Vì sao cần có khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen?

Công nghệ chỉnh sửa gen trên thực vật với ưu điểm nổi bật là tạo ra những tính trạng mong muốn dựa vào gen nội sinh của cây trồng (tức là hoàn toàn không có gen ngoại lai) hứa hẹn thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có quy định về cây trồng chỉnh sửa gen và điều này có thể làm chậm lộ trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Công nghệ chỉnh sửa gen khác công nghệ chuyển gen ra sao?

Phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong những nơi ghi nhận thành công đầu tiên trong công tác nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen thực vật ở Việt Nam.

TS. Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, cho biết, thông qua hợp tác với các viện, đại học lớn của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Bỉ, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công công nghệ chỉnh sửa gen trên cây đậu tương, lúa, cà chua, thuốc lá và dưa chuột. Nhiều sản phẩm triển vọng đang được đánh giá ở giai đoạn nhà lưới, nhà kính có kiểm soát an toàn sinh học để hướng tới ứng dụng trong tương lai.

Các nhà khoa học thảo luận tại hội nghị “Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững”. Ảnh: Lê Phạm

Theo TS. Đỗ Tiến Phát, điểm nổi bật của công nghệ chỉnh sửa gen đang được sử dụng là các tính trạng mong muốn được tạo ra bằng cách hoàn toàn dựa vào gen nội sinh của cây, không sử dụng biện pháp đưa gen ngoại lai vào. “Tức là cây trồng chỉnh sửa gen không mang gen ngoại lai. Điều này giúp tránh được những quan ngại lâu nay về cây trồng chuyển gen (hay còn gọi là biến đổi gen - GMO) mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy cây trồng chuyển gen ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, động vật, môi trường và đa dạng sinh học”, vị chuyên gia này cho biết.

Trên thế giới, những cây trồng được ưu tiên chọn tạo và cải tiến bằng công nghệ chỉnh sửa gen gồm các loại ngũ cốc như lúa gạo, ngô, lúa mỳ, đậu tương và loại cây lương thực khác như cà chua, sắn, bông, khoai tây, cây có múi… Số lượng tính trạng sửa gen nhằm cải thiện chất lượng cây trồng (về thành phần và mùi vị) chiếm nhiều nhất với gần 50% các tính trạng được nghiên cứu. Tiếp đến là các tính trạng kháng sâu bệnh, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật và những tính trạng khác như: chống chịu áp lực môi trường, thay đổi màu sắc, cải thiện năng suất, tuổi thọ, tăng trưởng...

Tháng 4 vừa qua, tại Quy Nhơn, Bình Định, Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành phối hợp tổ chức hội nghị “Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật - Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững”. Tại đây, các chuyên gia hàng đầu thế giới đặc biệt nhấn mạnh những tính trạng nổi bật mà công nghệ chỉnh sửa gen tạo ra cho cây trồng, đó là cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận.

“Các sản phẩm chỉnh sửa gen có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện nguồn cung dinh dưỡng, giúp bảo tồn môi trường và tài nguyên tốt hơn và góp phần đảm bảo an ninh lương thực”, GS. Masaki Endo, Viện Nông Sinh học, Nhật Bản nói. Bà cho biết thêm, rất nhiều người Nhật Bản sử dụng cà chua chỉnh sửa gen GABA - cây trồng chỉnh sửa gen đầu tiên được thương mại ở Nhật Bản. “Họ nói hương vị của loại cà chua này rất ngon - nếu sản phẩm này tốt cho sức khỏe thì chắc chắn họ sẽ lựa chọn sử dụng”.

Theo GS.TS. Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, công nghệ chỉnh sửa gen là công cụ mới giúp tạo ra các giống cây trồng có được những tính trạng mà người sử dụng, người tiêu dùng mong muốn. Công nghệ này có rất nhiều lợi thế so với công nghệ chuyển gen, cụ thể là: thời gian tạo ra các giống cây trồng có tính trạng mong muốn ngắn hơn và dễ ứng dụng vào sản xuất hơn do tránh được những nghi ngại liên quan đến gen ngoại lai.

“Thế giới trong 10 năm qua phát triển công nghệ chỉnh sửa gen và trong 2 - 3 năm gần đây, tốc độ tạo ra giống cây trồng chỉnh sửa gen, công bố được phép lưu hành rất nhanh. Tôi hy vọng thời gian tới, công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi trong công tác chọn tạo giống cây trồng mới ở nước ta”, GS.TS. Phạm Văn Toản nói.

Lợi ích cho nhiều bên

Với những ưu điểm nổi bật, cây trồng chỉnh sửa gen hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại lợi ích cho nhiều bên. Công nghệ chỉnh sửa gen giúp cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng sản lượng và chất lượng nông sản, từ đó cải thiện sinh kế và lợi nhuận cho nông dân. Với người tiêu dùng, công nghệ này mang lại nguồn thực phẩm dinh dưỡng, an toàn và chất lượng tốt hơn. Lợi ích với môi trường có thể kể đến tiết kiệm nguyên liệu đầu vào (đất, nước, vật tư nông nghiệp), bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã hoàn thiện hướng dẫn pháp lý với cây trồng chỉnh sửa gen, đi đầu là các quốc gia phát triển ở châu Mỹ, Australia. Cập nhật từ hội nghị “Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật - Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững” cho thấy, châu Á đi sau nhưng lại có tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Bằng chứng là số lượng các nghiên cứu của châu Á và đặc biệt tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Rất nhiều nước châu Á đã hoàn thiện khung pháp lý cho các loại cây trồng này, coi đây là giải pháp canh tác quan trọng trong chiến lược phát triển của từng quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu dự hội nghị “Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững”. Ảnh Lê Phạm

Xu hướng chung trong hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc châu Mỹ và châu Á là cởi mở và có tính dự báo để thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ mới; đồng thời dựa trên đánh giá khoa học để bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường. Các quốc gia này đều đưa ra những khái niệm và phân loại cụ thể đối với các loại cây trồng chỉnh sửa gen. Theo đó, nếu cây trồng chỉnh sửa gen cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được xem xét đánh giá và quản lý như cây trồng truyền thống.

Đối với châu Âu, từ chỗ không cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gen, hiện nay Ủy ban châu Âu đã bắt đầu đề xuất thay đổi chính sách quản lý theo xu hướng chung của thế giới. Một số nước quốc gia tại châu Phi cũng đã hoàn thiện hướng dẫn pháp lý hoặc đang đệ trình đề xuất quản lý pháp lý với cây trồng chỉnh sửa gen.

Hiện tại, ở Việt Nam, đường đi của cây trồng chuyển gen từ phòng thí nghiệm đến ứng dụng vào thực tế sản xuất vẫn rất gập ghềnh. GS.TS. Phạm Văn Toản cho biết, nước ta hiện đã hoàn tất các định hướng và cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học - coi đây là một giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy vậy cho tới nay vẫn chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể cho việc đánh giá và quản lý cây trồng chỉnh sửa gen. “Vì chưa có cơ sở pháp lý nên các nhà khoa học như chúng tôi chưa thể đưa giống cây trồng chỉnh sửa gen vào sản xuất và thương mại hóa nghiên cứu của mình”, TS. Đỗ Tiến Phát nói.

Chậm đưa ra hướng dẫn pháp lý với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia đang kỳ vọng sớm có các quy định với cây trồng chỉnh sửa gen để tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm này tại thị trường trong nước.

“Chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý có cái nhìn rõ ràng hơn ở góc độ khoa học và sản xuất để giúp các nhà khoa học nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thực tế, phục vụ cộng đồng”, TS. Đỗ Tiến Phát chia sẻ. “Nếu chúng ta thống nhất và coi một số trường hợp của chỉnh sửa gen tương tự như đột biến bằng các biện pháp hóa lý truyền thống thì việc áp dụng sẽ nhanh hơn rất nhiều”, GS.TS. Phạm Văn Toản nói.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc/vi-sao-can-co-khung-phap-ly-cho-cay-trong-chinh-sua-gen-i372241/