Vì sao chuyện giải phóng mặt bằng vẫn nóng?

KTĐT - Giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là giai đoạn khó khăn nhất đối với mỗi dự án và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người làm đau đầu các cơ quan chức năng.

Trong thời gian qua, các chủ đầu tư cùng với chính quyền địa phương đã tích cực hợp tác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối với người dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, các biện pháp đó không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Đầu năm bàn lại câu chuyện cũ này với mong muốn là "cởi" được những "nút thắt" trong cơ chế để có thể tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và thuận lợi cho các đơn vị thực thi. Cuối năm 2010, các ngành chức năng huyện Từ Liêm đã đồng loạt thực hiện cưỡng chế GPMB tại một số dự án trọng điểm, trong đó có những dự án triển khai từ các năm 2005 - 2006 mà vẫn chưa thể làm dứt điểm. Nguyên nhân chính của tình trạng này do người dân khiếu kiện về mức đền bù chưa thỏa đáng. Ví như cùng một dự án, nhưng nếu các phương án GPMB được xây dựng từ năm 2007 sẽ thấp hơn hẳn đối với những phương án xây dựng từ 1/1/2008 bởi giá đền bù đã được thay đổi. Có khi hai diện tích đất nằm ngay cạnh nhau, nhưng một bên chỉ nhận về vài chục triệu đồng, bên kia lại nhận đến cả trăm triệu đồng, thậm chí còn được nhận thêm cả đất dịch vụ. Rõ ràng Nhà nước và Thành phố hàng năm đều có sự điều chỉnh khung đền bù theo hướng có lợi cho nhân dân, tuy nhiên không tránh khỏi sự mất cân bằng trong cùng một dự án. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó ban GPMB huyện Từ Liêm cho biết dù các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng có ít dự án khi triển khai suôn sẻ. Bên cạnh sự thay đổi của cơ chế, chính sách thì việc trình tự thực hiện dự án có thay đổi cùng với nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân cũng dẫn đến nhiều vướng mắc. Như trước kia, một dự án nhất thiết phải có quyết định thu hồi đất, nhưng bây giờ "mở hơn"với một số dự án là chỉ cần có chấp thuận đầu tư của cơ quan chức năng cũng có thể làm cơ sở thực hiện các trình tựtiếp theo. Tuy nhiên, người dân lại cho rằng như thế là không đúng theo quy định nên bất hợp tác, không chịu đối thoại với đơn vị GPMB. Cũng theo bà Liên, một dạng khác thường xảy ra khiếu nại với hai dự án liền kề với hai chủ đầu tư khác nhau. Một chủ đầu tư có tiềm lực tài chính hơn nên ngoài phần "cứng" còn hỗ trợ thêm rất nhiều cho người dân bị mất đất. Điều này là tốt, tuy nhiên lại dẫn đến sự mất cân bằng khi người dân ở dự án kia có sự so sánh "tại sao đất của tôi lại được đền bù ít hơn so với thửa ruộng bên cạnh mặc dù tình trạng hai bên là như nhau". Điều này gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan Nhà nước khi triển khai nhiệm vụ. Những nguyên nhân, vướng mắc trong GPMB đều đã rõ và đều được nêu lên rất nhiều tại các hội nghị tổng kết về công tác này. Tuy nhiên cởi gỡ thế nào để tạo sự đồng thuận cho người dân, tránh khiếu kiện mới là vấn đề cần giải quyết để câu chuyện giải phóng mặt bằng sẽ bớt "nóng" hơn. Hà Minh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=47&newsid=279782