Vì sao có những người Iran không muốn đội nhà thắng tuyển Mỹ

Chính quyền Tehran ăn mừng sau chiến thắng lịch sử của tuyển Iran trước xứ Wales, trong khi những người đối lập bất mãn sau trận đấu thứ hai của đội bóng tại World Cup.

 Các cầu thủ Iran nâng huấn luyện viên Carlos Queiroz trong trận thắng xứ Wales. Ảnh: AP.

Các cầu thủ Iran nâng huấn luyện viên Carlos Queiroz trong trận thắng xứ Wales. Ảnh: AP.

Dẫu có những bất đồng thường ngày, người hâm mộ tại mỗi quốc gia thường sẽ đoàn kết để cổ vũ đội tuyển bóng đá mỗi khi thi đấu, đặc biệt trong một giải đấu lớn như World Cup.

Tuy vậy, câu chuyện ở Iran lại khác biệt. Mặc dù Iran là một quốc gia yêu bóng đá, việc đội tuyển tham dự giải đấu ở Qatar đã làm nổi bật sự chia rẽ trong xã hội.

Những người đối lập bày tỏ sự bất mãn với tuyển Iran - đội bóng đang xếp thứ 20 trong bảng xếp hạng FIFA - đặc biệt sau khi đội tuyển hát quốc ca và ăn mừng cuồng nhiệt trong trận thắng xứ Wales.

Những người muốn đội bóng quê nhà thất bại

Soheila, một y tá đã nghỉ hưu 58 tuổi ở Tehran, người ủng hộ các cuộc biểu tình, cho biết mình rất muốn tuyển Iran thua, ngay cả khi đối mặt với tuyển Mỹ - đất nước mà Iran coi là "kẻ thù không đội trời chung", theo Financial Times.

Trong khi con gái Sahar của bà Soheila cùng lập trường với mẹ, bà nói mình sốc khi con trai Hamed lại ủng hộ đội tuyển.

“Tôi chỉ tự hỏi mình đã phạm sai lầm lớn ở đâu khi nuôi dạy nó?”, bà nói. “Khi (thủ môn tuyển Iran Alizera) Beiranvand bị chấn thương mũi trong trận gặp tuyển Anh, tôi chỉ biết cảm ơn đấng tối cao và hy vọng các cầu thủ còn lại cũng đau khổ như cách họ đã làm tan nát trái tim người Iran. Đây là việc một y tá như tôi cay đắng và tức giận”.

Phong trào biểu tình ở Iran bùng phát kể từ khi Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd gốc Iran, 22 tuổi, chết trong bệnh viện khi bị cảnh sát giam giữ hồi giữa tháng 9. “Tội” mà cô phạm phải là không đội khăn trùm đầu đúng cách.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các cuộc đụng độ gần đây giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 305 người, trong đó có 41 trẻ em.

“Làm sao các cầu thủ bóng đá có thể thờ ơ với quá nhiều mất mát ở quê nhà của họ? Tôi đã không vui dù chỉ một giây trong suốt hai tháng qua”, Sahar, một huấn luyện viên yoga tham gia biểu tình, cho biết.

 Cổ động viên Iran mặc áo với thông điệp "Vùng lên cùng phụ nữ Iran" ở ngoài sân Ahmad Bin Ali sau trận đấu với tuyển xứ Wales. Ảnh: AP.

Cổ động viên Iran mặc áo với thông điệp "Vùng lên cùng phụ nữ Iran" ở ngoài sân Ahmad Bin Ali sau trận đấu với tuyển xứ Wales. Ảnh: AP.

Kroush Mohammadi, người đứng đầu Hiệp hội Xã hội học Iran, nhận định những phản ứng như vậy cho thấy mức độ bất đồng cao trong xã hội nước này.

“Khi mọi người nghĩ rằng nhu cầu của họ không được đáp ứng trong bất kỳ lĩnh vực nào, bóng đá cũng được coi là một phần của hệ thống và các cầu thủ cũng bị đánh đồng vào đó", ông Mohammadi nói.

Đội tuyển Iran đã giành được sự khen ngợi của nhiều người ở quê nhà vì đã từ chối hát quốc ca trước trận mở màn với Anh. Ngay cả khi họ thua trận đó với tỷ số 2-6, trận thua tồi tệ nhất trong lịch sử World Cup của đất nước, người ta có thể nghe thấy tiếng cổ vũ từ các căn hộ ở Tehran.

Tuy vậy, cảm xúc đã đảo lộn sau chiến thắng lịch sử 2-0 của Iran trong trước xứ Wales vào hôm 25/11 - chiến thắng đầu tiên của Iran trước một đội châu Âu.

Người hâm mộ được cho là đã tức giận với màn ăn mừng của đội tuyển, bất chấp những lời kêu gọi không ăn mừng trên mạng xã hội. Đội bóng còn thể hiện niềm vui với việc tung huấn luyện viên Carlos Queiroz lên không trung.

Trước đó, chính ông Queiroz bày tỏ sự bất mãn với truyền thông, khi ông và các cầu thủ Iran luôn bị hỏi những vấn đề chính trị. Ông cho rằng những huấn luyện viên đội khác cũng nên được hỏi, không chỉ riêng ông, theo Guardian.

“Tại sao bạn không hỏi Southgate (HLV đội tuyển Anh - PV) rằng: ‘Ông nghĩ gì về việc Anh và Mỹ rút khỏi Afghanistan và bỏ mặc những người phụ nữ?’”, ông hỏi ngược lại phóng viên đài BBC hôm 24/11.

Mắc kẹt

Những người ủng hộ chính phủ đã nắm bắt cơ hội để cổ vũ cho những thành công với tuyển Iran đến từ sự hỗ trợ từ chính quyền, bao gồm cả việc cảm ơn đội tuyển đã hát quốc ca trước trận đấu.

Trong khi đó, CNN hôm 28/11 dẫn một nguồn tin nói rằng gia đình các tuyển thủ Iran đã bị lực lượng cách mạng Hồi giáo (IRGC) cảnh báo sẽ gặp rắc rối nếu các cầu thủ "cư xử không đúng mực", trước trận gặp tuyển Mỹ. Tehran và IRGC chưa bình luận về thông tin này.

 Lực lượng an ninh Iran ở Tehran vẫy cờ mừng chiến thắng của đội tuyển trước tuyển xứ Wales. Ảnh: AP.

Lực lượng an ninh Iran ở Tehran vẫy cờ mừng chiến thắng của đội tuyển trước tuyển xứ Wales. Ảnh: AP.

Cảnh sát chống bạo động và lực lượng an ninh, đã vẫy quốc kỳ của nước cộng hòa Hồi giáo và nhảy theo điệu nhạc Pop mở lớn. Những người bảo thủ - bao gồm cả những phụ nữ mặc đồ đen trùm kín, hiếm khi được nhìn thấy tại những sự kiện như vậy - cũng xuất hiện.

Samira, một phụ nữ 22 tuổi, nói rằng cô và những người bạn đã ra đường mà không quấn khăn trùm đầu (hijab), điều bắt buộc với phụ nữ Iran.

"Lực lượng an ninh tiến về phía chúng tôi mà không phản đối việc không quấn hijab và hỏi vì sao chúng tôi không nhảy", cô chia sẻ. "Tôi hỏi lại kể từ lúc nào việc nhảy múa ở nơi công cộng được cho phép? Chúng tôi thấy rùng mình về cách họ lợi dụng bóng đá".

Người biểu tình đốt xe sau trận thua sốc của Bỉ tại World Cup Hàng chục người biểu tình đã đốt cháy một chiếc ôtô và ném gạch vào nhiều chiếc xe khác trên đường phố thủ đô Brussels, sau thất bại bất ngờ của Bỉ trước Morocco vào ngày 27/11.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-co-nhung-nguoi-iran-khong-muon-doi-nha-thang-tuyen-my-post1380074.html