Vì sao Hà Nội cứ mưa là ngập?

Sau cơn mưa lớn chiều 29-5, TP Hà Nội lại một lần nữa chìm trong biển nước. Chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'... Nhưng cứ mỗi khi mưa lớn là nhiều khu vực của Thủ đô lại ngập úng.

Hiện tượng này đã kéo dài nhiều năm dù TP Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp và tập trung vốn đầu tư lớn để chống ngập lụt.

PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá 3 nguyên do “Hà Nội cứ mưa lớn là ngập” là quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với đô thị hóa; quá trình đô thị hóa khiến vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa; cuối cùng là việc các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp.

Hệ thống thoát nước chưa theo kịp quá trình đô thị hóa

So với các địa phương trong cả nước, TP Hà Nội được phân bổ nguồn kinh phí đáng kể cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Hiện tại, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố vẫn đang trong quá trình nâng cấp thông qua nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư lên tới 550 triệu USD.

Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành vào năm 2004 và giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai từ năm 2006 tới năm 2016. Dự án từng được kỳ vọng giúp Hà Nội có thể “trụ vững” qua các cơn mưa lớn với lưu lượng lên tới 310mm/2 ngày. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề phát sinh trong giải phóng mặt bằng, đội vốn đã khiến giai đoạn 2 của dự án chậm tiến độ và không đáp ứng về khả năng thoát nước của Thủ đô, trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong giai đoạn này.

Cứ mỗi khi mưa to, nhiều khu vực tại TP Hà Nội lại rơi vào cảnh ngập lụt. Hệ thống tiêu thoát nước của thành phố dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cùng với dự án nêu trên, từ năm 2015 tới nay, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt hàng loạt dự án: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và Cụm công trình đầu mối Liên Mạc… nhằm thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây, gồm các quận Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện ngoại thành vừa mở rộng.

Đáng chú ý như dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa triển khai từ năm 2015 (tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng) có chức năng bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, nhằm giảm ngập úng cho Hà Đông, Thanh Xuân; dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng) thi công trong giai đoạn từ năm 2018-2020, với mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, nhằm giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm và phụ cận.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án trên vẫn đang trong quá trình thực hiện hoặc chậm tiến độ khiến nhiều khu vực ở TP Hà Nội tiếp tục chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, nguyên nhân chính khiến các dự án chậm tiến độ là do vướng trong giải phóng mặt bằng, có dự án vẫn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng… Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng số tiền đầu tư 19.000 tỷ đồng cho các dự án tiêu thoát nước của Thủ đô là số tiền không nhỏ, nhưng cũng chỉ ngang bằng một khu chung cư trên địa bàn và chưa thể đáp ứng được vấn đề tiêu thoát nước của một đô thị lớn và phát triển liên tục như Hà Nội.

Bê tông hóa rồi, nước thoát ở đâu!

Ngoài vấn đề do thiên nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Hà Nội ngập lụt là do hệ thống thoát nước nội đô lạc hậu, cơ sở hạ tầng cũ, xuống cấp, khả năng tiêu thoát nước hạn chế, lâu ngày lại bị bồi lắng.

Trong quá khứ, khu vực huyện Thanh Trì và và hệ thống ao hồ tại các quận nội đô có vai trò là nơi chứa và tiêu thoát nước cho thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, phần lớn chúng đã bị san lấp hoặc thu hẹp khiến mất chức năng điều hòa thoát nước. Cùng với đó, việc cải tạo các dòng sông cũng làm giảm khả năng tiêu nước, như sông Tô Lịch và các hồ được cải tạo đều kè mái nghiêng và bê tông hóa làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các quận phía Tây Thủ đô khiến cơ sở, hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước không phát triển kịp, từ đó dẫn tới ngập úng.

khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố thường xuyên ngập là do hàng loạt khu đô thị mới được quy hoạch về khu vực này của Thủ đô. Quá trình xây dựng không đồng nhất và có quy hoạch tổng thể khiến khu vực xây dựng sau hay cao hơn khu vực trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới cốt nền thường cao hơn nhà dân, gây ngập cục bộ. Cùng với đó việc bê tông hóa quá nhanh khu vực đất nông nghiệp trở thành đô thị khiến hệ thống tiêu thoát nước vốn được thiết kế cho sản xuất nông nghiệp không thể đáp ứng.

Điều này có thể thấy rõ qua các tuyến đường mới ở phía Tây TP Hà Nội như đường Tố Hữu, các tuyến đường gom của đại lộ Thăng Long… luôn bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn.

“Trước đây, phía Tây thủ đô là đồng ruộng, ao hồ rất dễ thoát nước vì mưa ngấm xuống đất, song nay khu vực này đã bê tông hóa, nước không thể thấm xuống bê tông nên bị ứ đọng trên diện rộng”, GS Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá.

Cùng chung ý kiến, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cốt nền khu vực 4 quận nội thành cũ gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 8, quận Hoàng Mai là 6, Hà Đông là 6-7 cho thấy quận Hà Đông không phải thấp song vẫn xảy ra úng ngập. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt TP Hà Nội cần có các giải pháp thích ứng và rà soát lại thiết kế tổng thể hệ thống thoát tiêu nước với tầm nhìn trước nhiều năm.

Để đối phó với biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, TP Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm…

Theo báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, quá trình cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ở khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) và có thể giải quyết tình trạng ngập úng cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Trong đó đã đầu tư được 12/39 trạm bơm với tổng công suất khoảng 180m3/s đạt tỷ lệ khoảng 18%/tổng công suất trạm bơm khu vực đô thị trung tâm. Các khu vực khác của thành phố chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa như khu vực Tả Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Bài, ảnh: NGỌC HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vi-sao-ha-noi-cu-mua-la-ngap-695921