Vì sao huấn luyện Ronaldo không đơn giản?

Cristiano Ronaldo chưa bao giờ khiến ai phải phiền lòng nếu anh cảm thấy thực sự vui, được tạo điều kiện tối đa để chơi bóng.

Paul Clement, trợ lý của Carlo Ancelotti tại Real Madrid, không bao giờ quên cảnh tượng điển hình về Ronaldo ở Bernabeu.

“Chúng tôi trở về nhà ngay trong đêm sau trận đấu trên sân khách tại Champions League. Vì phải kiểm tra doping, nên các cầu thủ về muộn là chuyện bình thường. Sau đó, bạn phải tốn thời gian đến sân bay cũng như chất cả đống đồ lên máy bay. Vì vậy, chúng tôi trở lại Madrid vào lúc 3-4h.

Hôm sau không phải là ngày nghỉ. Các cầu thủ sẽ tập luyện vào buổi chiều, vì chúng tôi sẽ lại thi đấu vào 2 ngày tới. Lúc đó cũng 4h, nên các cầu thủ cần nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đi nghỉ, đặc biệt là Ronaldo.

Ở tuổi 36, Ronaldo vẫn là tên tuổi lớn của bóng đá thế giới. Ảnh: Reuters.

Phải đối xử đặc biệt với Ronaldo

“Tôi nhận ra Ronaldo kéo Pepe và Coentrao đi. Họ bảo: Chúng tôi phải đi ngâm nước đá đã. Lúc đó là 4h và cậu ấy không chỉ làm việc đó một mình, mà còn ra sức thuyết phục những người khác tham gia. Ronaldo cực kỳ chuyên nghiệp, làm điều đó thường xuyên, lặp đi lặp lại chúng. Nhờ những việc làm nhỏ nhặt ấy mà cậu ấy chạm đến đẳng cấp như hiện tại", Clement nhấn mạnh.

Nhìn vào những kỷ lục, các con số thống kê hay hàng loạt danh hiệu mà Ronaldo chinh phục, người hâm mộ (NHM) hiểu rõ anh bị ám ảnh về sự hoàn hảo. Nỗi ám ảnh đó là động lực biến Ronaldo trở thành con người giỏi nhất có thể.

Sir Alex Ferguson là người thầy có ảnh hưởng lớn tới Ronaldo. Ảnh: Reuters.

Sir Alex Ferguson, Carlo Ancelotti, Luiz Felipe Scolari đều có đặc điểm chung, chính là phát huy triệt để khả năng của Ronaldo. Họ biết CR7 là siêu sao đặc biệt nên cách đối xử dành cho anh cũng đặc biệt.

Một số HLV khác là Jose Mourinho, Rafa Benitez, Carlos Queiroz, Maurizio Sarri lại không được như thế. Quan hệ giữa họ với Ronaldo đổ vỡ vì tất cả đều không thể xử lý cái tôi của tiền đạo người Bồ Đào Nha. Quy tắc vàng để giúp Ronaldo bùng nổ là hãy để anh được hạnh phúc. Ai cũng biết nhưng thật khó để thực hiện.

Laszlo Boloni, người quản lý của Sporting Lisbon và từng tạo cơ hội cho Ronaldo ra mắt ở CLB, hẳn sẽ phải tự hào vì làm được điều ấy. Anh kể: “Tôi nhớ câu chuyện, đã được hỏi trên đài phát thanh rằng tôi nghĩ Ronaldo sẽ xuất sắc như thế nào.

Tôi đã trả lời bản thân hy vọng Ronaldo sẽ khiến người Bồ Đào Nha quên đi Eusebio và Luis Figo. Luật sư của tôi là CĐV Benfica, thậm chí giữ vai trò ban quản trị ở CLB đó, đã bật cười và bảo tôi bị điên sau khi nghe được lời chia sẻ đó.

Tôi vẫn khẳng định với luật sư của mình Ronaldo đủ khả năng làm điều đó nếu cậu ấy không bị những chấn thương đeo bám. Anh ấy nói với tôi rằng tôi đã phạm sai lầm lớn. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện thỏa thuận: Nếu Ronaldo tiếp tục làm điều gì đó phi thường, anh ấy phải mua cho tôi một chai Champagne thật ngon. Ngược lại, tôi sẽ mua tặng anh ấy. Sau khi Ronaldo giành Quả bóng Vàng (QBV) đầu tiên, tôi đã nhắc lại giao kèo với luật sư của mình. Chai Champagne ấy ngon hết sẩy".

Khi Ancelotti có lần đầu tiên dẫn dắt Real, ông ấy ngay lập tức mở ra cuộc họp để trò chuyện với các cầu thủ. Ông tin 4-3-2-1 là công thức tối ưu nhất để xây dựng đội bóng. Nhưng ở Real, sơ đồ đó không được triển khai vì Ronaldo thích cách bố trí khác.

Clement hồi tưởng: “Ancelotti bắt đầu nghĩ về sơ đồ muốn sử dụng tại Real ngay trước thời điểm các cầu thủ trở lại CLB vào giai đoạn tiền mùa giải. Đó là dạng sơ đồ bố trí Ronaldo đá tiền đạo. Ronaldo đến gặp Ancelotti nói cậu ấy cảm thấy thoải mái hơn khi chơi bên cánh trái. Vì vậy, Ancelotti đã phát triển hệ thống để giúp Ronaldo cảm thấy thoải mái”.

Thông thường, để chứng tỏ vị thế, HLV thường bắt cầu thủ thực hiện những điều mình mong muốn. Nhưng Ancelotti có vẻ nhận ra việc vận hành mọi thứ theo ý Ronaldo sẽ giúp ích cho tập thể.

Đừng nhầm điều đó với việc Ronaldo lạm quyền hay thể hiện tầm ảnh hưởng để lấn át HLV mới. Chẳng qua là sau cuộc nói chuyện, Ancelotti tự nảy ra sáng kiến cho riêng mình về cách khai thác Ronaldo.

Thống kê chỉ ra không có HLV nào trong sự nghiệp giúp Ronaldo đạt hiệu suất ghi bàn cao như Carletto. CR7 đã sút tung lưới đối phương 112 lần sau 101 trận.

Không chiều lòng Ronaldo đồng nghĩa với thất bại

Không phải ai cũng tìm được tiếng nói chung với Ronaldo như Ancelotti. Rafa Benitez là ví dụ khi nhà cầm quân người Tây Ban Nha từ chối làm theo yêu cầu của Ronaldo.

“Sai lầm lớn nhất là cố gắng đưa Ronaldo vào hệ thống hoặc đặt hệ thống lên trước cầu thủ. Đó là những gì Rafa đã cố gắng làm. Bạn cần đủ khéo léo để làm điều ngược lại, tức xây dựng đội bóng xung quanh Ronaldo. Điều đôi khi xảy ra là các HLV kỳ vọng Ronaldo ứng xử như bao cầu thủ bình thường khác. Đó là suy nghĩ sai lầm”, cựu HLV chia sẻ.

Benitez có 7 tháng nắm quyền tại Real. Trên tờ El Pais đã xuất hiện thông tin ông ủy quyền nhân viên đưa cho Ronaldo chiếc USB để CR7 xem video về việc anh bỏ quên người cần theo kèm. Đáp trả lại, Ronaldo từ chối nhận USB và gửi lại bằng thông điệp: “Hãy nói với Benitez rằng tôi sẽ gửi cho ông ấy cái USB với mọi bàn thắng của tôi để ông ấy nghiên cứu”.

Ronaldo cũng từng xích mích với Mourinho như Benitez. Chỉ có điều, kết quả giữa 2 triều đại này hoàn toàn trái ngược. Aitor Karanka, trợ lý cũ của Mourinho tại Madrid, có quan điểm hơi khác: “Cầu thủ như Ronaldo luôn khác biệt với Mourinho. Có những khoảnh khắc Ronaldo ghi bàn như mọi khi, nhưng cũng có những khoảnh khắc Mourinho và toàn đội biết họ cần phòng ngự.

Ronaldo là người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đó. Bạn phải làm cho cậu ấy thấy ngoài những bàn thắng ghi được, còn có khoảnh khắc khác mà bạn cần thực hiện những điều chiến thuật nhất định”

Chính vì việc đả thông tư tưởng đó cho Ronaldo, nên Real của Mourinho đã vô địch La Liga trước Barca xuất sắc do Pep dẫn dắt. Mối quan hệ của Mourinho với Ronaldo có thể đã trở nên tồi tệ đáng kể, nhưng họ cũng từng trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc.

Karanka phát biểu: “Đó là đặc ân khi ở chung phòng thay đồ với cậu ấy. Rất dễ dàng để huấn luyện Cristiano Ronaldo. Tôi không nhớ có bất cứ ai chuyên nghiệp hơn Ronaldo. Cậu ấy luôn đặt ra cho bản thân những yêu cầu, để cải thiện và hướng đến sự hoàn hảo mỗi ngày”.

"Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất mà tôi từng huấn luyện"

Chính sự cầu tiến của Ronaldo là điều khiến Sir Alex Ferguson luôn tự hào. Nói chuyện với Ferguson về Ronaldo và điều đầu tiên bạn nhận thấy là ánh mắt của ông ấy sáng rực lên. Trong cuốn tự truyện của mình, Ferguson từng viết: “Cristiano Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất mà tôi từng huấn luyện. Tôi từng dẫn dắt nhiều cái tên vĩ đại ở Man Utd, nhưng cậu ấy đã vượt qua họ.”

Trong những thời khắc khó khăn, Ferguson bảo vệ Ronaldo trước chỉ trích. Ronaldo từng bị cả nước Anh thù ghét vì cái nháy mắt đầy ẩn ý về phía BLĐ tuyển Bồ Đào Nha sau khi gây sức ép khiến trọng tài đuổi Rooney tại World Cup. Ferguson đích thân bay đến Bồ Đào Nha để trấn an và thuyết phục Ronaldo trở lại Anh sau sự việc.

Solskjaer xếp Ronaldo đá chính 90 phút, và CR7 lập cú đúp giúp MU đè bẹp Newcastle 4-1. Ảnh: Getty.

Ferguson cũng đứng về phía Ronaldo khi bị Ruud van Nistelrooy xô đẩy và cô lập trên sân tập. Trong quá trình huấn luyện, Ferguson rất vui vì các cầu thủ khác đã tập luyện chăm chỉ. Về phần Ronaldo, Ferguson chưa bao giờ phải bận tâm về chuyện này. Thật dễ hiểu tại sao Roy Keane mô tả Ronaldo là người đồng đội khôn ngoan nhất mà anh từng sát cánh.

Boloni, người quản lý cũ của Ronaldo tại Sporting, từng nhận định: “Về mặt chiến thuật, cậu ấy biết mọi thứ. Đôi khi tôi sẽ chỉ hét lên, Ronaldo! Trong giây phút tiếp theo, cậu ấy đang làm chính xác những gì phải làm. Tôi không cần lặp lại những gì tôi mong đợi từ cậu ấy về khía cạnh chiến thuật”.

Cậu ấy là tiền đạo và các tiền đạo không thích phòng ngự. Nhưng nếu đội bóng cần Ronaldo làm nhiệm vụ phòng ngự, cậu ấy sẽ làm điều đó. Ngay cả bây giờ, cậu ấy vẫn quay trở lại để phòng thủ các quả phạt góc. Cậu ấy không phải là người tạo ra vấn đề cho các HLV”.

Song, câu phát biểu cuối cùng ấy cũng cần xem xét lại. Sau khi Bồ Đào Nha gây thất vọng tại World Cup 2010, được phóng viên phỏng vấn, Ronaldo bực tức trả lời: “Đi mà hỏi Queiroz”. Queiroz đã bị sa thải và mãi về sau, ông chưa từng trò chuyện với Ronaldo thêm một lần nào.

NHM cũng không quên phản ứng của Ronaldo khi Sarri thay anh ở phút 55 trong trận Juventus gặp AC Milan. Ronaldo đi thẳng xuống đường hầm, tắm rửa và rời sân vận động trước khi thi đấu chính thức.

Và dù cho đó là thời điểm tại Man Utd, Ronaldo từng có cách cư xử chống đối. Điều này diễn ra ở năm cuối tại Old Trafford khi tâm trí của CR7 thuộc về Real Madrid.

Không mấy khi Ronaldo cần sự tiếp sức từ HLV của mình. Clement, người từng làm việc ở Chelsea, PSG - 2 môi trường đầy rẫy ngôi sao - vốn hiểu Ronaldo cần gì. Clement trở thành người bạn tâm giao với Ronaldo, vượt ra ngoài vai trò HLV và cầu thủ thông thường.

“Trước đây, tôi từng gặp nhiều ngôi sao ở đẳng cấp cao. Họ thích nói về bản thân, những gì họ đang làm, trò chơi và quá trình phát triển cũng như về cách họ đã thể hiện. Nhưng Ronaldo giống như chàng trai bình thường. Tôi đã ngồi cạnh cậu ấy với tư cách huấn luyện viên để trò chuyện về mọi thứ, mọi chủ đề khác nhau, cuộc sống gia đình, công việc kinh doanh.”

Cách hòa hợp giữa Clement và Ronaldo là điều Solskjaer có thể thực hiện. Chiến lược gia người Na Uy thuộc mẫu HLV nắm bắt tốt tâm lý và thích sát cánh bên các cầu thủ. Đương nhiên sẽ có thách thức dành cho Solskjaer trong lần trở về của Ronaldo. CR7 vẫn muốn trở thành nhân vật chính trong mọi trận đấu, điều ít nhiều gây ra vấn đề riêng lúc này.

Với Ronaldo, Man Utd tìm được người chỉ dẫn đáng tin cậy để nâng tầm sự nghiệp của các cầu thủ trẻ như Rashford hay Greenwood. Người thầy cũ của Ronaldo từng phát biểu: “Thái độ của Ronaldo dễ lan tỏa. Nó gây áp lực lên mọi người để nâng cao trình độ của họ.”

Tất cả điều đó giúp lý giải việc Ferguson dù nghỉ hưu 8 năm, vẫn trực tiếp tham gia vào quá trình đưa Ronaldo trở lại Old Trafford. Lý do là Ronaldo quá đặc biệt. Anh là hình mẫu chuyên nghiệp, hiện đại, ngôi sao đẳng cấp luôn cố gắng hoàn thiện bản thân qua từng ngày và tỏ rõ ý chí vượt qua mọi nghịch cảnh. Không ai có thể đánh giá thấp cống hiến của Ronaldo cho từng đội bóng mà anh đặt chân tới.

Quản lý Ronaldo không bao giờ là công việc dễ dàng nhưng nếu ổn thỏa, thành công sẽ đến với HLV ấy. Ronaldo chưa bao giờ khiến ai phải phiền lòng nếu anh cảm thấy thực sự vui, được tạo điều kiện tối đa để chơi bóng.

Thời Ronaldo dạy Lingard cách đi bóng ở MU Gia nhập MU vào năm 2003, Ronaldo gặp gỡ và dạy một số kỹ năng chơi bóng cho các cầu thủ của học viện Man United, trong đó có Jesse Lingard (11 tuổi).

Quốc Tiến

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-huan-luyen-ronaldo-khong-don-gian-post1262125.html