốc và vaccine mới hay không.

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Brazil đã gây nên một đợt bùng dịch lớn tại thành phố Manaus. Ảnh: Getty.

“Chúng ta cần biết khi nào thì các biện pháp đối phó mới nhất của chúng ta mất tác dụng, để có thời gian điều chỉnh các biện pháp này”, cô Rivers chia sẻ. Có thể lấy hai nước Đan Mạch và Anh làm ví dụ.

Trong những ngày gần đây, các nhà khoa học ở Đan Mạch - một trong những quốc gia có nỗ lực giám sát mạnh mẽ nhất thế giới - cho biết biến thể của Anh đang lây lan ở đất nước của họ với tốc độ đáng báo động và không phản ứng với các biện pháp hiện tại.

Theo Viện Huyết thanh Nhà nước của Đan Mạch, các ca bệnh liên quan đến biến thể này đang tăng 70% mỗi tuần ở nước này, bất chấp các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

Cô Tyra Grove Krause, giám đốc khoa học của viện Đan Mạch cho biết: “Một số công cụ mà chúng tôi dùng để kiểm soát dịch bệnh đang mất dần tác dụng”. Họ gần đây đã bắt đầu giải mã trình tự gen của mọi mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 mới để kiểm tra các đột biến.

Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu tiên đề cập đến việc biến chủng ở nước này có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với chủng cũ. Chủng này được cho là có khả năng lây lan dễ dàng hơn và có thể nhanh chóng áp đảo các hệ thống y tế. Nước này lo ngại những bệnh nhân sống sót qua các đợt bùng phát trước sẽ bị đặt trong tình cảnh nguy hiểm nếu bệnh viện quá tải và các dịch vụ chăm sóc y tế bị hạn chế.

Cô Hamilton cho biết: “Điều đáng lo ngại là chúng tôi không biết được quy mô của các biến chủng đang tồn tại ở Mỹ”. Cô lưu ý rằng nếu không mở rộng công tác giải mã trình tự gen, rất khó để các cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân dẫn đến mức độ gia tăng số ca bệnh hiện nay. Liệu sự gia tăng ca nhiễm này là do hành vi của con người hay do đặc điểm của các biến chủng mà chúng ta chưa tìm ra?

Biến chủng của Mỹ

Những nỗ lực giải mã trình tự gen hạn chế ở Mỹ đã khiến một số biến chủng đang ngày càng phát triển ở nước này, theo Washington Post.

Nhà hóa sinh RNA Keith Gagnon và các đồng nghiệp tại đại học Nam Illinois gần đây đã giải mã trình tự gen của các virus mà ông tin là một biến chủng mới đang ngày càng lan rộng ở Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đặt tên cho biến thể đó là 20C-US. Họ cho biết 20C-US vẫn chưa được bình duyệt, tức là chưa nhận được sự thẩm định từ các chuyên gia khác. Nó dường như chỉ được chứng minh bởi một nghiên cứu riêng biệt. Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Ohio đã tìm thấy một nhánh của biến chủng này bắt đầu mang nhưng đột biến mới.

“Khá là hợp lý nếu cho rằng Mỹ có biến chủng riêng, nhưng tất nhiên chưa ai biết đến nó”, ông Gagnon nói.

Phân tích của ông và các đồng nghiệp cho thấy biến chủng này xuất hiện ở khu vực phía nam nước Mỹ vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm 2020.

Họ không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy nó có hại hoặc gây tỷ lệ tỷ vong cao hơn. Ông Gagnon cũng nêu ra khả năng rằng 20C-US dễ lây lan hơn và đã không lây lan một cách ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây vẫn chỉ là một giả thuyết. Ông cho biết sẽ thực hiện các thí nghiệm để xác định tính đúng sai của giả thuyết này.

Dẫu vậy, trong khi chờ đợi kết quả của giả thuyết, nước Mỹ vẫn cần tăng cường công tác giải mã trình tự gen để theo dõi các biến thể khả năng, ông nói.

“Việc giám sát mã gen chắc chắn là điều quan trọng nhất bên cạnh việc xét nghiệm Covid-19 để chúng ta có thể theo dõi virus. Nếu không làm vậy, chúng ta sẽ như thể bị ‘quáng gà’ vậy”.

Bệnh nhân chờ 18 tiếng để vào phòng cấp cứu ở California Các bệnh viện ở California đang đối mặt với tình trạng quá tải vì dịch Covid-19 bùng phát. Ở một số nơi, bệnh nhân phải chờ 18 tiếng mới được vào phòng cấp cứu.

Hồng Ngọc

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-my-khong-san-bien-chung-cua-virus-post1179064.html