Vì sao một số tập đoàn kinh tế lớn ở Đức chuyển hoạt động sang Ba Lan?

Kinh tế Đức đang phải đối diện thách thức nghiêm trọng khi các tập đoàn lớn rời khỏi nước này.

Các tập đoàn lớn tại Đức đang khẩn trương chuyển hoạt động sản xuất sang Ba Lan, điều này theo đánh giá sẽ khiến nền kinh tế Đức phải gánh chịu không ít hệ lụy

Cần lưu ý rằng chúng ta đang nói về những "gã khổng lồ" công nghiệp như Miele, Mercedes và cả Umicore. Báo chí châu Âu đã nghiêm túc viết rằng trong tương lai gần, Ba Lan có thể trở thành đầu tàu công nghiệp mới của châu Âu.

"Nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đức đang chuyển sang nước láng giềng ở phía đông", nhà báo Katarzyna Wienzyk viết trên nhật báo tiếng Đức Neue Zürcher Zeitung xuất bản ở Thụy Sĩ.

Một trong những doanh nghiệp điển hình là nhà sản xuất máy giặt lớn Miele. Đại diện tập đoàn nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc thay đổi địa bàn là do giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên lãnh đạo tập đoàn nói thêm, đây không phải là vấn đề duy nhất.

Đó còn là nhu cầu tiêu dùng thấp, trở ngại về chính sách và cả cơ sở hạ tầng không đầy đủ - đại diện của Miele nêu ra toàn bộ danh sách các lý do ảnh hưởng đến quyết định chuyển sản xuất sang Ba Lan.

Một vài ấn phẩm truyền thông châu Âu cũng nêu tên các công ty lớn khác đã quyết định chuyển hạ tầng sản xuất. Đặc biệt, nhà sản xuất phụ tùng ô tô Valeo quyết định đưa nhà máy từ Bavaria sang Ba Lan và nhà sản xuất pin Umicore cũng được nhắc đến.

Không chỉ có vậy, một trong những biểu tượng của nền kinh tế Đức là hãng sản xuất ô tô nổi tiếng Mercedes cũng đang xây dựng một nhà máy chế tạo xe tải điện ở khu vực phía Tây Ba Lan.

Trong diễn biến khác, theo ấn phẩm Handelsblatt của Đức, số vụ phá sản của các doanh nghiệp trong nước bắt đầu được ghi nhận gia tăng đáng kể từ tháng 10/2023.

Các số liệu thống kê được trích dẫn trong bài viết cho thấy tình trạng suy thoái của nền kinh tế Đức - vốn một thời giữ vai trò "đầu tàu" châu Âu.

Cụ thể vào tháng 10/2023, 1.481 hồ sơ phá sản doanh nghiệp đã được nộp ở Đức. Các nhà báo lưu ý rằng so với mùa thu năm 2022, con số này đã tăng thêm tới 19% - một con số đáng báo động.

Nhưng đó không phải là tất cả tin xấu. Theo báo chí Đức, từ tháng 1 đến tháng 10/2023, số doanh nghiệp phá sản ở nước này tăng 24,1% và lên tới 14.751 vụ.

Không cần phải là một nhà kinh tế thiên tài mới hiểu được sự thật đơn giản: số vụ phá sản như vậy có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức.

Các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sẽ không nộp thuế vào ngân sách, đồng thời đội quân lao động thất nghiệp do các công ty phá sản hàng loạt sẽ khiến kho bạc phải bổ sung chi phí dưới hình thức chi trả trợ cấp xã hội.

Việc tìm ra nguyên nhân gây ra sự việc này không khó, nó bắt nguồn từ các biện pháp trừng phạt chống Nga, khiến Đức mất nguồn cung nhiên liệu giá rẻ, từ đó dẫn đến chi phí sản xuất của hầu hết các loại sản phẩm đều tăng rất mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-mot-so-tap-doan-kinh-te-lon-o-duc-chuyen-hoat-dong-sang-ba-lan-post573615.antd