Vì sao Đức từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine?

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Berlin không muốn cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước ARD ngày 2/7, Thủ tướng Scholz cho biết, Đức từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang nếu Kiev quyết định sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiết lộ lý do từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiết lộ lý do từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Ảnh: AFP

“Chúng tôi kiểm tra cẩn thận tất cả các yêu cầu mà chúng tôi nhận được. Có một nguyên tắc mà chúng tôi đồng quan điểm với Tổng thống Mỹ, đó là không muốn vũ khí mà chúng tôi cung cấp được sử dụng để tấn công các lãnh thổ của Nga”, ông Scholz nhấn mạnh.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Scholz ở Berlin hồi tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã bày tỏ Kiev muốn có tên lửa Taurus KEPD 350. Đây là tên lửa phóng từ trên không được trang bị đầu đạn nặng 500kg và có tầm bắn lên tới 500km.

Trong cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm qua, Ukraine đã yêu cầu các hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi từ các nước phương Tây. Trong những tháng gần đây, Kiev đã kêu gọi NATO cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, sau khi nhận được các nước EU cũng như Mỹ và Anh cam kết cung cấp hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực như Leopard 1, Leopard 2, Abrams M1 và Challenger 2.

Đức đã nhiều lần tuyên bố nước này không có ý định mạo hiểm leo thang với Nga bằng việc đơn phương gửi các loại vũ khí mới tới Kiev mà không có sự phối hợp trước với các đối tác NATO khác.

Trong nhiều tháng, Đức đã từ chối lời kêu gọi cung cấp xe tăng Leopard cho đến khi Mỹ cam kết sẽ gửi một số xe tăng Abrams vào khoảng cuối năm nay.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bác bỏ ý tưởng gửi tên lửa Taurus cho Kiev trong tương lai gần.

Cho đến nay, chỉ có Vương quốc Anh cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa. Theo quân đội Nga, tên lửa Storm Shadow, có tầm bắn hơn 250km, đã được Kiev sử dụng để tấn công các cơ sở dân sự ở thành phố Lugansk và những nơi khác nằm sâu đằng say chiến tuyến ở Donbass.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine biến thể của Storm Shadow, được gọi là SCALP-EG, mặc dù vẫn chưa biết khi nào chúng sẽ được chuyển giao.

Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa phê duyệt việc cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS). MGM-140 ATACMS, do Lockheed Martin sản xuất, là tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lên tới 300km. Tên lửa này có thể được bắn từ các bệ phóng M270 MLRS hoặc M142 HIMARS, cả hai đều đã được Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, Wall Street Journal tuần trước đưa tin, trong bối cảnh Ukraine vẫn chưa đạt được bước tiến lớn sau nhiều tuần phản công, quyết định gửi ATACMS cho Kiev hiện “đang chờ phê duyệt ở cấp cao nhất”./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vi-sao-duc-tu-choi-cung-cap-ten-lua-tam-xa-cho-ukraine-post1030245.vov