Vì sao lãi suất cho vay chưa hạ nhiệt?

Lãi suất huy động đang giảm mạnh, vậy nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa hạ như kỳ vọng. Trong khi khách hàng sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì sợ rủi ro.

Nhiều ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh lãi suất cho vay xuống thấp.

Thời điểm này, một số ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục áp dụng biểu lãi suất mới, theo đó lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,2-0,35 điểm %.

Chẳng hạn tại Sacombank, kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất huy động của Sacombank giảm 0,2 điểm % xuống còn 6,6%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của Sacombank giảm 0,3 điểm % xuống 7,2%/năm, kỳ hạn 36 tháng giảm 0,35 % xuống 7,45%/năm.

Tương tự với HDBank , ngân hàng cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng từ ngày 12/6, mức giảm 0,2%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng của HDBank chỉ còn 7,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng được giữ nguyên mức 6,9%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy đối với khoản tiền trên 10 tỷ đồng trở lên là 7,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng 7,6%/năm và khách gửi kỳ hạn 10-13 tháng lãi suất 7,3%/năm trong khi nếu gửi từ 15 tháng lãi suất giảm còn 6,5%/năm. Mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 7,6%/năm, đã giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 5.

Cũng trong đầu tháng 6 hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn và sản phẩm như: Techcombank ghi nhận giảm nhẹ 0,5 - 0,7 điểm % so với tháng trước; khung lãi suất huy động mới của ACB được điều chỉnh giảm 0,3 - 1 điểm % so với tháng trước. Tương tự, OCB, Eximbank, VietABank, Shinhan Bank, Kienlongbank, OceanBank cũng đồng loạt giảm so với đầu tháng 5.

Lãi suất huy động giảm tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất mong chờ mức giảm lãi suất huy động mạnh mẽ của các ngân hàng lần này sẽ có tác động lan tỏa tích cực, hướng tới việc giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng mới chỉ là bước đầu, sau đó mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường giảm sâu tới đâu vẫn là câu hỏi mở.

Lý do là các ngân hàng cần độ trễ từ 3 - 4 tháng để có thời gian huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp tại các kỳ hạn ngắn, nhằm giảm dần tổng chi phí vốn của ngân hàng, từ đó mới giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang khó trong việc hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài.

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank lý giải rằng, quy định vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ tháng 9 năm nay sẽ giảm xuống chỉ còn 30%, nên các ngân hàng phải tiếp tục tìm cách huy động vốn dài hạn, khiến lãi cho vay dài hạn hạ xuống chậm hơn so với cho vay ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm lãi suất cho vay đang là vấn đề “nóng”, là một trong những mục tiêu hàng đầu vực dậy nền kinh tế thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ nhanh chóng giảm trong quý II này.

Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng cho biết tăng trưởng tín dụng thấp, cho thấy nhu cầu tín dụng nền kinh tế thấp với dự báo nền kinh tế đặc biệt là hoạt động sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng lúc, lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 80-100 điểm tùy từng kỳ hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số ngân hàng vừa và nhỏ lên tới 150 điểm-180 điểm. Đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.

“Như vậy, có thể kỳ vọng giai đoạn tới đây mặc dù có độ trễ, khả năng tiếp cận vốn của DN sẽ được cải thiện đặc biệt trong các tháng cuối năm. Đi cùng với các biện pháp quyết liệt từ các chính sách tài khóa như giảm thuế, tăng lương, tích cực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giải ngân đầu tư công, cơ quan quản lý đang cho thấy quyết tâm trong việc hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng” - ông Hoàng nhận định.

Về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phân tích sâu sắc hơn nữa các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm DN. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ DN tiếp cận vốn.

BIDV giảm lãi suất

BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu tại BIDV từ 1/6/2023. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023 BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại BIDV.Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; BIDV đã dành gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với mức thông thường của các ngân hàng.

Không chỉ giảm lãi suất cho vay, hiện nay, BIDV đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính tổng thể giúp giảm thiểu chi phí tài chính, chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, cá nhân. Một số chương trình nổi bật như: chương trình DigiUp dành cho khách hàng doanh nghiệp sử dụng ngân hàng số BIDV iBank, BIDV iConnect với hơn 12 loại phí được miễn/giảm; chương trình Trade Booming ưu đãi vượt trội về tỷ giá, phí tài trợ thương mại, phí chuyển tiền quốc tế cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; chương trình SCFast với các chính sách hấp dẫn dành cho khách hàng chuỗi cung ứng; sản phẩm cho vay nhanh tiêu dùng tín chấp, cho vay cầm cố tiền gửi qua ứng dụng BIDV Smartbanking dành cho khách hàng cá nhân…

T.Như

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-lai-suat-cho-vay-chua-ha-nhiet-5720645.html