Vi phạm mua sắm chủ yếu đến từ giá gói thầu

Tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 24.5, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, những vi phạm chủ yếu trong mua sắm đấu thầu của ngành y tế cũng chính từ giá gói thầu.

Theo đại biểu, giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, được quy định tại Khoản 2, Điều 39. Hiện nay, việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính và đang tồn tại nhiều bất cập.

Một trong các phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá. Đại biểu Nhị Hà cho rằng, phương thức này đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 22 dự thảo dự án Luật Giá (sửa đổi) vừa trình Quốc hội ngày hôm qua và các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02, 08.

“Phương pháp lấy 3 báo giá mà hiện nay rất nhiều đơn vị sử dụng không bảo đảm giá hàng hóa là giá thị trường trong một thời gian, không gian nhất định. Quan trọng hơn, đây không phải là giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu. Trong dự thảo không có hướng dẫn về việc xác định giá gói thầu,” đại biểu Hà phân tích.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) tham gia thảo luận tại hội trường

Hiện nay, bằng Nghị quyết 30, Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về giá gói thầu trang thiết bị y tế, tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn còn vướng mắc.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) để điều chỉnh các nội dung về giá nói chung nhưng không có quy định về giá gói thầu. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu ngay trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này.

Đối với chỉ định thầu (Điều 23), việc quy định chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh là nhằm mục tiêu tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Quy định này rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên, có một số thuật ngữ, nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm như “gói thầu cần triển khai ngay”, có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu.

Đại biểu dẫn chứng như cụm từ “cần triển khai ngay” được quy định từ Luật Đấu thầu năm 2013, đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh. Một số đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do “cần triển khai ngay tránh gây nguy hại đến sức tính mạng, sức khỏe người dân”, nhưng sau đó đã bị xác định là vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu. Vì vậy, khái niệm khi nào “cần triển khai ngay” rất cần được cụ thể hóa.

Lê Tùng (ghi)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/vi-pham-mua-sam-chu-yeu-den-tu-gia-goi-thau-i329940/