Vì sao đề xuất 'hạ chuẩn' giáo viên dạy lái xe?

Thay vì có bằng trung cấp, tới đây, giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô có thể chỉ cần tốt nghiệp THPT, có GPLX và có số giờ lái xe an toàn theo quy định.

Đã từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Thăng Long (Khánh Hòa) vẫn loay hoay tìm kiếm nguồn nhân lực giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô. Trung tâm của ông có lưu lượng đào tạo hơn 1.200 học viên, tuy nhiên do không tìm được người dạy thực hành, ông đành phải rút xuống dưới 1.000 học viên.

"Trung tâm của tôi cũng như nhiều đơn vị đào tạo khác trong cả nước đang "đau đầu" vì thiếu hụt khoảng 20-30% giáo viên dạy thực hành. Quy định giáo vên dạy thực hành phải có bằng văn hóa trung cấp trở lên khiến các trung tâm khó tăng lưu lượng đào tạo", ông Hải cho hay.

Thiếu 30% giáo viên dạy thực hành

Theo các chuyên gia, việc dạy thực hành lái xe chỉ mang tính chất truyền nghề, cầm tay chỉ việc nên không cần thiết phải có trình độ văn hóa trung cấp.

Nghị định 65/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe quy định: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy.

Tuy nhiên, với tiêu chuẩn này, đa số các chuyên gia và trung tâm đào tạo khẳng định, hiện nay không một giáo viên dạy lái xe thực hành nào đáp ứng được. Vì trong hệ thống nghề đào tạo quốc gia không ngành nghề nào có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái xe ô tô.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, tiêu chí này gây khó trong quản lý, phát sinh tiêu cực, nhiều giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm trong dạy thực hành lái xe nhưng không có bằng trung cấp, bắt buộc họ phải tìm cách hợp thức hóa. Hay cơ sở đào tạo muốn điều kiện được cấp phép hoạt động phải tìm cách lách, đi thuê bằng của người khác, làm phát sinh chi phí, tốn kém cho xã hội.

"Việc bỏ quy định bằng trung cấp sẽ tránh cho cơ sở đào tạo phải đối phó và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy lái xe", ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hải cho rằng, quy định giáo viên dạy thực hành ô tô phải có bằng trung cấp trở lên đã làm nảy sinh tình trạng mua bán bằng cấp giả, thực tế nhiều cơ sở đào tạo đã bị lực lượng chức năng xử lý.

"Để đào tạo được một giáo viên dạy thực hành mất nhiều thời gian. Mỗi năm cả tỉnh mới được vài chục người, chia cho các trường không đáp ứng được bao nhiêu. Trước đây, chỉ quy định giáo viên dạy lái xe có bằng THPT, có bằng lái xe, có chứng chỉ sư phạm. Quay trở lại như trước là phù hợp", ông Hải nói.

Kiến nghị "nới" quy định

Để gỡ khó cho các trung tâm đào tạo lái xe, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65 đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của giáo viên dạy thực hành lái xe là tốt nghiệp THPT, có 50.000km lái xe an toàn trở lên; Có chứng chỉ sư phạm dạy nghề trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên.

Thay vì gắn quá nhiều trách nhiệm cho sở GTVT trong quản lý, kiểm tra, giám sát đào tạo, dẫn đến quá tải, tại lần sửa đổi Nghị định 65 lần này, Bộ GTVT cũng đề xuất nhiều quy định theo hướng phân rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, giáo viên.

Cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, chương trình đào tạo của mình, có đúng, có đủ hay không.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN

Ủng hộ đề xuất này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) cho rằng, việc dạy thực hành lái xe chỉ mang tính chất truyền nghề, cầm tay chỉ việc nên không cần thiết phải có trình độ văn hóa trung cấp. Việc bỏ tiêu chí này không làm giảm chất lượng dạy lái xe ô tô.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, những người đã có trình độ văn hóa trung cấp thường không mặn mà với nghề dạy lái xe ô tô. Điều này dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên dạy thực hành lái xe, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.

Ông Thống cho hay, xét về bản chất, học lái xe ô tô cũng chỉ là học nghề. Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép giáo viên có trình độ trung cấp hoặc công nhân có kỹ năng nghề bậc cao từ bậc 3 trở lên. Thậm chí, người công nhân có kỹ năng nghề cao, không tốt nghiệp THPT vẫn được đi dạy.

Theo ông Thống, trong đào tạo lái xe không có tay nghề bậc cao nên Cục Đường bộ VN đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép hạ tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô theo hướng, từ yêu cầu phải có bằng trung cấp hạ xuống chỉ cần tốt nghiệp THPT, có GPLX, có thâm niên ba năm.

Bên cạnh đó, giáo viên phải qua tập huấn, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Những quy định này đã đảm bảo điều kiện giảng dạy của giáo viên dạy thực hành và đảm bảo tính chặt chẽ, không lo ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Lý giải về lo ngại khó kiểm soát tiêu chí thâm niên lái xe của giáo viên, ông Thống cho hay, việc kiểm soát thâm niên sẽ căn cứ vào thời gian GPLX được cấp. Trước mắt, giáo viên phải chịu trách nhiệm về tính chân thực khi khai báo.

"Cục Đường bộ VN đang xây dựng quy định quản lý lái xe sau đào tạo bằng việc xây dựng phần mềm theo dõi và sẽ biết chính xác. Thêm nữa, tại dự thảo Luật Trật tự ATGT cũng đã quy định xe ô tô phải lắp thiết bị giám sát hành trình, sẽ kiểm soát được số km tích lũy của giáo viên", ông Thống nói.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-de-xuat-ha-chuan-giao-vien-day-lai-xe-192230926003524349.htm