Vì sao 'lá chắn thép' Patriot không đánh chặn mưa tên lửa của Iran?

Hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ triển khai đến Trung Đông đã không được sử dụng để đánh chặn trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran, hoặc nó không được triển khai ở đó.

Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không Patriot - được mệnh danh là "lá chắn thép", có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tới khu vực Vịnh Ba Tư vào năm ngoái, để đối phó với các mối đe dọa của Iran, sau đợt tấn công tàu chở dầu và không kích vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, trong đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, hệ thống phòng không Patriot dường như đã không được sử dụng để đánh chặn. 10 tên lửa đạn đạo đã nhắm vào căn cứ al Asad ở tỉnh Anbar, miền tây Iraq, trong khi 5 tên lửa khác nhắm vào căn cứ Erbil, ở khu tự trị Kurdistan. Lầu Năm Góc từ chối cho biết việc hệ thống Patriot có được sử dụng hay không, Washington Examiner cho biết.

Hệ thống đánh chặn uy lực

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ không đề cập đến bất cứ điều gì ngoài tuyên bố được đưa ra về cuộc tấn công của Iran. Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ tên lửa nào bị đánh chặn, dù người ta tin rằng 4 trong 5 tên lửa không bắn trúng căn cứ Erbil do lỗi kỹ thuật.

 Hệ thống phòng không Patriot được triển khai bên ngoài cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh: Military Images.

Hệ thống phòng không Patriot được triển khai bên ngoài cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh: Military Images.

Một nguồn tin quân sự xác nhận ít nhất một tên lửa rơi xuống đất mà không phát nổ. Thomas Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa, thuộc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế, nói rằng thật khó có thể suy đoán vì sao hệ thống phòng không Patriot không được sử dụng, nhưng lưu ý đó là hệ thống vũ khí tuyệt vời.

“Đây có thể là tài sản có nhu cầu cao. Có rất nhiều cơ sở và căn cứ trong khu vực mà chúng tôi cần bảo vệ, vì vậy hệ thống Patriot có thể không có mặt ở mọi nơi cùng lúc”, ông Karako nói.

Nhu cầu đối với Patriot cao đến nỗi các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đã tranh giành nhau để có được Patriot và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác trong những năm gần đây, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống lại kho tên lửa đồ sộ - được cho là lớn nhất Trung Đông của Iran.

Saudi Arabia, UAE đã triển khai hệ thống Patriot gần biên giới với Yemen để bảo vệ quân đội của họ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Phạm vi đánh chặn khiêm tốn

Dù Patriot là hệ thống phòng không tinh vi, nhưng phạm vi đánh chặn của nó lại khá khiêm tốn và chỉ có thể hoạt động như một hệ thống phòng thủ điểm. Radar của Patriot có thể theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu ở cự ly gần 100 km, nhưng tên lửa của nó chỉ có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly khoảng 25-30 km.

 Hệ thống Patriot có phạm vi đánh chặn khiêm tốn. Ảnh: AP.

Hệ thống Patriot có phạm vi đánh chặn khiêm tốn. Ảnh: AP.

Do đó, Patriot thường được sử dụng để bảo vệ các căn cứ hoặc cơ sở cụ thể. Patriot có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Patriot từng đánh chặn thành công nhiều tên lửa đạn đạo Scud trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.

“Bạn phải có hệ thống đánh chặn tên lửa ở gần khu vực mà bạn muốn bảo vệ. Từ một báo cáo mà tôi có được có vẻ như Mỹ không có hệ thống Patriot triển khai ở các căn cứ bị tấn công”, Eric Gomez, nhà phân tích về phòng thủ tên lửa tại Viện Cato nói.

Lực lượng Mỹ thường triển khai mà hiếm khi không có phòng thủ. Trong một bài phát biểu sau cuộc tấn công, Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ đã tránh được thương vong nhờ một số biện pháp phòng thủ quan trọng.

“Không có người Mỹ hay người Iraq nào thiệt mạng vì các biện pháp phòng ngừa, sơ tán lực lượng và hệ thống cảnh báo sớm đã hoạt động rất tốt. Tôi chúc mừng kỹ năng và sự can đảm đáng kinh ngạc của những người đàn ông và phụ nữ Mỹ trong bộ quân phục”, Tổng thống Trump nói.

Ông Gomez giải thích rằng Mỹ có một số tùy chọn về cảnh báo sớm có thể cảnh báo cho quân đội về cuộc tấn công, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm hồng ngoại ngoài không gian, có thể phát hiện tia lửa từ động cơ tên lửa đang cháy và một radar cảnh báo sớm AN/TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm có thể thất bại do lỗi của con người, ông Gomez nhận xét.

Trong khi đó, quân đội Mỹ được cho là mới triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot đến Trung Đông trong bối cảnh lo ngại cuộc tấn công trả thù của Iran.

Theo đó, hệ thống phòng không Patriot cùng một số vũ khí khác đã được đưa lên máy bay vận tải hạng nặng C-5M để bay tới Jordan, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ trước nguy cơ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhà báo Babak Taghvaee viết trên tài khoản Twitter của ông hôm 7/1.

Patriot PAC-3 là phiên bản hiện đại nhất của gia đình tên lửa phòng không Patriot. Phiên bản này được tối ưu hóa cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn. PAC-3 được nâng cấp gần như mọi khía cạnh so với PAC-2.

Mỗi xe phóng của PAC-3 mang theo 16 tên lửa, thay vì 4 như phiên bản PAC-2. Tên lửa PAC-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự li 20-35 km. Trước đó, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không Patriot đến Saudi Arabia sau vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của nước này.

Iran trả thù, nã hơn 13 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq Không chỉ trút 13 tên lửa vào căn cứ Ain Al-Asad ở Iraq, Iran còn phóng nhiều tên lửa vào các mục tiêu khác của Mỹ. Họ tuyên bố cuộc trả thù ác liệt của Vệ binh Cách mạng bắt đầu.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-la-chan-thep-patriot-khong-danh-chan-mua-ten-lua-cua-iran-post1034542.html