Vì sao giá dầu diesel thế giới khó giảm

Dầu diesel được coi là nguồn sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, ngay cả khi giá tăng phi mã, nhu cầu đối với loại hàng hóa này vẫn ở mức cao.

Sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành kéo theo sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, nền kinh tế toàn cầu lại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa khi giá dầu tăng ngày một cao.

Giá cao đẩy lạm phát tăng phi mã, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu.

Theo dữ liệu của AAA Gas Prices, mỗi người Mỹ phải trả trung bình 3,29 USD cho mỗi gallon dầu diesel vào năm 2021. Sang đến năm 2022, giá dầu diesel trung bình đã tăng vọt lên 5,07 USD/gallon.

Theo New York Times, đà tăng này đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến nền kinh tế thế giới khi đầu vào của bất cứ ngành công nghiệp nào cũng đều cần dầu diesel.

 Giá dầu diesel thế giới tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Ảnh: Gabby Jones.

Giá dầu diesel thế giới tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Ảnh: Gabby Jones.

Đe dọa kinh tế toàn cầu

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP chỉ khoảng 3%. Tuy nhiên, đây là một trong những mặt hàng quan trọng nhất vì nó là sản phẩm đầu vào cho mọi ngành từ nguyên liệu, nhiên liệu cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất.

"Dầu diesel cung cấp năng lượng cho vận tải đường bộ và là nguồn sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế", chuyên gia kinh tế Joseph Sykora bình luận.

Dầu diesel cung cấp năng lượng cho vận tải đường bộ và là nguồn sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Joseph Sykora

Theo ông Sykora, các ngành công nghiệp không có nhiều lựa chọn thay thế cho dầu diesel. Các lĩnh vực từ trồng trọt, thực phẩm đến những ngành công nghiệp nặng đều phụ thuộc vào dầu diesel, bao gồm quá trình sản xuất, vận chuyển vật liệu xây dựng và vật tư.

Khi giá diesel tăng cao, người nông dân phải tốn nhiều tiền hơn để duy trì hoạt động của các loại máy móc. Argentina - một trong những nền kinh tế nông nghiệp hàng đầu trên thế giới - đang phải phân bổ lại lượng dầu cho từng vùng để giảm bớt tình trạng độn giá trong nước.

Bên cạnh đó, các công ty vận chuyển cũng là chủ thể chịu nhiều ảnh hưởng khi phải chi nhiều hơn cho xăng dầu. Bà Christine Hemmel - giám đốc của một công ty vận tải ở Đức - chia sẻ rằng công ty hiện có 35 xe tải đang hoạt động và chỉ riêng chi phí mua dầu mỗi tháng đã tốn tới gần 300.000 USD.

Theo bà, lợi nhuận quý III của công ty có thể sẽ âm vì chi phí mua dầu vượt gấp đôi dự tính. "Nếu tình hình không ổn, chúng tôi bắt buộc phải tăng cước vận chuyển đối với mỗi mặt hàng", bà chia sẻ.

Ngoài ra, giá dầu diesel tăng còn ảnh hưởng đến hoạt động của những dịch vụ công cộng, khi chính quyền mỗi địa phương đang phải trả thêm hàng trăm nghìn USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của xe bus hay tàu điện ngầm. Chí phí xây dựng cũng sẽ sớm tăng lên.

Chính vì vậy, tác động của giá dầu sẽ không chỉ dừng lại ở các trạm xăng mà còn lan rộng ra tất cả hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, khiến lạm phát leo thang trên toàn cầu.

Vận tải Mỹ thiệt hại nặng

Theo Wall Street Journal, mặc dù các bộ phận lớn của nền kinh tế Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi giá dầu diesel, nhưng ngành vận tải đang là ngành chịu nhiều tổn thương nhất. Một số công ty vận tải đã phải chuyển phụ phí nhiên liệu sang cho khách hàng để bù đắp chi phí tăng cao đột ngột.

Theo Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ, các công ty nhỏ là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trường hợp này vì họ ít có khả năng thương lượng hoặc được chiết khấu giá nhiên liệu. Điều này bắt buộc họ phải tăng cước vận chuyển liên tục mỗi tháng để có lợi nhuận.

 Một số công ty vận tải Mỹ đã phải chuyển phụ phí nhiên liệu sang cho khách hàng để bù đắp chi phí tăng cao. Ảnh: Alex Welsh.

Một số công ty vận tải Mỹ đã phải chuyển phụ phí nhiên liệu sang cho khách hàng để bù đắp chi phí tăng cao. Ảnh: Alex Welsh.

Tăng giá cước vận chuyển cũng khiến giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng tăng lên. Mặc dù khó định lượng, nhưng người mua sẽ thấy giá tăng rõ nhất ở các mặt hàng có giá trị lớn như ôtô hay đồ dùng gia dụng. Ngoài ra, giá máy bay hay giá tàu cũng sẽ tăng theo.

Theo ông Bart Plaskoff - Chủ tịch Công ty vận tải Summit Trucking (Mỹ), vận tải đường bộ là xương sống của nền kinh tế Mỹ. "Thiếu phương thức vận tải này, người tiêu dùng sẽ không thể tiếp cận được đồ tạp hóa, gas, sữa bột trẻ em, thuốc men, đồ nội thất và cũng không thể mua đồ trên Amazon”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Mỹ, các nhà máy sản xuất công nghiệp hay các trang trại, các nông trường cũng là nơi sử dụng nhiều dầu diesel để vận hành máy móc. Điều này khiến cho giá hàng hóa đã tăng ngay từ nơi sản xuất chứ chưa tính đến vận chuyển.

Người dân Châu Âu chịu tổn thương

Theo ông Hendrik Mahlkow - nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), châu Âu là khu vực dễ bị tổn thương nhất vì khu vực này phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu dầu diesel ở Nga. Kể cả việc tự sản xuất dầu diesel trong EU cũng bị hạn chế bởi Nga vì nước này là nhà cung cấp dầu thô chủ yếu cho khu vực.

Chính vì vậy, tình hình giá dầu tăng cao kết hợp với lệnh cấm vận dầu thô từ Nga sẽ khiến nhiều nước châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng.

Mặc dù các công ty năng lượng châu Âu có thể tìm được nguồn cung thay thế, họ còn phải đối mặt với cả những vấn đề khác liên quan đến thay đổi công nghệ lọc hay chi phí lọc dầu mới. Và khi các nhà máy tập trung sản xuất nhiều dầu diesel hơn, họ thậm chí sẽ giảm sản xuất các sản phẩm năng lượng khác và dẫn đến tình trạng tăng giá năng lượng trên diện rộng.

Ngoài ra, châu Âu còn một vấn đề nữa là xe du lịch sử dụng động cơ diesel chiếm hơn 40% thị trường, gấp 10 lần so với 4,5% ở Mỹ. Sự phụ thuộc vào động cơ diesel của châu Âu đến từ chính sách ưu đãi thuế được các nước EU áp dụng cách đây 25 năm. Khi đó, khối này khuyến khích người dân việc mua ôtô chạy bằng động cơ diesel với hy vọng giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Vấn đề này có thể giải quyết bằng việc chuyển sang dùng xe điện nhưng sẽ tốn khá nhiều thời gian.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-dau-diesel-the-gioi-kho-giam-post1352665.html