Vì sao lãi suất tiền gửi giảm xuống thấp kỷ lục nhưng người dân vẫn gửi nhiều?

Lãi suất giảm mạnh nhưng không có nghĩa là mọi người sẽ rút tiền đem sang các kênh đầu tư khác. Trái lại, tiền gửi trong ngân hàng giờ còn ở mức 'ứ đọng'.

Cuối năm 2023, tình trạng của nhiều ngân hàng là… thừa tiền. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã duy trì được trạng thái dư thừa trong suốt những tháng qua. Lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cập nhật đến ngày 16/11/2023 chỉ còn 0,21%/năm, kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt là 0,33% và 0,52%, đều giảm mạnh so với đầu năm.

Ngân hàng thừa tiền, lãi suất giảm sâu

Cùng kỳ năm ngoái, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng thường xuyên duy trì quanh mức 4-5%/năm, thậm chí có thời điểm lên đến 6-7%.

Theo các chuyên gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang dồi dào có nghĩa là dòng tiền trong nền kinh tế vẫn đang bị ứ đọng tại một số khu vực, vòng luân chuyển của các nguồn vốn cũng không còn linh hoạt như những năm trước. Nếu như thời điểm này năm ngoái, dòng tiền tắc nghẽn trên nhiều lĩnh vực, thanh khoản hệ thống căng thẳng khắp nơi, đẩy lãi suất tăng vọt trên các thị trường và các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để giữ vững số dư huy động, thì năm nay ngược lại.

Dù chỉ nhận được mức lãi thấp, không như kỳ vọng nhưng nhiều người dân cũng không biết phải bỏ tiền vào đâu khác ngoài gửi tiền vào ngân hàng.

Dù chỉ nhận được mức lãi thấp, không như kỳ vọng nhưng nhiều người dân cũng không biết phải bỏ tiền vào đâu khác ngoài gửi tiền vào ngân hàng.

Vì không thiếu nguồn tiền nên các ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất tiền gửi. Theo thông lệ, dòng tiền gửi cuối năm thường chịu áp lực rút ra để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh bước vào giai đoạn cao điểm hoặc người dân cần chi tiêu mạnh cho dịp lễ tết. Nhưng năm nay, tiền gửi tiết kiệm đang “ứ đọng” trong ngân hàng, lãi thấp nhưng không mấy ai rút. Xu thế này diễn ra ở cả những ngân hàng đã đưa lãi suất về mức đáy thấp nhất trong nhiều năm qua như Vietcombank và cả ngân hàng nhỏ thường luôn ở “chiếu dưới” trong "cuộc chiến" huy động vốn. Đặc biệt, với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, hầu hết các ngân hàng đã hạ xuống xa mức trần theo quy định là 4,75%,

Không còn lựa chọn nào khác?

Một chuyên gia phân tích, sau thời kỳ đại dịch, thế giới bước vào đợt suy thoái kinh tế. Đứng trước triển vọng không mấy chắc chắn của nền kinh tế sắp tới, môi trường kinh doanh vẫn khá rủi ro. Không quá ngạc nhiên khi nguồn tiền nhàn rỗi vẫn đang tập trung trú ẩn vào hệ thống ngân hàng. Lý do đơn giản là vì đây là kênh an toàn hơn cả hiện tại.

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8/2023, số dư tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022, tương đương số tăng tuyệt đối là 567.600 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, con số này có thể đã có biến động nhưng nhiều khả năng là giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ.

Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng vì các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.

Chị Bích Hoàng (TP.HCM) cho biết, mình có sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng. Với số tiền này, chị khó có thể đầu tư bất động sản, cũng không dám đầu tư chứng khoán hay vàng vì cả hai thị trường này đều có biến động mạnh gần đây. Để không phải “đau đầu”, chị vẫn gửi tiền vào ngân hàng dù mới đáo hạn kỳ gửi. Ở thời điểm hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm dù thấp nhưng vẫn cao hơn lạm phát nên nhà đầu tư vẫn có lợi.

Kim Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/vi-sao-lai-suat-tien-gui-giam-xuong-thap-ky-luc-nhung-nguoi-dan-van-gui-nhieu-1096861.html