Vì sao dự án đường ống dẫn khí giữa Nga và Trung Quốc bị đình trệ?

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2024 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ đề cập đến 'Sức mạnh Siberia 2' - dự án đường ống dẫn khí đang bị đình trệ và có tính nhạy cảm nhất định.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, kết nối Nga và Trung Quốc qua Mông Cổ, là một dự án tiêu biểu tượng trưng cho mối quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moskva. Nếu hoàn thành, nó sẽ chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm sang Trung Quốc.

Dự án “Sức mạnh Siberia 2” này rất quan trọng đối với ông Putin, người mới bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba liên tiếp, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông có thể thuyết phục dự án hoạt động trở lại hay không.

Ở Nga, dự án tiếp tục là chủ đề được nhiều người chú ý, thậm chí lo lắng. Hãng truyền thông IA REX hôm 8-5-2024 cho biết, dự án “vẫn đắp chiếu” khi có suy đoán rằng “Bắc Kinh không cần dự án này” hoặc có những bất đồng về giá cả.

Ông Munkhnaran Bayarlkhagva, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ cho biết, cuộc thảo luận về việc xây dựng “Power of Siberia 2” đang ở trong “một tình trạng lấp lửng kỳ lạ”.

“Tôi không nhận thấy bất kỳ ai thuộc tầng lớp chính trị Mông Cổ đưa ra bất kỳ bình luận nào gần đây về đường ống này”, ông Munkhnaran Bayarlkhagva lưu ý

Ulaanbaatar được cho là nơi được thông báo rộng rãi về bất kỳ diễn biến nào của dự án vì đường ống phải đi qua nước này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc hầu như giữ im lặng về chủ đề này.

Hôm 7-5, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui nói với tờ RIA Novosti của Nga rằng các công ty của hai nước đang “tích cực thảo luận chi tiết”

Dự án này được coi là một trong số thước đo hiệu quả về tình trạng quan hệ song phương Nga – Trung

Nhưng nó cũng mang tính nhạy cảm bởi được Liên minh châu Âu và Mỹ theo dõi chặt chẽ kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine và là điểm kích hoạt tiềm năng cho các vòng trừng phạt mới đối với Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, sự chậm trễ của dự án cho thấy Trung Quốc đặt lợi ích của chính mình lên hàng đầu

Ông Li Lifan, chuyên gia về Nga tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết: “Tôi tin rằng việc xây dựng Sức mạnh Siberia 2 sẽ phát triển theo nhu cầu trong nước của Trung Quốc. Nó sẽ không tiến triển nhanh như một số phương tiện truyền thông đã mô tả”.

Ngoài Nga, Trung Quốc còn nhập khí đốt tự nhiên từ Mỹ, Australia, Indonesia, Malaysia và Qatar, mặc dù thị phần từ nước láng giềng phía bắc là lớn nhất.

Số liệu từ ngân hàng Tây Ban Nha BBVA cho thấy, tổng mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc là 394,53 tỷ m3 vào năm 2023 và mức sử dụng hàng năm dự kiến sẽ đạt 550 đến 600 tỷ m3 vào năm 2030.

Trong khi Bắc Kinh và Moskva vẫn đang đàm phán chi tiết, đặc phái viên của Kazakhstan tại Nga Dauren Abayev cho biết vào đầu tháng 5 rằng, Nga đang có kế hoạch đưa khoảng 35 tỷ m3 khí mỗi năm tới Trung Quốc qua nước này

Nhưng ông Li Lifan thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết, tiến trình định tuyến khí đốt qua Kazakhstan sẽ không nhanh như mong đợi bởi Kazakhstan cũng sẽ lo lắng về các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-du-an-duong-ong-dan-khi-giua-nga-va-trung-quoc-bi-dinh-tre-post576132.antd