Vi phạm công trình thủy lợi: Chính quyền chưa quyết liệt xử lý

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi (CTTL) trong tỉnh ngày càng phổ biến.

Nhiều trường hợp lấn chiếm lòng kênh ảnh hưởng đến an toàn và năng lực hoạt động của công trình thủy lợi

Nhiều vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn và năng lực hoạt động của các CTTL. Chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết là một trong những nguyên nhân khiến các vi phạm ngày càng tăng.

Tràn lan vi phạm

Tháng 7.2019, trên sông Kim Sơn đoạn qua xã Tráng Liệt (Bình Giang) có một trường hợp vi phạm nghiêm trọng phạm vi bảo vệ CTTL. Ông Phạm Duy Đoạt (chưa rõ địa chỉ) tự ý đóng cọc tre, phên nứa quây lấn ra 1/3 lòng sông với chiều rộng 6 m, chiều dài 40 m. Ông này còn tự đào san hạ thấp một phần mặt, mái bờ kênh phía sông với ý định đổ đất lấn chiếm.

Sông Kim Sơn là huyết mạch của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Vi phạm này đã đe dọa an toàn, làm hư hại và giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của CTTL, ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.

Ông Nguyễn Gia Thành, Trưởng Phòng Quản lý công trình Công ty TNHH một thành viên Khai thác CTTL Bắc Hưng Hải cho biết: "Đây là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng vi phạm không lộ diện và có dấu hiệu can thiệp của xã hội đen. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa quan tâm nên hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian dài chưa được xử lý".

Tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng), các vi phạm diễn ra tràn lan, ngang nhiên thách thức chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Trên phạm vi CTTL kênh T5, tiếp giáp với đường tỉnh 394C đoạn qua thôn Phí Xá dài chưa đầy 1 km nhưng có đến 96 hộ vi phạm.

Nhiều hộ xây nhà kiên cố cao 2 - 3 tầng. Chỉ tính từ tháng 8.2019 đến nay, đã có chục hộ phá nhà tạm để xây nhà cao tầng kiên cố. Điển hình nhất vào ngày 15.10, hộ ông Đào Đắc Hùng ở thôn Phí Xá đổ móng bê tông cốt thép vi phạm lòng kênh và hành lang bảo vệ kênh T5. Phần móng nhà nhô ra lòng kênh dài 5 m, rộng 0,6 m.

Chỉ tính riêng ở Cẩm Giàng đang có hơn 700 điểm vi phạm CTTL, nhiều nhất tỉnh. Ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện cho biết: "Vi phạm nhiều nhất là làm nhà, làm cầu qua kênh.

Các hộ cố ý làm vào ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm nên khó phát hiện ngay. Khi đơn vị lập biên bản yêu cầu tháo dỡ thì đa số các hộ không chấp hành.

Việc tổ chức cưỡng chế không thực hiện được. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa hiểu hết các quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL nên đã tự ý lấn chiếm kênh mương. Đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác CTTL lại không có thẩm quyền xử lý vi phạm".

Toàn tỉnh hiện còn hơn 5.000 điểm vi phạm CTTL. Việc xử lý của các địa phương rất hạn chế nên vi phạm có xu hướng phức tạp hơn.

Chậm xử lý

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng, những năm 1994 - 1996, khu vực từ chợ Phí (ven kênh T5) được UBND xã cho một số hộ thuê để dựng lều quán bán hàng với diện tích mặt đường rộng 5 m và sâu 3m. Đến nay, buôn bán thuận lợi nên nhiều hộ phá lều tạm để xây nhà cao tầng kiên cố.

Mặc dù ngay mặt đường nhưng việc phát hiện vi phạm rất khó khăn do một số hộ đóng cửa bên ngoài, tập kết vật liệu và xây dựng bên trong nhà. Khi bị phát hiện, UBND xã phối hợp với Xí nghiệp Khai thác CTTL và Hạt Đường bộ huyện để lập biên bản và ngăn chặn ban đầu. Khi được mời lên làm việc, hầu hết các hộ đều cam kết chỉ xây nhà cấp 4.

Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm ban đêm hoặc ngày nghỉ các hộ này lại làm nhà kiên cố. "Thủ tục rườm rà, qua nhiều phòng ban và các đơn vị có liên quan nên đến khi xử lý thì công trình vi phạm đã cơ bản hoàn thành", ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác CTTL tỉnh cho biết: Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng vi phạm và tồn đọng các vụ vi phạm CTTL.

Nhưng nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương chưa quan tâm tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định về bảo vệ công trình.

Chính quyền chưa quyết liệt, nhiều nơi còn ít quan tâm, né tránh, ngại va chạm trong xử lý các vi phạm. Một số nơi còn cho rằng xử lý vi phạm không phải trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm CTTL không chỉ gây ra tình trạng “nhờn luật”, mà còn tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

Vì vậy, chính quyền các địa phương cần tập trung phổ biến Luật Thủy lợi cũng như quan tâm giải quyết những vụ vi phạm, nhất là các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, giảm năng lực tiêu thoát nước... Xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng ngừa và xử lý vi phạm CTTL.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/vi-pham-cong-trinh-thuy-loi-chinh-quyen-chua-quyet-liet-xu-ly-122242