Vì sao con người khác nhau về trí thông minh?

Сác nhà khoa học ở King College London đã phát hiện ra gien gắn kết độ dầy của chất xám trong não với trí thông minh.

Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát vỏ đại não - bộ phận rất quan trọng đối với hoạt động của trí nhớ, sự tập trung, nhận thức, tư duy, các kỹ năng ngôn ngữ và ý thức. Trước đây, họ cũng đã xác định được mối liên hệ khăng khít giữa độ dày của vỏ não với khả năng trí tuệ con người. Song đây là lần đầu tiên đã tìm ra những gien cụ thể chịu trách nhiệm về việc đó.

Các chuyên gia đã phân tích các mẫu ADN và chụp ảnh cộng hưởng từ 1583 trẻ 14 tuổi khỏe mạnh và tiến hành các thí nghiệm đánh giá trí tuệ. Họ đã tách ra được biến thể gien gắn liền với việc liên kết các nơrôn thần kinh với nhau. Điều đó cho phép hiểu được điều gì đã xảy ra khi trí tuệ chậm phát triển.

Các chuyên gia đã phân tích tổng cộng trên 54000 biến thể gien liên quan tiềm tàng đến sự phát triển của não. Từ đó, họ đưa ra kết luận là, đối với những trẻ có biến thể gien nhất định thì có phần vỏ não ở bán cầu não trái mỏng hơn, đặc biệt ở phần thùy trán và thùy thái dương của não, ảnh hưởng tới gien NPTN điều khiển protein chịu trách nhiệm về các khớp thần kinh và sự giao tiếp giữa các tế bào não.

Điều đó đã được khẳng định qua phân tích gien NPTN trong các tế bào não chuột và não người, cho thấy hoạt tính của gien ở bán cầu não trái và bán cầu não phải khác nhau. Bán cầu não trái nhạy cảm hơn với những đột biến gien NPTN.

Tiến sĩ Sylvane Desrivi khẳng định, sở dĩ con người ta chênh lệch nhau về khả năng trí tuệ là do di truyền và môi trường, nhưng cũng một phần là vì chức năng của gien ở một số bộ phận của bán cầu não trái bị hạn chế.

Vũ Ngọc Trâm (Theo Meddaily)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-sao-con-nguoi-khac-nhau-ve-tri-thong-minh-45035.html