Vì sao doanh thu hàng trăm ngàn tỉ nhưng sếp Thế Giới Di Động nhận lương 'bèo bọt'?

Không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động phải chấp nhận một mức lương đủ sống.

Cách đây 2 năm, tại đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động (TGDĐ) khẳng định, nếu công ty làm ăn tốt, mọi nhân viên lẫn lãnh đạo đều có tiền thưởng Tết 2-3 tháng lương, thậm chí lãnh đạo chủ chốt nhận đến 7 tháng lương. Ngược lại sẽ không có đồng tiền thưởng nào.

"Ban lãnh đạo hoàn thành kế hoạch đặt ra, tạo ra nhiều lợi ích cho cổ đông sẽ nhận được lương thưởng đủ để mua xe và nhà. Ngược lại, họ phải chấp nhận tiền lương đủ nuôi gia đình" - ông Tài nhấn mạnh.

Hai vị lãnh đạo chủ chốt của Thế Giới Di Động chỉ nhận được mức lương không quá cao trong năm 2023. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Trong năm 2023, TGDĐ đối diện với rất nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế chưa tiến triển. Dù tạo ra doanh thu rất lớn lên đến 118.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 168 tỉ đồng. Đây là con số rất nhỏ nếu đặt bên cạnh những năm trước khi công ty luôn có lãi ròng bình quân 4.000 tỉ đồng/năm.

Báo cáo tài chính quý IV-2023 cũng tiết lộ, ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập TGDĐ chỉ nhận mức lương cả năm là 230 triệu đồng, tương đương 19 triệu đồng/tháng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành TGDĐ là 584 triệu đồng, tương đương 48 triệu đồng/tháng.

Thế Giới Di Động sẵn sàng dẹp bỏ những mô hình kinh doanh không hiệu quả. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Đây có thể xem là mức lương "bèo bọt" với một công ty có doanh số lên đến hơn 100.000 tỉ đồng. Ông Tài đã giữ đúng cam kết với cổ đông, nhưng những quyết tâm tái cấu trúc TGDĐ rất mạnh mẽ.

Nhà sáng lập TGDĐ chấp nhận đóng gần 200 cửa hàng chỉ tính riêng trong quý IV-2023, tham gia vào cuộc đua giảm giá sản phẩm nhằm gia tăng doanh số, giữ chân khách hàng, mà đổi lại biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp, và giảm chi phí một cách tối đa khi sẵn sàng dẹp bỏ những gì không hiệu quả.

Mô hình bán trang sức của Thế Giới Di Động đã phải đóng cửa sau khi thử nghiệm không thành công. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ông Tài cũng được xem là người thực dụng, và chấp nhận phương án thử và sai. Cái gì hiệu quả sẽ nhân rộng, cái gì không hiệu quả sẽ đóng cửa. Bằng chứng, chuỗi cửa hàng Ava Kids mới thành lập 2 năm đạt doanh thu gần 900 tỉ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Cùng thành lập với Ava Kids, nhưng TGDĐ đã đóng cửa chuỗi AVA Fashion (thời trang gia đình), AVA Sport (đồ thể thao) khi không đem lại hiệu quả.

Thực tế, thương hiệu TGDĐ vẫn được đánh giá là hấp dẫn với các đối tác nước ngoài. Điển hình, OPPO đã trao cho TGDĐ việc bán độc quyền dòng điện thoại cao cấp Reno 11 Series mới ra mắt của mình tại thị trường Việt Nam. Hay Xiaomi đã hợp tác với TGDĐ với kỳ vọng bán 1,2 triệu máy điện thoại.

Nhiều đối tác nước ngoài vẫn hợp tác mạnh mẽ với Thế Giới Di Động. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ngoài ra, TGDĐ đang có nhiều thành công khi đầu tư ra nước ngoài. Tại thị trường Indonesia, TGDĐ đã mở được 50 cửa hàng với doanh số vào khoảng 4,5 tỉ đồng/tháng/cửa hàng.

TGDĐ cũng đang đặt tham vọng rất lớn mở rộng chuỗi cửa hàng tại Indonesia vì thị trường tại đây có quy mô dân số gấp 2,7 lần trong khi thu nhập bình quân đầu người gấp 1,15 lần so với thị trường Việt Nam.

Người dân Indonesia mua hàng điện máy tại cửa hàng Thế Giới Di Động. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Nhìn về kế hoạch tái cấu trúc, TGDĐ đặt quyết tâm mạnh mẽ phục hồi kinh doanh. Điều này có thể thấy qua việc năm 2024, Thế Giới Di Động đã đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 125.000 và 2.400 tỉ đồng. Và chỉ khi thực hiện được kế hoạch đặt ra, sếp Thế Giới Di Động mới tăng được lương thưởng.

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-doanh-thu-hang-tram-ngan-ti-nhung-sep-the-gioi-di-dong-nhan-luong-beo-bot-post775183.html