Vi phạm trật tự đô thị: 'Bạc mặt' mưu sinh và thế khó của lực lượng chuyên ngành

Nhiều địa bàn ở Hà Nội, việc lấn chiếm nơi công cộng, hành lang quanh các công viên để kinh doanh, buôn bán, hay dừng đỗ phương tiện… rõ ràng đã và đang tồn tại. Song, để xử lý triệt để lại là cả một bài toán không dễ giải.

Thấy Công an là… chạy

Trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) có 2 công viên là Cầu Giấy và Nghĩa Đô. Xung quanh 2 công viên này, một số người dân đã tự ý chiếm dụng vỉa hè để bán trà đá, cắt tóc hoặc nhiều lái xe lợi dụng cổng công viên để dừng, đỗ ô tô. Xét về tổng thể, những vi phạm trật tự đô thị trên không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại, thể dục, vui chơi của người dân, mà còn tạo ra một hình ảnh nhếch nhác.

Vỉa hè khá rộng nên một số người dân đã lợi dụng để bán hàng nước

Khi được hỏi, những người bán trà đá, nước giải khát ở khu vực này than thở: “Tôi học vấn thấp, giờ người có bằng cấp còn thất nghiệp nhiều phải đi chạy xe ôm do kinh tế khó khăn sau dịch bệnh. Người như chúng tôi thì ai nhận nên mới phải đi bán trà đá, chứ nào ai muốn mưa nắng phải phơi mặt ngoài đường như thế này?. Thôi thì chấp nhận bạc mặt ngoài đường nhưng còn có tiền để sống, thấy Công an thì… chạy vậy”.

Có người thì cho rằng, uống một cốc cà phê cũng vài chục nghìn, trong khi cốc trà đá chỉ vài nghìn đồng, với đồng lương văn phòng thì phù hợp hơn sau mỗi giờ tan trưa.

Chỉ một góc nhỏ đã trở thành "cần câu cơm" của người dân

Còn một đoạn vỉa hè tuyến phố Tô Hiệu quanh công viên Nghĩa Đô, không khó để bắt gặp những người thợ cắt tóc “nghiệp dư”. Chỉ với 1 chiếc gương, một cái ghế và bộ đồ nghề, thế là trở thành một địa chỉ cắt tóc phục vụ nhu cầu cho người dân.

Ông Lê Văn Minh, 63 tuổi cho biết, giá cắt tóc ở đây chỉ 30 nghìn đồng/người, trong khi đó nếu vào cửa hiệu thì có khi tới 70.000 hoặc hơn. Không có lương hưu, chỉ có chút tiền tiết kiệm thì đây là cách để ông Minh và nhiều người khác lựa chọn phục vụ nhu cầu thiết yếu của bản thân.

Việc xử lý phương tiện dừng, đỗ quanh các công viên gặp nhiều khó khăn

Khảo sát một vòng quanh các công viên này, rõ ràng những người kinh doanh, buôn bán đều là những người không có công ăn việc làm, hoặc đã quá tuổi lao động, hay hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Chỉ với 1 cái làn nhỏ, một phích nước, thùng đựng đá và vài cái cốc là có thể kiếm tiền được rồi.

Thậm chí, một số người đã cao tuổi, về hưu, không muốn dựa dẫm làm gánh nặng cho con cái nên đã chọn bán nước tự nuôi bản thân. Và khi thấy lực lượng Công an, họ sẽ… chạy. Dù biết bán hàng bấp bênh, rủi ro có thể bị tạm giữ phương tiện kiếm sống, nhưng họ vẫn lựa chọn vì đó là mưu sinh.

Bài toán chưa có lời giải

Ông Nguyễn Quý Hải - Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban chỉ đạo 197 phường Dịch Vọng thẳng thắn nhìn nhận những vi phạm quanh công viên Cầu Giấy và Nghĩa Đô và trao đổi thêm: “Qua công tác nắm tình hình, cùng với sự tham mưu của Công an phường Dịch Vọng là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo 197, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp về trật tự đô thị quanh các công viên này, nhưng chỉ giải quyết được phần ngọn. Vắng lực lượng chức năng là người dân lại tranh thủ bày bán nên vi phạm chỉ có thể hạn chế phần nào”.

Cứ thấy Công an là... chạy

Theo lãnh đạo UBND phường, việc tuyên truyền, nhắc nhở, duy trì trật tự đô thị quanh các công viên được Ban chỉ đạo 197 phường thực hiện thường xuyên, liên tục. Song, còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Dẫn chứng, các tuyến phố Hoàng Quán Chi và Trương Công Giai quanh công viên Cầu Giấy đều không có biển báo cấm dừng, đỗ phương tiện, nên đối với việc các xe taxi, xe hợp đồng dừng, đỗ, đón, trả khách chỉ có thể nhắc nhở mà không có chế tài xử phạt. Ngay cả tuyến đường Thành Thái, tuy có biển cấm đỗ xe nhưng lại được Sở GTVT thành phố Hà Nội cấp phép để khai thác điểm đỗ cả hai chiều, do vậy, công tác xử lý vi phạm cũng gặp khó.

Dù biết là vi phạm nhưng một số người vẫn chọn bán nước quanh công viên để mưu sinh, bởi lẽ, họ không có nhiều cơ hội...

“Có một thực tế là, việc đón, trả hành khách của các xe limousine, xe trá hình tuyến cố định, “xe dù” chỉ chớp nhoáng, nếu không có hình ảnh, clip chứng minh vi phạm, lái xe sẽ không công nhận việc xử phạt của cơ quan chức năng. Còn hành khách trên xe thì cũng không hợp tác nên chúng tôi gặp nhiều cản trở” - Chỉ huy Công an phường Dịch Vọng nêu vấn đề.

Đối với thực trạng vi phạm trên, ông Ngô Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy khẳng định, những tâm tư, nguyện vọng của bà con là dễ hiểu, song, không vì thế mà cổ súy cho các vi phạm. “Chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng triển khai tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý để răn đe, nhưng về lâu dài phải có biện pháp cụ thể, đảm bảo cả nhu cầu kiếm tiền chính đáng cho bà con, có như vậy công tác quản lý mới bền vững”.

Lực lượng chức năng giải quyết trật tự đô thị, vệ sinh môi trường quanh các công viên

Từ nhiều ngày qua, lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã tổ chức tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ phương tiện hoạt động trái phép, không phép, đỗ xe không đúng quy định; các phương tiện dừng, đỗ trái phép trên lòng đường, hè phố; Tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, bục bệ, đặt vật dụng gây ảnh hưởng đến sự thông thoáng của vỉa hè, lối đi gây mất mỹ quan đô thị…

Cổng công viên thông thoáng chỉ khi có lực lượng chức năng, còn nếu vắng bóng, vi phạm sẽ lại tái diễn mà chỉ có thể nhắc nhở chứ không có chế tài xử phạt

Cũng theo ông Ngô Ngọc Phương, đối với những trường hợp đang sử dụng một phần vỉa hè để cắt tóc hoặc bán hàng nước, UBND quận sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo 197 phường rà soát các khu vực có diện tích rộng, phù hợp để bố trí cho người dân tiếp tục duy trì việc mưu sinh một cách chính đáng, mặt khác vẫn đảm bảo mỹ quan đường phố.

Khảo sát cho thấy, không chỉ công viên Cầu Giấy hay Nghĩa Đô, mà bất kể công viên, vườn hoa hay nơi sinh hoạt chung của các địa bàn dân cư trên toàn thành phố, tình trạng vi phạm trật tự đô thị đều đang tồn tại. Và dù lực lượng chức năng có quyết liệt đến đâu cũng không thể giải quyết triệt để, bởi rõ ràng, việc xử lý đang xung đột với nhu cầu kiếm sống của người dân.

Khi và chỉ khi an sinh xã hội được đảm bảo, khi ấy mới chấm dứt những vi phạm như thế này

Chắc chắn, khi và chỉ khi an sinh xã hội được đảm bảo, lúc đó mới chấm dứt được tình trạng vi phạm trật tự đô thị nói chung như hiện nay. Do vậy, rất cần các nhà quản lý, hoạch định chính sách cùng bắt tay giải bài toán gỡ khó cho chính quyền và Công an cấp cơ sở. Và xin nhắc lại, đối tượng vi phạm là người dân, mà đối tượng được hưởng không gian vui chơi, đi lại an toàn, thuận tiện cũng là người dân. Vì lẽ đó, phải hài hòa lợi ích chung, để không ai bị bỏ lại…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-pham-trat-tu-do-thi-bac-mat-muu-sinh-va-the-kho-cua-luc-luong-chuyen-nganh-post559604.antd