Vì sao 65 doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu?

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 26/7 có khoảng 65 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 172,62 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,8% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường.

Nhiều đại gia bất động sản khất nợ

Theo danh sách niêm yết trên trang HNX, phần lớn trong số các tổ chức phát hành chậm thanh toán TPDN dù đã đến hạn là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản. Có thể kể tên hàng loạt các công ty kinh doanh bất động sản nợ trái phiếu như Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ đầu tư Horizon. Trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 1/8 cho biết, lô trái phiếu HRZCH2023001 đến hạn ngày 31/7/2023, nhưng đã phải chậm thanh toán cả gốc lẫn lãi, hơn 6.000 tỷ đồng, với lý do tiền lãi chưa thu xếp được, còn tiền gốc đã có thỏa thuận với trái chủ để gia hạn thời gian thanh toán.

Doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu do chất lượng tín dụng yếu. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu do chất lượng tín dụng yếu. Ảnh minh họa

Hay CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HQNCH2124002 trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Lý do cũng là thị trường bất động sản đóng băng nên công ty không thu xếp được tiền để thanh toán trái phiếu. Tương tự, Công ty cổ phần Signo Land đã "khất" thanh toán lô trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ đồng với lý do "đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu". Hay với lý do "thị trường không thuận lợi", Công ty TNHH Saigon Glory - công ty con của Tập đoàn Bitexco - cũng mới chỉ trả được số tiền lãi gần 29 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng gốc phải "khất". Còn Novaland đã phải gia hạn thanh toán nhiều lô trái phiếu giá trị lớn vì "chưa thu xếp được nguồn thanh toán". Tổng nợ trái phiếu ngắn và dài hạn đến ngày 30/6/2023 của Novaland lên đến 43.100 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Infinity Land công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu InfinityH2127001. Ngày 3/8 là đến hạn, Infinity Land phải thanh toán hơn 157 tỷ đồng đồng gốc, lãi trái phiếu. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến công ty chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Công ty đang tiến hành xin ý kiến người sở hữu trái phiếu.

Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia là chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái River Bay Vĩnh Yên hay còn có tên gọi khác là Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc cũng vừa công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Theo báo cáo đến ngày 20/6, Sông Hồng Hoàng Gia phải thanh toán số tiền lãi gần 11 tỷ đồng và gốc gần 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty mới chỉ thanh toán được gần 600 triệu đồng tiền lãi và gần 15 tỷ đồng tiền gốc cho trái chủ. Vẫn còn chậm trả hơn 100 tỷ đồng cả gốc và lãi trái phiếu do chưa thu xếp kịp nguồn lực thanh toán. Năm 2022, Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia lãi vỏn vẹn hơn 9 triệu đồng, còn năm 2021 lãi sau thuế gần 33 tỷ đồng.

Trong mục "Tin bất thường" của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX, danh sách những cái tên được liệt kê so với đầu năm ngày càng dài thêm. Để có thể gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận một số thiệt thòi khi thỏa thuận với trái chủ.

Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn công bố thông tin bất thường về việc đã đạt được thỏa thuận với trái chủ về việc gia hạn lô trái phiếu 500 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu TTDCH2122002 phát hành ngày 20/5/2021, đáo hạn vào 20/11/2022. Lô trái phiếu có tài sản đảm bảo là hơn 16 triệu cổ phần của Công ty Thái Tuấn, tổng giá trị gần 810 tỷ đồng, tương đương mỗi cổ phần có giá trị 50.450 đồng. Đến thời hạn thanh toán, Thái Tuấn không thu xếp được tài chính để trả. Tập đoàn Thái Tuấn phải bổ sung tài sản đảm bảo là 7 căn biệt thự dự án Cross Long Hải để gia hạn với trái chủ.

Theo đó, trái chủ thống nhất đồng thuận thời gian gia hạn gói trái phiếu đến ngày 20/11/2024 với các điều kiện, như áp dụng lãi suất là 16,5%/năm từ ngày 20/11/2022 đến ngày 20/11/2024. Thanh toán lãi từ tháng 6 năm nay đến tháng 1/2024 mỗi tháng là 2 tỷ đồng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng. Từ tháng 2/2024 đến ngày đáo hạn 20/11/2024, số tiền lãi còn lại chưa thanh toán sẽ chia đều cho các tháng còn lại. Bổ sung tài sản đảm bảo là 7 căn biệt thự dự án Cross Long Hải…

Vì đâu nên nỗi?

Theo phân tích của FiinGroup, bên cạnh các yếu tố tác động chung của môi trường kinh doanh như chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, pháp lý dự án bị đình trệ..., các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng trên đều có những đặc điểm chính về chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ. Các đặc điểm chung gồm mức đòn bẩy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn, thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tồn kho hoàn thành, từ đó dẫn đến rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bị mất cân đối về kỳ hạn, kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.

Cụ thể, phân tích FiinGroup dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 doanh nghiệp bất động sản chậm trả cho thấy, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình, thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản, có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng (năm 2017) lên 33.000 tỷ đồng (năm 2021). Trong khi đó, khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần.

Theo FiinGroup, vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA (hiệu quả kinh doanh) chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần.

Điều đáng quan tâm đó là theo các chuyên gia tài chính, con số 65 doanh nghiệp chậm thanh toán nợ TPDN sẽ chưa phải là con số cuối cùng, mà trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp "gia nhập" tiếp. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý III năm nay. Áp lực TPDN đáo hạn vẫn đang gia tăng ở 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất để có thêm thời gian phục hồi.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-65-doanh-nghiep-cham-thanh-toan-trai-phieu--i703525/