Vị quan thanh liêm đứng đầu 4 tỉnh lớn, không bao giờ làm người khác tổn thương

Cụ Đặng Đức Cường là một vị quan thanh liêm, tính tình nhã nhặn, cởi mở, nhân hậu, dù có chức hàm rất cao thời đó.

Cụ Đặng Đức Cường (1859-1925) quê tại làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Cụ Đặng Đức Cường từng dạy vua và con vua

Cụ làm Tổng đốc tỉnh Hải Dương, tòng nhất phẩm, được phong hàm Thái tử Thiếu bảo (do cụ từng dạy vua và con vua), được phong Hiệp biện Đại học sĩ.

Cụ Đặng Đức Cường được người ở quê quen gọi là cụ Thượng Cường, đậu cử nhân khoa Mậu Tý (1888) tại trường thi Hương Nam Định. Cụ đứng thứ 10 trong số 56 cử nhân đỗ khoa đó. Chỉ riêng khóa này, làng Hành Thiện quê cụ đã có tới 6 cụ đỗ cử nhân, 9 cụ đỗ tú tài...

Cụ được sơ bổ làm quan Huấn đạo (công việc về giáo dục). Trước 1896, cụ từng làm Tri huyện rồi Tri phủ thuộc các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; năm 1896 làm Án sát tỉnh Bắc Ninh; năm 1902 làm Án sát Hà Nội; năm 1904 làm Tuần phủ Thái Bình; năm 1906 làm Tổng đốc Hà Đông; 1907 - 1912 làm Tổng đốc Hưng Yên; 1913 -1916 làm Tổng đốc Bắc Ninh; 1917 - 1921 làm Tổng đốc Hải Dương.

Cụ về hưu ngày 16/2/1921 với lương hưu 857 đồng Đông Dương (tương đương 30 lạng vàng/năm).

Cụ Thượng Cường là người tính tình nhã nhặn, cởi mở, nhân hậu, dù có chức hàm rất cao thời đó. Cụ thương yêu các thuộc hạ và không nặng lời với một ai dù họ có phạm lỗi.

Nếu có một tổng lý nào làm sai, cụ gọi lên văn phòng khuyên bảo để tránh các lỗi lầm tiếp. Nếu lỗi quá nặng, không thể tha thứ được, cụ bảo người đó làm đơn xin từ chức. Cụ sẽ dựa theo đơn mà ra văn bản cho nghỉ việc. Mục đích cũng là để cứu vãn thể diện cho họ, khi về quê khỏi mang tiếng mình bị cách chức mà tủi hổ...

Suốt 32 năm làm quan, cụ không có một hành động hay một lời nói nào chạm đến lòng tự ái của người khác.

Cụ thường nói với người trong làng và bạn hữu của mình: "Mình làm lớn, có phận lớn. Người ta làm nhỏ có phận nhỏ. Ai cũng có lòng tự ái. Người nào lòng tự ái bị giày xéo là đau khổ. Vậy không nên làm điều gì, nói câu gì làm đau lòng người khác một cách vô ích".

Làm quan lớn nhiều năm, cụ không chỉ có đức tính nhân hậu mà còn rất thanh liêm. Cụ không bao giờ đòi tiền lễ của các quan phủ, huyện cho đến các tổng, lý hay những người có công, có việc lên gặp quan lớn kêu cứu.

Cụ cũng không bao giờ nhận quà của ai rồi mới thăng chức hoặc ban thưởng cho thuộc hạ. Nếu đem quà đến tạ ơn, lúc bấy giờ cụ mới nhận nhưng chỉ nhận tượng trưng để làm vừa lòng người ta đến tạ ơn mình.

Với bản tính nhân hậu, cụ đối xử với mọi người rất nhã nhặn và ôn hòa. Các quan chức người Pháp thấy cụ lễ độ với dân mà không xu nịnh mình, bộc lộ nhân phẩm của một nhà nho chân chính nên cũng rất quý trọng cụ.

Cụ làm quan nhiều chục năm mà không bao giờ gặp trở ngại, dù không quỵ lụy ai. Đây có lẽ cũng là chuyện lạ thời phong kiến, khi đất nước ta còn có chế độ thực dân cai trị.

Xứ Bắc đầu thế kỷ trước có 5 tỉnh được triều đình coi là tỉnh lớn và được phép bổ chức quan Tổng đốc, thì cụ kinh qua 4 tỉnh. Chỉ có Nam Định là cụ không làm Tổng đốc, cũng bởi quy định ngày đó: Không ai được làm quan đầu tỉnh tại ngay quê nhà.

Cụ Đặng Đức Cường nhận làm tiên chỉ làng Hành Thiện khi vẫn còn đương chức. Với quê hương Hành Thiện, cụ có nhiều công lao rất đáng ghi nhận.

Năm 1921, cụ làm đơn xin mở trường sơ học tại làng Hành Thiện. Trường được mở từ năm 1922. Đây cũng là ngôi trường đào tạo cho đất nước những nhà lãnh đạo cách mạng như cố Tổng bí thư Trường Chinh, cố giáo sư Vũ Khiêu, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đặng Quốc Bảo, cố giáo sư Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam Đặng Xuân Kỳ, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy, cố Bộ trưởng Y tế Đặng Hồi Xuân, nguyên Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư...

Đến năm 1924, cụ lấy tiền công quỹ của làng, mà thực ra tiền này có một phần do cụ đóng góp, để xây một ngôi trường bằng gạch ngói cạnh đình làng. Đặc biệt, cụ đứng ra vận động xây dựng Quỹ học điền của làng.

Chính cụ đã góp ruộng của cá nhân mình cùng tài chính của những ai có lòng hảo tâm rồi thuê người trông nom, thu hoạch, rồi dùng tiền thu được đem hỗ trợ cho những trò nghèo hiếu học và học giỏi trong làng, để họ có thêm chút tiền học lên, khỏi bỏ dở.

Vì cụ Đặng Đức Cường làm quan đến hàm nhất phẩm (ngang bộ trưởng bây giờ) lại có tiếng là vị quan thanh liêm, cần mẫn, nhân hậu, nên thân sinh cụ, ông nội cụ và cụ nội cụ đều được phong hàm tòng nhị phẩm, tòng tam phẩm, tòng tứ phẩm.

Truyền thống gia tộc Đặng Đức tiếp nối sau này vẫn là nếp gia phong ấy. Có thể nhắc đến người cháu nội của cụ, đó là cố giáo sư tiến sĩ khoa học Đặng Đức Trạch, nguyên là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Y Dược học Đông Nam Á, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhà nghiên cứu và sản xuất nhiều vắc xin nổi tiếng của nước nhà.

Cố giáo sư Đặng Đức Trạch là đại biểu Quốc hội khóa 11. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Ðổi mới năm 2006. Ông là Thầy thuốc Nhân dân, nhận giải thưởng nhà nước về Khoa học Công nghệ (năm 2000) do có những đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam với 95 công trình khoa học.

Thư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo Đặng Thị Phúc - chắt nội của cụ Đặng Đức Cường

Chắt nội của cụ - nhà giáo Đặng Thị Phúc từng là cô giáo dạy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc thiếu thời. Năm 2019, Tổng bí thư gửi thư cho cô giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Bức thư có những dòng chữ dưới cùng ông thêm vào, đọc thật cảm động: "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mà trong những năm tháng được cô dạy bảo". Thư viết ngày 25/1/2019.

Nếp gia phong của một vị quan lại phong kiến có hàm thượng thư, có cuộc sống sống thanh liêm, nhân hậu như cố Tổng đốc Đặng Đức Cường trên 100 năm trước rất đáng để hậu thế hôm nay suy nghĩ và học theo.

Quốc Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-quan-thanh-liem-dung-dau-4-tinh-lon-khong-bao-gio-lam-nguoi-khac-ton-thuong-2241013.html