Vì sao 'Lễ Phật cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng'?

Theo quan niệm của Phật giáo, Tết Thượng nguyên diễn ra vào ngày rằm tháng giêng là Tết hướng thiện, cầu phúc, cầu an, do đó nhiều người đi lễ chùa vào ngày này.

Lễ dâng đăng trên núi Bà thu hút rất đông du khách, Phật tử. Nguồn: baovanhoa.

Tết Nguyên tiêu - một lễ Tết quan trọng đầu năm chỉ sau Tết Nguyên đán diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, hay còn gọi là Tết Thượng nguyên. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng bậc nhất của năm thuộc “Tam nguyên” (3 ngày rằm lớn, tháng giêng, tháng bảy và tháng mười).

Ngày Phật

Vào ngày này, người ta thường thả hoa đăng, hay lên chùa khấn Phật. Các gia đình thường làm một mâm cỗ mặn cúng gia tiên và cúng chay trước bàn thờ Phật.

Ông bà ta có câu “Lễ Phật quanh năm, không bằng ngày rằm tháng giêng”. Tục ta tin rằng trong ngày rằm tháng Giêng, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người tới lễ bái.

Trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam thuộc bộ Nếp cũ (bộ sách cung cấp những thông tin về con người, phong tục tập quán và lễ nghĩa xưa nay của Việt Nam), nhà văn Toan Ánh cho biết, theo đạo Phật, ngày mùng một và ngày rằm mỗi tháng được coi là ngày Phật, các tín đồ Phật giáo trong những ngày này đều rủ nhau đi lễ chùa.

Ngày mồng một là ngày đầu tháng, nhưng đêm lại tối đen, còn ngày rằm thì đêm có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày rằm đầu tiên là rằm tháng giêng nên người ta đổ xô đi lễ Phật.

Nhà văn Toan Ánh cũng cho biết, lễ Thượng nguyên không phải là một ngày lễ Phật, mà trước đây chính là Tết Trạng nguyên. Vào dịp này, nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Tết Trạng Nguyên sau được đổi làm Tết Thượng Nguyên. Tết cũng còn một tên nữa là Tết Nguyên tiêu.

Tác giả Nếp cũ còn cho biết ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan (theo các nhà thuật số). Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, nghĩa là cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm. Cúng lễ dâng sao, người ta lập đàn tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên Thánh, giữa cúng các vị sao thủ mạng, ở dưới cùng cúng bố thí chúng sinh.

Tết muộn

Cùng chung suy nghĩ với nhà văn Toan Ánh, trong cuốn Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biếtTết Thượng nguyên được coi là một tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (Tết Trung nguyên là rằm tháng bảy và Tết Hạ nguyên là rằm tháng mười). Ba tết mang các ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của Phật giáo: Tết Thượng nguyên là Tết hướng thiện, cầu phúc, cầu an; Tết Trung nguyên là địa quan xá tội; Tết Hạ nguyên là thủy quan giải ách.

Vào ngày này chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết pháp; người theo đạo Phật lấy ngày này để tưởng nhớ Đức Phật... Các chùa làm lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sau đó làm lễ phóng sinh. Nhiều gia đình tổ chức lễ cầu an, “cúng sao giải hạn”.

PGS.TS Bùi Xuân Đính cũng cho biết ngày này ở Trung Quốc xưa kia còn được gọi là Tết Trạng nguyên: nhân đêm trăng tròn và sáng đầu tiên của năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn Thượng Uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem oa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. Từ đó trở thành hội Tết Nguyên tiêu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân.

Ở Việt Nam, chỉ có các bậc Nho học mới tổ chức tết này. Những người yêu văn thơ gặp mặt tại văn từ, văn chỉ, hoặc nhà của một bậc trưởng lão học cao để cùng ngắm trăng, uống rượu, đọc và bình phẩm thơ của nhau. Hiện nay, vào dịp Tết Nguyên tiêu, ở thành thị tổ chức “Ngày thơ Việt Nam”, ở nông thôn, các câu lạc bộ thơ, tổ thơ tổ chức sinh hoạt thơ thu hút rất đông người tham gia.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Xuân Đính còn chia sẻ trong tâm thức của người Việt, rằm tháng giêng còn được coi là Tết muộn, có ý nghĩa không khác gì Tết Nguyên đán.

Vào ngày này không ít gia đình vẫn tiếp tục ăn Tết, gói bánh chưng, chơi mai, đào nở muộn, nên còn gọi là Tết lại. Những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình có tang vào dịp Tết Nguyên đán, được “ăn Tết bù”...

Tác giả sách Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền cũng cho biết thêm theo quan niệm dân gian, muốn làm gì thì cũng phải chờ “qua rằm tháng Giêng”. Do đó, những người có ý định đi làm ăn xa quê phải ở lại, qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-le-phat-ca-nam-khong-bang-ngay-ram-thang-gieng-post1461594.html