Vì sao bạn ngại từ chối?

Hầu hết những tâm lý ngại từ chối đều bị đánh bại bởi tính cả nể.

Từ chối là gì?

Có người nói rằng, trên đời này người cả nể luôn chịu đựng quá nhiều, sống quá mệt mỏi, một khi từ chối người khác thì sẽ có cảm giác như bản thân đã phạm sai lầm. Thật ra bạn không sai, từ chối là quyền tự do của bạn.

Trong các mối quan hệ thường ngày của chúng ta, sẽ luôn có những người có nhu cầu với bạn, dù là khéo léo, đáng thương hay mạnh mẽ, cũng sẽ luôn có những người muốn lợi dụng sự cả nể của bạn, làm khó lòng tốt của bạn, khiến bạn cảm thấy khó chịu song lại ngại không vạch trần anh ta.

Rất nhiều lúc đối mặt với những người như vậy, vì giao tình bạn sẽ không nỡ từ chối, nhất là khi đối phương cứ lặp đi lặp lại những yêu cầu của họ, thậm chí một lời từ chối lịch sự cũng sẽ khiến bạn cảm thấy mình không thấu tình đạt lý. Tuy nhiên khi chính điều đó khiến bạn khó xử, bạn lại hối hận, tại sao tôi không từ chối ngay từ đầu chứ?

 Ảnh minh họa. Nguồn: Allan Mas/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Allan Mas/Pexels.

Thật ra, khi bạn cảm thấy không thoải mái trước những yêu cầu của người khác, cách tốt nhất bạn có thể bảo vệ mình chính là từ chối.

Nếu không biết cách từ chối, bạn sẽ rơi vào mớ cảm xúc rối bời không thể giải quyết và đẩy bản thân vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thật ra những điều không thể không từ chối kia rất phổ biến, thế mà những giao tình bị hủy hoại vì nó vốn không hề nhiều. Ngược lại, những người tự làm khó mình càng dễ gây ra hiểu lầm cho đối phương, thậm chí dẫn đến rạn nứt mối quan hệ của đôi bên.

Nếu việc từ chối yêu cầu của đối phương khiến bạn bất an, nhưng việc đồng ý lại mang đến cho bạn nhiều rắc rối không cần thiết, thậm chí là áp lực rất lớn, bạn sẽ tiếp tục giúp đỡ anh ta, hay kiên quyết từ chối anh ta?

Trong Tâm lý học từ chối, trạng thái tâm lý không thể từ chối, cũng không thể tự do đưa ra ý kiến, sợ bị người khác từ chối được gọi là “nhạy cảm khi bị từ chối”, tuy nhiên, những người có kiểu tính cách này dường như có mối quan hệ xã hội đặc biệt tốt, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác đến mức có tiếng thơm, người xung quanh đều thích “làm phiền” họ.

Thực tế, họ thường xuyên nuốt ngược những đắng cay vào trong, khi oán trách bản thân quá cả nể thì đồng thời họ cũng hình thành nỗi ám ảnh sợ xã hội về việc “chịu khổ để giữ thể diện”.

Vì sao rõ ràng bạn rất phản kháng, cũng biết rõ mình nên từ chối, vậy mà khi gặp phải yêu cầu của đối phương, bạn vẫn lựa chọn thỏa hiệp?

Hầu hết những tâm lý ngại từ chối đều bị đánh bại bởi tính cả nể.

Việc phải chịu đựng khi thấy không thoải mái, bản thân chịu ấm ức để giúp người khác đạt được mục đích đã trở thành vấn đề chung của rất nhiều người, họ sẽ luôn cảm thấy những đạo lý đối nhân xử thế là điều không thể tránh khỏi trong giao tiếp, từ chối sẽ khiến bản thân như trở thành người không thấu tình đạt lý, đối phương sẽ bị tổn thương.

Do vậy, khi gặp việc gì đó, bạn sẽ luôn nghĩ đến cảm xúc của người khác trước tiên, khi giúp đỡ người khác cũng sẽ thận trọng hơn khi làm việc của mình, mang theo tâm lý “giúp bạn là nghĩa vụ của tôi, không giúp bạn là quá đáng”.

Nhưng trên thực tế, quan tâm quá nhiều đến cảm xúc của người khác chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái, lòng tham không đáy của người khác rất có thể đã sinh ra từ chính tính cả nể của bạn.

Sợ mất tình nghĩa và thể diện

Diệc Thư đã viết trong tác phẩm Cô ấy cô đơn hơn pháo hoa như sau: “Thể diện thể diện thể diện, rốt cuộc cô là loại người gì vậy, biết bao nhiêu người phải chịu khổ chịu sở vì cô rồi.”

Giữ thể diện là một hiện tượng phổ biến, rất nhiều sự cả nể được gọi là việc “ái ngại” từ chối vì tình nghĩa và thể diện. Kết quả luôn là làm khó chính mình, càng không làm hài lòng được người khác.

Ví dụ như bạn cùng phòng không khỏe do say nắng, nhờ bạn lúc tan làm tiện đường mua cho cô ấy một suất cơm tối, bạn vui vẻ đồng ý, cho rằng đó chỉ là một việc đơn giản mà thôi. Sau khi ăn uống no nê xong, bạn cùng phòng tiếp tục nghỉ ngơi, để bạn một mình dọn dẹp đống cơm thừa canh cặn.

Ngày hôm sau khi chuẩn bị tan làm, bạn cùng phòng lại gửi cho bạn một tin nhắn, cô ấy cảm thấy bữa ăn hôm qua bạn mua rất ngon nên nhờ bạn mua thêm một suất nữa. Cô ấy vốn không biết hôm nay bạn phải đi công tác, trên đường về nhà sẽ không đi qua quán ăn đó.

Vì không muốn mất lòng nhau, bạn nghĩ bụng dù sao cũng chỉ mua giúp một hai lần, thôi vậy, chịu khó vòng lại thêm chút nữa.

Kết quả bạn chạy cả một đoạn đường dài để quay ngược lại quán ăn đó mua một suất cơm tối cho bạn cùng phòng. Nhưng bạn cùng phòng lại bảo bạn về muộn quá, cô ấy đã đói tới mức chẳng muốn ăn gì nữa rồi. Lại còn trách bạn rõ ràng biết cô ấy dạo này không được khỏe, thế mà vẫn muộn tận nửa tiếng mới mang cơm về tới nhà.

Bạn khó chịu bứt rứt trong lòng, giải thích rằng hôm nay bạn đi công tác nên phải đi ngược đường để mua cho cô ấy. Bạn cùng phòng cho rằng bạn không nói rõ ràng với cô ấy về việc đi công tác, ngược lại còn khiến cô ấy đói hoa cả mắt, đó chính là lỗi của bạn.

Bạn thấy đấy, rõ ràng là có lòng tốt giúp đỡ, nhưng sự cả nể của bạn đã khiến bạn trở thành người làm ơn mắc oán.

Giả sử ngay từ đầu bạn nói rõ tình hình với cô ấy: Hôm nay mình đi công tác, trên đường về không đi qua quán ăn đó, hơn nữa có lẽ sẽ về nhà muộn một chút, e là không thể giúp cậu rồi.

Bạn nói rõ lý do đồng thời từ chối một cách chân thành, nếu đối phương không thể hiểu cho bạn, ngược lại còn trách bạn không muốn giúp, bạn nên nhận ra loại bạn này không xứng với tình cảm sâu sắc của bạn. Từ chối người như vậy, bạn còn cảm thấy ngại điều gì nữa đây?

Mộ Vân Chi/NXB Dân Trí - Bách Việt Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-ban-ngai-tu-choi-post1475940.html