Vi phạm thuế, bị phạt gần 1,8 tỷ, Nhựa Pha Lê làm ăn sao?

Tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà Nhựa Pha Lê phải nộp là gần 1,8 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2023, Nhựa Pha Lê báo lãi ròng âm gần 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 27 tỷ đồng.

Công ty CP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (Pha Lê Plastics, mã: PLP) mới đây thông báo nhận được quyết định của Cục thuế TP Hải Phòng về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cụ thể, Nhựa Pha Lê đã có hành vi vi phạm kê khai sai dẫn đến tăng số thuế giá trị gia tăng được hoàn và hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp.

Do đó, công ty bị phạt hành chính hơn 214 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc phải nộp đủ số tiền thuế TNDN vào ngân sách Nhà nước gần 1,1 tỷ đồng và khoản chậm nộp thuế hơn 460 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà Nhựa Pha Lê phải nộp là gần 1,8 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, vào đầu tháng 7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Nhựa Pha Lê tổng số tiền 120 triệu đồng. Lý do là công ty công bố thông tin không đúng thời hạn và không đầy đủ nội dung theo quy định.

Ai là cổ đông lớn?

Theo giới thiệu tại website doanh nghiệp: phaleplastics.com.vn, Công ty CP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê có tiền thân là Công ty CP Khoáng Sản Pha Lê, được thành lập ngày 18/11/2008. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực khai khoáng khác chưa được phân vào đâu; chi tiết: Thăm dò, khai thác, chế biến và mua bán khoáng sản (trừ khoáng sản Nhà nước cấm). Nhựa Pha Lê có trụ sở chính tại lô đất CN4.3 Khu công nghiệp MP Đình Vũ, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng. Chủ tịch HĐQT công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Mai Thanh Phương.

Hiện, Nhựa Pha Lê đang sở hữu 6 mỏ khoáng sản, gồm 2 mỏ đá Granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An, 1 mỏ đá tại Tuyên Hóa - Quảng Bình. Vốn điều lệ của Nhựa Pha Lê hiện nay là 700 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Mai Thanh Phương là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 21,09% vốn, tương đương 147,6 tỷ đồng.

Vi phạm thuế, bị phạt gần 1,8 tỷ, Nhựa Pha Lê làm ăn sao? (ảnh minh họa: Internet).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Nhựa Pha Lê ghi nhận doanh thu thuần gần 444 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 7,4 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 19% và 30,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo lý giải của Nhựa Pha Lê cho biết, kết quả kinh doanh giảm sút là do công ty đã thực hiện thoái vốn tại công ty con là Công ty CP Hoàng Gia Pha Lê.

Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh tay các chi phí, công ty báo lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ; là mức lợi nhuận cao nhất 5 quý gần nhất. Trước đó, quý II/2023, Nhựa Pha Lê báo lãi ròng âm gần 95 tỷ đồng.

Lãi - lỗ sao?

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, Nhựa Pha Lê ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.617 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế âm 86,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 50,6 tỷ đồng. Trong đó, thu không đủ bù chi cùng với gánh nặng chi phí tài chính hàng trăm tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng sau 9 tháng đầu năm 2023 của Nhựa Pha Lê âm gần 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 27 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Nhựa Pha Lê ghi nhận đạt gần 1.785 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 490 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn hơn 120 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác hơn 243 tỷ đồng, hàng tồn kho 331 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hơn 172 tỷ đồng…

Tại ngày 30/9/2023, Nhựa Pha Lê cũng giảm đáng kể nợ phải trả xuống mức hơn 949 tỷ đồng, giảm 40% so với hồi đầu năm, trong đó tập trung chủ yếu là vay nợ tài chính ngắn hạn với 743 tỷ đồng và không phát sinh vay nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu của Nhựa Pha Lê là hơn 835 tỷ đồng, giảm 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2023. Công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 105 tỷ đồng…

Trên thị trường chứng khoán, từ ngày 14/9/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) quyết định đưa cổ phiếu PLP của Nhựa Pha Lê ra khỏi diện cảnh báo, với lý do kết luận của kiểm toán viên tại báo cáo tài chính bán niên được soát xét năm 2023 là chấp nhận toàn phần, thuộc trường hợp chứng khoán được ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.

Trước đó, HoSE đưa cổ phiếu PLP của Nhựa Pha Lê vào diện cảnh báo từ ngày 17/4/2023 do tại báo cáo tài chính năm 2022, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc Nhựa Pha Lê ghi nhận khoản công nợ phải thu của cá nhân Nguyễn Thị Phương số tiền 115 tỷ đồng để thực hiện thỏa thuận hợp tác đầu tư. Đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính kiểm toán, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá tính phù hợp của số phải thu này cũng như những điều chỉnh cần thiết (nếu có) liên quan vấn đề này đến các khoản mục trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của công ty.

Liên Hà Thái

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/vi-pham-thue-bi-phat-gan-18-ty-nhua-pha-le-lam-an-sao-1937448.html