Vì sao bà Merkel nói 'châu Âu phải tự định đoạt số phận của mình'

Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel ngày 28.5 đã nói trước đám đông ở miền nam nước Đức rằng "đã đến lúc châu Âu tự định đoạt số phận của mình".

Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel

Tuyên bố của bà Merkel được Washington Post nhận định là một "chương mới" trong quan hệ châu Âu - Mỹ sau cuộc gặp không mấy tốt đẹp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Đức hồi tuần trước.

Bà Merkel cho rằng châu Âu 'thực sự cần phải nắm lấy số phận của chúng ta trong tay chúng ta" chứ không thể tiếp tục nhờ vả vào đồng minh nước ngoài.

Đây có thể xem là một thay đổi lớn trong nhận thức chính trị, dù Independent cho rằng công chúng vốn quen thuộc với mối quan hệ Mỹ - Anh hơn nhưng quan hệ Mỹ - Đức mới thực sự là mối quan hệ quan trọng.

Cụ thể, NATO được thành lập là để đưa nước Đức vào khuôn khổ dưới sự bảo đảm của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế khả năng xảy ra thảm họa như ở Chiến tranh thế giới lần 1 và 2.

Tổng thư ký NATO từng nhận xét là khối quân sự này được hình thành là để "không cho người Nga vào, người Mỹ là trung tâm và kiềm chế người Đức". Và giờ đây, bà Merkel đã gợi ý rằng người Mỹ không còn là trung tâm của NATO và Đức cùng với châu Âu mở rộng vai trò của mình để có thể độc lập về an ninh hơn, lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua.

Nhận xét của bà Merkel đưa ra trong bối cảnh uy tín của Mỹ tại NATO đang xuống thấp khi Tổng thống Donald Trump không cam kết sẽ thực hiện điều 5 trong hiệp ước NATO.

Theo điều 5, nếu một thành viên của NATO bị tấn công thì các nước còn lại sẽ hợp sức bảo vệ đồng minh. Tuy nhiên , ông Trump nhiều lần nhấn mạnh Mỹ sẽ chỉ thực hiện điều 5 khi các nước hứa chi đủ tiền cho quân sự của khối. Ngoài ra, trong Hội nghị Thượng đỉnh G-7 vừa diễn ra tại Ý, 6 nước trừ Mỹ đã phải ra thông cáo chung về việc thực thi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.

Những điều trên làm xói mòn niềm tin rằng Mỹ là một đối tác đáng tin cậy. Ông Trump cũng không được lòng các đồng minh truyền thống của Mỹ khi cho biết ông sẽ không nhấn mạnh sự khác nhau về quan điểm quyền con người của các nước và những điểm khác biệt giữa các nước.

Theo Independent, tuyên bố của bà Merkel còn có ý nghĩa hơn là khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ngày càng yếu đi, Liên minh châu Âu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Song song đó việc Anh rời EU sẽ giúp hai đầu tàu còn lại là Đức và Pháp gắn kết hơn, đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác của khối EU.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Đức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác trong việc xây dựng một khối EU mạnh mẽ hơn. Tự thân EU đang vấp phải nhiều lục đục nội bộ khi Ba Lan và Hungary có vẻ ủng hộ quan điểm của Mỹ hiện nay nhiều hơn quan điểm Đức. Hai nước này cũng lo ngại một EU mạnh hơn sẽ dẫn tới tiếng nói của họ trong khối giảm mạnh, do mọi sự đều được hai đầu tàu Đức và Pháp khởi xướng và quyết định.

Các nước Nam Âu như Hy Lạp thì lại còn 'lấn cấn' với Đức vì những chính sách thắt lưng buộc bụng không mấy hiệu quả mà họ phải thực hiện trong những năm qua để tránh phá sản.

Nếu Đức muốn hợp tác mạnh hơn với Pháp về an ninh, Paris sẽ ngược lại đòi Berlin nhượng bộ về kinh tế và chi tiêu. Dù bà Merkel có thể sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ này, nhưng nó không có nghĩa là các chính trị gia Đức khác và công chúng Đức cũng nghĩ giống bà.

Cuối cùng, thực tế những chỉ trích của ông Trump đối với NATO thực sự là chính xác, đa số nước thuộc NATO đang chi tiêu quốc phòng ít hơn mức mà họ được nhận từ sự bảo vệ của Mỹ.

Nhưng rõ ràng bà Merkel là một chính trị gia lão luyện, và không giống như ông Trump bà sẽ không đưa ra những tuyên bố bốc đồng, Independent nhận xét. Thay vào đó, tuyên bố của bà Merkel cho thấy một vị thế khác của EU, một liên minh mạnh hơn, tự tin hơn và hoàn toàn không cần xem lãnh đạo Mỹ đang muốn gì.

Tờ báo Anh cho rằng nếu bà Merkel có thể thắng cử trong cuộc bầu cử tại Đức sắp tới thì bà có thể tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ giữa EU và Mỹ.

Ái Vi (theo Independent)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/vi-sao-ba-merkel-noi-chau-au-phai-tu-dinh-doat-so-phan-cua-minh-64064.html