Vì sao chưa khởi tố vụ án?

(PL&XH) - Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại tòa nhà CT10, chung cư Đại Thanh đã trôi qua gần một tuần, nhưng đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Sau vụ tai nạn khiến 3 công nhân thiệt mạng xảy ra ngày 18-5 tại tòa nhà CT10, khu đô thị Đại Thanh, trả lời báo chí vào chiều 23-5, ông Bạch Quốc Việt- Trưởng Phòng An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến 3 công nhân tử vong là do chiếc lồng sắt của thiết bị vận thang bị mất phanh và rơi tự do. Cũng theo ông Việt: Đối với máy vận thang này nằm trong danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Sau sự cố tai nạn lao động xảy ra, đoàn kiểm tra đã xuống hiện trường vào ngày 21-5 nhưng Cty CP đầu tư Hải Phát (đơn vị thi công) không cung cấp được tài liệu và hồ sơ chứng minh được thiết bị kiểm định kỹ thuật an toàn.

“Thay vì khắc phục hậu quả đồng thời làm rõ nguyên nhân thì doanh nghiệp lại cố tình che đậy vụ việc, không khai báo tới các cơ quan chức năng và xóa sạch hiện trường vụ tai nạn. Dù trước đó, CA huyện Thanh Trì và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội yêu cầu giữ nguyên hiện trường nhưng sau ngày thứ ba, đoàn kiểm tra đến thì hiện trường đã bị xóa sạch” - ông Việt cho hay.

Cũng theo ông Việt: “Tôi có thể khẳng định thiết bị này trước khi đưa vào sử dụng chưa được khai báo và kiểm định từ các cơ quan chức năng. Sau 3 ngày sự việc xảy ra, vào ngày 21 và 22-5, đoàn kiểm tra gồm Phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), CATP Hà Nội, CA huyện Thanh Trì, Viện Khoa học hình sự, tiến hành khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng trong quá trình đoàn kiểm tra xuống làm việc đã không nhận được sự hợp tác, đơn vị thi công quanh co, không trung thực và không đưa ra được bất cứ một tài liệu nào chứng minh thang máy đã được kiểm định an toàn”.

Trong thời gian tới, đoàn điều tra nguyên nhân vụ tai nạn lao động sẽ đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Được biết: Tòa nhà CT10 thuộc dự án khu đô thị Đại Thanh do Cty Xây dựng tư nhân số I Lai Châu làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Cty CP đầu tư Hải Phát.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Đình Triển- Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân phân tích: Đối với hạng mục thang máy xây dựng, khi nhập khẩu, Nhà nước khuyến khích không chịu thuế nhập khẩu, nhằm trang bị phương tiện để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đơn vị nào sở hữu thang máy đó để xây dựng phải có trách nhiệm đảm bảo kỹ thuật, độ an toàn cả về tài sản cũng như con người. Việc xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đó dù vô ý hay cố ý đều có lỗi của chủ thang máy, sự kiện khiến 3 người chết thảm đó thì các lực lượng chức năng như Thanh tra lao động cần thanh tra có đảm bảo an toàn lao động không, hơn nữa, Thanh tra Nhà nước về xây dựng cũng phải tiến hành xem xét đơn vị thi công sử dụng các công cụ như vậy có đúng tiêu chuẩn của Nhà nước hay không? Đối với CQCA, cần xác minh điều tra xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm không?

Luật sư Trần Đình Triển cũng nêu quan điểm: Theo tôi, trong vụ việc này đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm vô ý làm chết người do những việc không đảm bảo an toàn lao động cũng như phương tiện để đảm bảo cho việc xây dựng. Về phía các cơ quan chức năng có làm hết thẩm quyền hay không thì cần xem xét, có thể do tính chất phức tạp nên còn phải chờ kết luận về mặt kỹ thuật, hay bảo hộ lao động… nên chưa thể đưa ra kết luận một cách vội vàng được!

Lê Hoàng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130525081455843p0c1002/vi-sao-chua-khoi-to-vu-an.htm