Vì sao cầu thủ Nhật xuất hiện nhiều tại Bundesliga?

Nếu như các nhà chuyên môn trong làng bóng Nhật không thấy hết tiềm năng của Shinji Kagawa để phải mang tiếng nhờ Borussia Dortmund phát hiện giúp, thì đấy cũng chỉ là điều bình thường. Cầu thủ không có suất dự World Cup 2010 ấy đã tỏa sáng ở Bundesliga dưới màu áo Dortmund, rồi trở về khoác áo đội Nhật, góp công quan trọng giúp đội tuyển này vô địch Asian Cup 2011.

Nhưng bóng đá Nhật không chỉ có Kagawa. Tại đấy còn có Shinji Okazaki, và Okazaki cũng xuất sắc không kém Kagawa trong hành trình vô địch Asian Cup 2011. Khác biệt ở chỗ: giới hâm mộ Nhật không ai không biết ngôi sao Okazaki với 41 lần khoác áo ĐTQG. Bây giờ, Okazaki là cầu thủ Nhật thứ 6 gia nhập Bundesliga kể từ sau World Cup 2010. Anh đã gia nhập Stuttgart trong đợt chuyển nhượng mùa đông vừa qua. Ngoài Okazaki và Kagawa, Bundesliga còn có Atsuto Uchida (Schalke), Kisho Yano (Freiburg), Tomoaki Makino (Cologne) và Hajime Hosogai (Leverkusen). Xin nhắc lại: đấy chỉ là những cầu thủ Nhật gia nhập Bundesliga sau World Cup 2010. Loại ngôi sao Nhật sang Đức từ trước World Cup, như Makoto Hasebe, chúng ta còn chưa nhắc đến. Nhìn lại danh sách đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2011, giới quan sát ngạc nhiên khi thấy không có bất cứ CLB nào ở giải J-League đóng góp tuyển thủ quốc gia nhiều như lực lượng trở về từ giải Bundesliga của Đức. Vì sao các tuyển thủ Nhật bỗng nhiên xuất hiện tràn ngập ở Đức? Trên bề mặt, tạp chí thể thao Nhật Number lý giải: “Các CLB Đức biết rằng nước Nhật hiện có rất nhiều tài năng bóng đá mà họ có thể khai thác gần như miễn phí”. Xin nhấn mạnh chi tiết “gần như miễn phí”! Nguyên nhân sâu xa hơn, cũng theo tờ Number: đấy là đặc điểm “quyền lực thuộc về cầu thủ” của bóng đá Nhật. Nói thế vẫn chưa đủ. Các CLB Nhật luôn có sự nhất trí rất cao trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngôi sao bóng đá của họ chuyển sang châu Âu thi đấu. Cái lợi chung sẽ thuộc về bóng đá Nhật khi các cầu thủ Nhật dễ dàng chuyển sang châu Âu thi đấu. Nhiều người đã biết: Dortmund chỉ mất 350.000 euro để có Kagawa. Thật ra, giới thạo tin ở Nhật lại không xem đấy là phí chuyển nhượng. Trong mắt họ, đấy chẳng qua là khoản “tiền tip” mà Dortmund trả cho CLB Cerezo Osaka, theo danh nghĩa là giúp đội này chút chi phí phát hiện các tài năng mới. Sự thật là Kagawa vừa gia hạn hợp đồng với Cerezo ngay trong năm 2010, nhưng anh chuyển sang Dortmund một cách dễ dàng vì trong hợp đồng có điều khoản quy định anh sẽ được gia nhập một đội châu Âu theo dạng chuyển nhượng tự do, nếu có lời mời. Dortmund thậm chí đâu cần chi ra 350.000 euro để có Kagawa! Yano cũng có điều khoản tương tự trong bản hợp đồng với Albirex Niigata, và anh dễ dàng gia nhập Freiburg. Hasebe chuyển sang Wolfsburg trước đây cũng vậy. Leverkusen, Cologne, Stuttgart đều không mất tiền khi tuyển mộ Hosogai, Makino, Okazaki. Chỉ có Schalke là phải trả cho Kashima Antlers hơn 1 triệu euro để có Uchida. Vấn đề là ở chỗ: vì sao chỉ có các CLB Đức biết rõ đặc điểm “quyền lực thuộc về cầu thủ” trong làng bóng Nhật, biết rõ hợp đồng của đa số các ngôi sao Nhật đều có quy định cho phép họ tự do chuyển sang châu Âu ngay khi nhận được lời mời? Có thể Bundesliga, với một sự hạn chế nhất định về mặt tài chính, đặt nặng vấn đề tiền bạc khi chiêu mộ lực lượng hơn các đội nhà giàu ở Anh hoặc Tây BanNha. Nhưng nguyên nhân chính nằm ở giới đại diện. Đầu mối chính để các CLB Đức liên hệ với giới bóng đá Nhật là cựu cầu thủ Dortmund Thomas Kroth, Giám đốc điều hành của công ty đại diện Pro Profil. Trước đây, Kroth đã đưa ngôi sao Đức Pierre Littbarski sang Nhật khoác áo Kashiwa Reysol trong mùa giải đầu tiên của J-League, năm 1993. Bây giờ, ông lại đưa các ngôi sao Nhật như Kagawa sang Đức. Cũng không đợi đến bây giờ. Kroth đã từng đưa Shinji Ono, Naohiro Takahara, Junichi Inamoto, Yoshito Okubo sang Đức từ nhiều năm trước. Không phải ngẫu nhiên mà Jong Tae-se, ngôi sao duy nhất được biết đến một cách rộng rãi trong đội tuyển CHDCND Triều Tiên, hiện cũng chơi bóng ở Đức. Jong Tae-se khoác áo CHDCND Triều Tiên tại World Cup 2010 chẳng qua là theo nguồn gốc. Cầu thủ này thật ra sinh trưởng ở Nhật, mang tên Nhật là Chong Tese. Anh khoác áo Kawasaki Frontale ở giải J-League trước khi sang Đức khoác áo Bochum trong mùa bóng này. Jong Tae-se cũng coi như thuộc thị trường Nhật. TIỂU QUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/2011/2/250267/