Vì sao không nên dùng bạo lực để dạy con?

Động một chút là to tiếng với con gái, chị Nguyễn Thùy An (Kinh Môn, Hải Dương) thú nhận tật xấu này của chị bị ảnh hưởng từ người mẹ của mình. Bố chị mất sớm, mẹ chị một nách nuôi dạy 5 đứa con nên rất nghiêm khắc với người con cả là chị.

Ảnh minh họa

Từ khi sinh con thứ 2, chị Thùy An thường xuyên to tiếng, thậm chí đánh mắng cô con gái lớn đang đi học mẫu giáo. Khi con không nghe lời, chị ghét phải nhìn thấy mặt con tới mức đuổi con vào phòng. Thậm chí, không ít lần chị vô thức đánh vào đầu con. Chị Thùy An băn khoăn, không biết có phải bị mẹ đối xử như vậy không mà con gái chị khi ra ngoài rất trầm tính, hầu như không nói năng gì. Con chơi không hợp với các bạn cùng tuổi mà suốt ngày chỉ nhằng nhẵng bám theo mẹ. Chị cảm thấy đau lòng khi đấy cũng là hình ảnh của chị ngày bé. Chị thường xuyên tự nhủ "Mình không được như vậy nữa…" nhưng vẫn không thể kiềm chế được hành vi của mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ khi còn nhỏ phải chịu sự đối xử khắc nghiệt từ bố mẹ thì khi lớn lên vẫn phải chịu đựng nỗi khổ đó trong ký ức. Như trường hợp của chị Thùy An, chị trở nên căng thẳng, mệt mỏi sau khi sinh con thứ hai. Chị đã giải tỏa những căng thẳng đó bằng bạo lực. Vì bạo lực từ mẹ mà con của chị trở nên bất an và bám mẹ như vậy. Nhiều bố mẹ đánh con mà thấy con quấn hơn thường ngộ nhận rằng do con yêu quý mình. Nhưng điều đó không phải do con yêu bố mẹ mà do cảm giác bất an gây ra. Bé sợ rằng nếu ở một mình sẽ lại gây ra chuyện tệ hơn, sợ bố mẹ sẽ bỏ rơi mình nên mới đeo bám bố mẹ như vậy.

Trong hoàn cảnh này, người mẹ phải tự hiểu rõ rằng việc trên là nghiêm trọng, không được tiếp tục để mọi thứ trôi qua như vậy. Nếu hiểu rằng bản thân đang hành động giống với mẹ mình trước đây cũng là bước tiến lớn. Nếu có thể, cần cắt đứt vòng luẩn quẩn đó. Bởi nếu không, vấn đề này lặp lại ở nhiều thế hệ trong một gia đình.

Khi quyết tâm cắt đứt vòng luẩn quẩn, người mẹ hãy thôi để ý đến hành động của con mà tập trung vào quyết tâm của chính bản thân mình. Hãy luôn nhớ, đừng để ý đến hành động của con nữa. Đó không phải là cái cần thay đổi ngay bây giờ. Khi chính bản thân mình còn chưa chín chắn mà để tâm tới hành động của con thì sẽ lại dễ dàng sử dụng bạo lực với con. Hãy tập trung tự xác định mình là ai, là người thế nào để thoát khỏi cái bóng của bố mẹ và tìm ra cái tôi của riêng mình. Phải trở thành một con người hoàn toàn khác biệt với con người luôn bất an, sợ hãi và không thể khống chế được bản thân trước đây.

Lúc này, người mẹ cần làm quen với phương pháp mới để dạy con. Có nhiều phương pháp khác hiệu quả hơn để có thể sửa đổi hành vi của con mà không phải dùng bạo lực như bố mẹ đã từng sử dụng với mình.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ly-do-khong-dung-bao-luc-de-day-con-2022051017203388.htm