Vì sao 17 năm, Italy chưa xây được cầu treo 5 tỷ USD ra đảo Sicily?

Tham vọng xây dựng cây cầu treo dài nhất thế giới của Italy đối mặt với vô vàn thách thức, từ khó khăn địa lý cho tới nguy cơ tổ chức mafia.

Giấc mơ cầu treo dài nhất thế giới

Giấc mơ về cây cầu nối đất liền Italy với đảo Sicily qua Eo biển Messina nhen nhóm từ thời La Mã, khi Quan chấp chính tối cao Metellus ra lệnh nối thùng, bè gỗ với nhau để di chuyển 100 voi chiến từ Carthage tới Rome vào năm 252 trước Công nguyên.

Từ đó tới nay, rất nhiều kế hoạch, bao gồm cả ý tưởng xây hầm qua eo biển nhưng chưa dự án nào thành hiện thực.

Mô hình cây cầu nối đất liền Italy với đảo Sicily. Ảnh: Webuild

Theo số liệu từ Bộ Tài chính Italy, từ năm 1965, Italy đã chi 1,3 tỷ USD từ các nguồn công quỹ cho công tác nghiên cứu tính khả thi trong việc xây dựng cây cầu nối đất liền Italy với đảo Sicily.

Năm 2006, Chính phủ Italy dự định xây dựng cầu treo dài nhất thế giới bắc qua biển và đã trao thầu cho một nhóm các doanh nghiệp do Công ty Italy Salini Impregilo (hiện có tên là WeBuild) đứng đầu, thực hiện.

Theo kế hoạch xây dựng ban đầu của WeBuild, cầu có khả năng chịu sức gió tới 300km/h và các phương tiện có thể đi lại trên cầu ngay cả trong điều kiện sức gió tới 150km/h.

Cầu sẽ có 6 làn đường gồm 4 làn cho phương tiện giao thông hoạt động, 2 làn khẩn cấp và 1 làn đường sắt ở giữa. Khoảng 6.000 ô tô có thể lưu thông qua cầu mỗi giờ và 200 tàu hỏa qua cầu mỗi ngày.

Cầu dự kiến có độ cao 74m so với mực nước biển, cho phép tàu chở hàng và thậm chí những du thuyền đồ sộ cũng có thể di chuyển bên dưới. Ngoài ra, cầu còn được thiết kế để chịu động đất mạnh 7,5 độ richter. Khi hoàn thành, cây cầu sẽ có chiều dài 3,2km và trở thành cầu treo dài nhất thế giới.

Chuyên gia của WeBuild ước tính, quá trình thiết kế có thể mất 8 tháng, còn thời gian xây dựng cầu dự kiến mất 6 năm.

Kế hoạch đầu tư hơn 11 tỷ USD nhiều lần bị gác lại

Theo kế hoạch trình lên Bộ Giao thông Vận tải Italy, chi phí xây cầu là 4,96 tỷ USD và 7,4 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ hai bên cầu, bao gồm nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt, xây nhà ga, giải phóng mặt bằng...

Tuy nhiên, khi Chính phủ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi sụp đổ vào cùng năm 2006, kế hoạch trên bị gác lại. Thủ tướng kế tiếp của Italy là ông Romano Prodi coi đây là dự án lãng phí, tiềm ẩn rủi ro với môi trường. Từ đó tới nay, nhiều nhiệm kỳ Chính phủ tại Italy đã cân nhắc khôi phục kế hoạch trên.

Mới nhất, dự án này đã nhận được tín hiệu khởi sắc khi Chính quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni ra sắc lệnh mở đường cho việc thực hiện kế hoạch xây dựng cầu.

Sắc lệnh sẽ trở thành luật vào tháng 6 và Bộ trưởng Giao thông vận tải Italy Matteo Salvini kỳ vọng sẽ khởi công cây cầu vào tháng 7/2024.

Đây chính là một trong những cam kết khi tranh cử của bà Meloni, đồng thời là ưu tiên hàng đầu mà Bộ trưởng Giao thông vận tải Italy xác định phải hoàn thành trong nhiệm kỳ.

Theo Bộ trưởng Salvini, hiện nay có nhiều công ty trên khắp thế giới, bao gồm Trung Quốc đã quan tâm tới dự án nhưng khả năng công ty thắng thầu vào năm 2006 sẽ tiếp tục thực hiện dự án.

Khoảng giữa tháng 4, Giám đốc kỹ thuật WeBuild - ông Michele Longo đã được mời tới Quốc hội và chia sẻ trực tiếp về việc khôi phục kế hoạch xây dựng cây cầu.

“Cây cầu qua Eo biển Messina là dự án có thể khởi công ngay lập tức. Ngay sau khi hợp đồng được khôi phục và cập nhật, dự án có thể bắt đầu ngay”, ông Longo khẳng định.

Vô số thách thức

Sau khi vượt qua ải chính sách, để thành hình, dự án này còn vấp phải vô vàn khó khăn khác.

Một trong số đó là nạn mafia hoành hành. Theo hãng tin CNN, miền Nam Italy dễ xảy ra tham nhũng vì 2 nhóm tội phạm có tổ chức là Ndrangheta và Cosa Nostra nhũng nhiễu. Đặc biệt, những tổ chức này có thể thâm nhập vào các dự án xây dựng.

Chính những trùm mafia nhiều lần kịch liệt phản đối kế hoạch xây dựng cây cầu giao thông không phát triển, tình trạng nghèo đói và thiếu kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho những tội phạm có tổ chức lộng hành.

Mô hình làn đường trên cầu treo bắc qua Eo biển Messina. Ảnh: Webuild

Mới đây, sau 30 năm lẩn trốn, Matteo Messina Denaro - ông trùm của tổ chức Cosa Nostra đã bị bắt giữ. Song, nỗi lo sợ những băng nhóm tội phạm vẫn còn đó. Trong nghiên cứu chống mafia xuất bản từ 20 năm trước và tiếp tục được cập nhật, Tổ chức Nomos Centre cảnh báo một số phần của dự án như vận chuyển và cung ứng nguyên vật liệu có thể rơi vào tay tội phạm. Thậm chí, còn có nguy cơ các nhóm tội phạm địa phương đòi tiền bảo kê.

Trước lo ngại trên, ông Salvini khẳng định: “Tôi không lo ngại về việc các tổ chức tội phạm có thể thâm nhập vào dự án. Chúng ta có thể đảm bảo các công ty tốt nhất Italy, châu Âu và toàn thế giới sẽ làm việc trong dự án này. Đồng thời, sẽ có các bên giám sát để theo dõi từng đồng đầu tư vào cây cầu”.

Ngoài ra, dự án sẽ đối mặt thách thức về vị trí địa lý. Eo biển Messina nằm trên đường đứt gãy nơi từng xảy ra vụ động đất mạnh 7,1 độ richter vào năm 1908 khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, kéo theo sóng thần tàn phá các vùng ven biển. Tới nay, đây vẫn là cơn địa chấn gây thiệt hại lớn nhất về người từng được ghi nhận tại châu Âu.

Đây cũng là vùng biển thường xuyên xảy ra nhiễu động. Theo NASA, cứ sau 6 giờ, các dòng hải lưu tại khu vực này đổi chiều và sóng mạnh dâng cao tới mức có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

Nói về vấn đề trên, Giám đốc kỹ thuật WeBuild cho biết, dù eo biển Messina là khu vực phức tạp xét đến độ sâu và hoạt động của các dòng hải lưu nhưng cũng là một trong những eo biển được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới. Hiện, có hàng triệu trang tài liệu về khu vực và WeBuild đã nghiên cứu hết số tài liệu này.

WWF định kiện Italy vì dự án xây cầu

Kế hoạch xây dựng cầu vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà bảo vệ môi trường. Từ lâu, nhiều nhà hoạt động cho rằng việc xây dựng cầu sẽ ảnh hưởng tới địa hình và đời sống hoang dã trong khu vực.

“Eo biển Messina là tuyến đường di chuyển quan trọng của các loài chim, động vật có vú biển, là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới”, theo tổ chức bảo vệ môi trường của Italy Legambiente. Tổ chức này cho rằng, quá trình xây dựng và vận hành cầu sẽ làm gián đoạn tuyến di cư giữa châu Phi và châu Âu của một số loài động vật.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng phản đối dự án xây dựng cầu với lập luận toàn bộ khu vực Eo biển Messina nằm trong khu vực bảo vệ về môi trường sống của Liên minh châu Âu (EU).

Thậm chí, năm 2006, trước thời điểm kế hoạch xây cầu bị gác lại, WWF cũng đã chuẩn bị khởi kiện để ngăn chặn việc xâm phạm khu vực được bảo vệ của EU.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-17-nam-italy-chua-xay-duoc-cau-treo-5-ty-usd-ra-dao-sicily-d590638.html