Vì sao 'chuyến tàu địa ngục' không dễ gì biến mất ở Hàn Quốc

Với nhiều người Hàn, đi tàu điện ngầm vào giờ cao điểm ở Seoul là cơn ác mộng. Trong những chuyến đi này, hành khách tại các sân ga xô đẩy và cố chen lên toa tàu đã chật cứng.

Đó là lý do tàu điện ngầm trong giờ cao điểm thường được gọi là “chuyến tàu địa ngục”, theo The Korea JoongAng Daily.

Mức độ tắc nghẽn rất cao đang khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt sau khi 2 hành khách bất tỉnh trong toa tàu trên tuyến Gimpo Gold nối thành phố Gimpo với nhà ga sân bay Quốc tế Gimpo ở quận Gangseo, phía tây Seoul vào tháng 4.

Hơn 150 báo cáo liên quan đến an toàn trên tuyến tàu này được ghi nhận kể từ khi nó đi vào hoạt động từ tháng 9/2019.

Chính phủ và các nhà điều hành tàu điện ngầm ở Hàn Quốc đang gấp rút đưa ra biện pháp để giải quyết vấn đề, bao gồm cung cấp thêm xe buýt chạy cùng tuyến, nhưng chưa chắc có thể dẹp bỏ những “chuyến tàu địa ngục” này.

Quá tải

Chính quyền thành phố Gimpo phải chịu trách nhiệm vì không dự đoán được vấn đề quá tải và thiết kế các nhà ga của tuyến quá hẹp. Quyết định này được đưa ra dưới áp lực của ngân sách eo hẹp, với kế hoạch ban đầu là xây dựng 4 toa tàu di chuyển trên tuyến cuối cùng bị loại bỏ.

Dân số thành phố cũng tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 238.000 người năm 2010 lên 510.000 người vào tháng 1/2023, làm gia tăng áp lực cho người sử dụng tàu điện ngầm Gimpo.

“Thật khó để lên Gimpo Gold trong giờ cao điểm. Ngay cả khi ở trên tàu, tôi vẫn bị xô đẩy đến ngạt thở. Đôi khi tôi cảm thấy như mình thậm chí không thể thở bình thường”, nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30 cho biết.

Mật độ trung bình trên các toa tàu của Gimpo Gold có thể tăng trung bình lên tới 280%, trong khi sức chứa của một toa tàu (60,84 m2) là 160 người.

Không giống như hầu hết tuyến tàu điện ngầm đô thị do các tổ chức chính phủ quản lý, tuyến Gimpo Gold do công ty tư nhân vận hành. Đây được coi là yếu tố góp phần quan trọng dẫn đến tình trạng hoạt động tồi tệ do thiếu nguồn lực.

Các cơ quan liên quan, bao gồm chính quyền thành phố Gimpo, đang khẩn trương đưa ra biện pháp để giải quyết vấn đề quá tải, chẳng hạn như lên lịch thêm xe buýt cho cùng tuyến đường vào tháng 5.

Tuy nhiên, số lượng hành khách sử dụng tàu điện ngầm chỉ giảm 3,5% trong tuần cuối cùng của tháng 5 sau khi những chiếc xe buýt này bắt đầu hoạt động.

Ga sân bay Gimpo trên tuyến tàu điện ngầm Seoul số 9 đông nghẹt hành khách tháng 11/2022. Ảnh: Yonhap.

Gimpo Gold không phải tuyến tàu điện ngầm duy nhất phải đối mặt với tình trạng quá tải trong giờ cao điểm.

Tuyến số 9, do Seoul Metro vận hành, có tỷ lệ tắc nghẽn tăng trung bình lên tới 150%. Tuyến số 2 cũng rất đông đúc vào giờ cao điểm.

Theo cổng dữ liệu Insfiler, trung bình có 10.597 người lên xuống ga Shillim trên tuyến này vào tháng 4 trong khoảng 8-9h - khung giờ bận rộn nhất tại nhà ga. Tiếp đó là khung 18-19h.

Trên thực tế, tàu điện ngầm là hệ thống giao thông được công chúng ưa chuộng nhất vào năm 2021, theo chính quyền thành phố Seoul. Mọi người đi tàu điện ngầm trung bình 4,61 triệu lượt/ngày.

Mạng lưới tàu điện ngầm rộng khắp ở Seoul có thể là lý do. Khoảng 23 tuyến tàu điện ngầm khác nhau đi khắp Seoul và kéo dài vào thành phố từ các khu vực đô thị lân cận như Incheon, Gyeonggi.

Mạng lưới này bao gồm các tuyến từ số 1 đến 9 và các tuyến khác. Tàu điện ngầm trên các tuyến này hầu hết hoạt động từ 5h30 đến 0h hôm sau hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào ngày nào trong tuần.

Tàu điện ngầm ở Seoul được khen ngợi là một trong những phương thức vận chuyển tốt nhất trên thế giới, đặc biệt khi nói đến cơ sở vật chất, dịch vụ và giá vé.

Yize Huang, sinh viên Trung Quốc 22 tuổi, cho biết: “Tôi nghĩ một trong những tính năng tốt nhất của tàu điện ngầm Seoul là hệ thống chuyển tuyến. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy hành khách không cần phải trả thêm tiền khi chuyển từ tàu điện ngầm sang xe buýt và ngược lại”.

“Xét về giá vé, tôi nghĩ đắt hơn một chút so với Trung Quốc, nhưng rẻ hơn nhiều so với Nhật Bản”, Huang nói thêm.

Sân ga Sindorim trên tuyến 1 và 2 của Seoul Metro vào giờ cao điểm buổi sáng tháng 11/2022. Ảnh: Yonhap.

Giá vé cơ bản để đi tàu điện ngầm ở Seoul là 1.250 won (0,9 USD) nếu thanh toán bằng thẻ giao thông hoặc thẻ tín dụng. Mức này không thay đổi trong gần 8 năm kể từ khi tăng thêm 200 won vào tháng 6/2015.

Giá vé thông thường ở Tokyo (Nhật Bản) bắt đầu từ 180 yen (1,3 USD) cho 6 km đầu tiên, theo Tokyo Metro. Với cùng khoảng cách, giá vé tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) bắt đầu từ 3 nhân dân tệ (0,4 USD), theo Travel China Guide.

Vé tàu điện ngầm của Seoul từ lâu là gánh nặng khi chính quyền thành phố phải chịu thua lỗ do giá tương đối thấp. Seoul Metro, công ty vận hành hầu hết tuyến tàu điện ngầm trong thành phố, phải đối mặt với khoản nợ gần 1.000 tỷ won trong 2 năm qua.

Chính quyền thành phố Seoul thông báo tăng giá vé tàu điện ngầm thêm 300 won vào tháng 4 vừa qua, nhưng động thái này bị đẩy sang nửa cuối năm. Việc tăng giá vé thêm 300 won sẽ giảm khoản lỗ 316,2 tỷ won, trong khi tăng 400 won sẽ giảm lỗ 421,7 tỷ won.

Không an toàn tuyệt đối

“Đối với tôi, thật ấn tượng khi thấy có rất nhiều cửa hàng bán quần áo và phụ kiện với giá rẻ trên đường ra tàu điện ngầm”, Han (25 tuổi), người Hàn Quốc từng sống ở Trung Quốc và Mỹ, cho biết.

Trung tâm mua sắm ngầm lớn nhất Hàn Quốc là Goto Mall kết nối các tuyến tàu điện ngầm Seoul số 3, 7, 9 tại trạm xe buýt tốc hành và có ít nhất 620 cửa hàng.

Khi lên tàu, hành khách cũng có thể lựa chọn toa với các mức điều hòa khác nhau.

Người phát ngôn của Seoul Metro cho biết: “Chúng tôi nhận được khoảng 570.000 khiếu nại từ hành khách về nhiệt độ trên các toa tàu vào năm 2022. Vì mỗi người có cảm nhận khác nhau, chúng tôi khuyên những ai thấy lạnh chuyển sang toa có điều hòa nhẹ”.

Hầu hết tuyến tàu đều có 2 toa bật điều hòa không quá lạnh. Với tuyến số 1, 3, 4, toa thứ 4 và 7 thường được dán nhãn này.

Có thể truy cập Internet là điều tiện lợi khác khiến nhiều người sử dụng tàu điện ngầm. Dịch vụ Wi-Fi công cộng có trên các tàu điện ngầm ở Seoul từ năm 2011.

Người hành khách cảm thấy nghẹt thở khi chen chúc trên tàu điện ngầm ở Seoul. Ảnh: Ock Kee-won/Hani.

Đối với những người cần hỗ trợ khi di chuyển, như người lớn tuổi và trẻ em, sẽ có nơi dành riêng cho họ. Khoảng 30% ghế có trên tàu điện ngầm ở Seoul thuộc số này, bao gồm chỗ dành riêng cho phụ nữ mang thai. Chúng được phân biệt bằng màu hồng ở mỗi đầu hàng ghế.

Hành khách được khuyến cáo để trống những ghế này, ngay cả khi không có phụ nữ mang thai ngồi vào.

Mặc dù có tất cả dịch vụ và hệ thống kể trên, tàu điện ngầm vẫn là nơi xảy ra một số vụ tai nạn và tội phạm nghiêm trọng.

Tháng 9/2022, Jeon Joo-hwan, cựu nhân viên Seoul Metro, sát hại nữ đồng nghiệp tại ga Sindang ở Seoul khiến người dân lo lắng vì tuyến số 2, nơi có nhà ga, được sử dụng thường xuyên nhất.

“Ít nhất 2 nhân viên cùng nhau tuần tra các sân ga sau vụ giết người thảm khốc ở ga Sindang”, người phát ngôn của Seoul Metro cho biết.

Số vụ phạm tội trên tàu điện ngầm ở Seoul đạt 2.890 vào năm 2022, tăng mạnh so với 667 vào năm 2020, mức thấp mới do đại dịch, theo Seoul Metro.

Các bộ phận của hệ thống tàu điện ngầm cũng phát triển sau khi rút ra bài học từ một số tai nạn chết người.

Cửa chắn sân ga được lắp đặt trong các tàu điện ngầm trên khắp Hàn Quốc từ năm 2004, sau khi một phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong vì bị hành khách khác đẩy tại ga Hoehyeon trên tuyến số 4 và bị đoàn tàu đang chạy tới đâm phải.

Ghế ngồi trên các chuyến tàu điện ngầm hiện cũng được làm bằng vật liệu chống cháy, như thép không gỉ, sau khi một kẻ cố ý phóng hỏa chuyến tàu điện ngầm Daegu Metro vào năm 2003, khiến 192 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, những tai nạn nhỏ vẫn tiếp tục xảy ra.

Hôm 8/6, khoảng 14 người bị thương sau khi thang cuốn đột ngột đảo chiều tại ga tàu điện ngầm trên tuyến Bundang ở tỉnh Gyeonggi vào giờ cao điểm buổi sáng.

Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc, đơn vị vận hành tuyến tàu điện ngầm đô thị, xin lỗi về sự cố và hứa đưa ra các biện pháp ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-chuyen-tau-dia-nguc-khong-de-gi-bien-mat-o-han-quoc-post1438730.html