Vi phạm trong đấu thầu ở Bộ Tài chính

Sự việc hy hữu này đã xảy ra trong buổi mở thầu gói thầu 'Dịch vụ hỗ trợ bản quyền các sản phẩm phần mềm Oracle cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS' của Bộ Tài chính vào ngày 19.9, khi cùng lúc Cty TNHH Tích hợp hệ thống CMC (gọi tắt là CMC) xuất hiện với 2 liên danh chào thầu là Liên danh FPT - CMC và Liên danh HANEL - CMC. Đây là điều không được phép trong quy định của pháp luật về đấu thầu.

Thỏa thuận ký kết liên danh giữa FPT và CMC được đại diện CMC cho rằng không hợp lệ, bởi người đại diện chưa được ủy quyền. Ảnh: Đ.T

Cùng lúc đứng hai liên danh?

Được biết, gói thầu “Dịch vụ hỗ trợ bản quyền các sản phẩm phần mềm Oracle cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS” là gói thầu CNTT có giá trị xấp xỉ 100 tỉ đồng. Gói thầu này nhằm mục đích đảm bảo hoạt động của hệ thống TABMIS trong thời gian hai năm tới.

Sự việc hy hữu trên chỉ “vỡ lở” khi bên mời thầu là Bộ Tài chính mở thầu và phát hiện hồ sơ dự thầu có tới hai liên danh có thành phần cùng là một đơn vị là CMC. Tình huống trớ trêu khiến nhiều người bất ngờ, bởi không có đơn vị dự thầu nào không biết quy định sơ đẳng của pháp luật về việc không thể đứng tên cùng lúc hai liên danh khi tham gia dự thầu. Bởi một trong những nội dung quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP “Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh)”.

Ngày 20.9, trả lời Lao Động về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) - ông Nguyễn Việt Hà - cho biết: “Trước mắt chúng tôi đánh giá đúng theo quy định của Luật Đấu thầu, ghi nhận sự việc cụ thể diễn ra khi mở thầu. Đó là về mặt hình thức. Còn nội dung cụ thể bên trong hồ sơ thì chúng tôi chưa xem, bởi theo quy định còn phải xem thỏa thuận giữa liên danh như thế nào? Hiện tại chưa thể kết luận được gì. Trong tình huống cả hai liên danh đều hợp lệ thì theo quy định của luật sẽ phải loại cả hai”.

Hợp tác bất thành hay chiêu thức cạnh tranh?

Việc CMC cùng lúc có tên tại hai liên danh trong một cuộc đấu thầu có phải có nhiều uẩn khúc đằng sau?

Sáng 20.9, đại diện CMC cũng xác nhận không thể mắc lỗi cơ bản như vậy khi tham gia đấu thầu. Bản chất của vấn đề, theo ông Nguyễn Thanh Lưu - phụ trách marketing và truyền thông của CMC cho biết: “Ban đầu CMC có dự định hợp tác cùng FPT để xây dựng liên danh tham gia đấu thầu gói thầu trên. Tuy nhiên, sau đó CMC xác định FPT không đủ năng lực nên đã gửi công văn thông báo chấm dứt liên danh. Không hiểu FPT có ý gì khi đem hồ sơ liên danh tham gia dự thầu khi mà chúng tôi đã không cung cấp các hồ sơ khác để đảm bảo tiêu chuẩn dự thầu. Thứ hai, việc ký kết Thỏa thuận liên danh giữa CMC và FPT không có giá trị pháp lý bởi người đại diện ký kết của CMC là Phó Tổng Giám đốc Đặng Thế Tài không được ủy quyền để thực hiện giao dịch này”.

Tuy nhiên, đại diện CMC từ chối không cung cấp các tài liệu chứng minh đã hủy giao dịch với FPT cũng như các văn bản khác có liên quan.

Trong khi đó, đại diện FPT, ông Mai Công Nguyên - Tổng Giám đốc khối ngành dịch vụ ERP - lại cho rằng: “FPT IS với CMC đã bàn bạc thống nhất sẽ cùng nhau liên danh và ký thỏa thuận liên danh cũng như chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Mọi việc vẫn bình thường cho đến 17 giờ ngày 18.9 (16 tiếng trước khi mở thầu), chúng tôi có nhận được điện thoại thông báo là CMC không liên danh nữa. Do thông tin đó đi theo đường không chính thức, không xác minh được nên chúng tôi vẫn nộp thầu và mở thầu bình thường. Và chỉ đến khi mở thầu chúng tôi mới biết CMC đã đi cùng một đơn vị khác. Chúng tôi khẳng định, cho tới bây giờ vẫn không nhận được bất kỳ văn bản nào của CMC về việc hủy liên danh”.

Ông Nguyên cũng cho rằng, sự việc đáng tiếc này đáng lẽ đã có thể không xảy ra nếu đối tác liên danh giữ uy tín đã có thỏa thuận liên danh. Đồng thời, cũng như đại diện CMC đặt nghi vấn về phía FPT “có ý gì khi đem gửi hồ sơ dự thầu”. Ông Nguyên nói thêm, CMC có chuẩn bị từ trước, vì việc làm hồ sơ, bảo lãnh dự thầu, xin thư hỗ trợ từ hãng cho liên danh HANEL CMC đã phải diễn ra từ nhiều ngày trước. Việc sát ngày, sát giờ mới báo hủy qua điện thoại khiến FPT trở nên bị động.

Được biết, TABMIS là hệ thống CNTT lớn nhất Việt Nam, phục vụ thu chi ngân sách nhà nước, với hơn 15.000 người dùng và 1.500 điểm triển khai trên toàn quốc và là hệ thống CNTT đặc biệt quan trọng đối với việc quản trị hệ thống tài chính hiện nay.

ĐẮC THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vi-pham-trong-dau-thau-o-bo-tai-chinh-566019.ldo