Vì mục tiêu dân số và phát triển

PTĐT - Nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác dân số đã được nâng lên rõ rệt; khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số; cơ cấu dân số thay đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng dân số...

Tuyên truyền trực tiếp nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong đồng bào dân tộc Dao ở xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập.

PTĐT - Nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác dân số đã được nâng lên rõ rệt; khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số; cơ cấu dân số thay đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng dân số phụ thuộc, tăng dân số trong độ tuổi lao động; chất lượng dân số được cải thiện... là những kết quả tích cực mà Phú Thọ đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu về Dân số và Phát triển thời gian qua. Tuy nhiên, trước yêu cầu chuyển hướng thực hiện đồng bộ các mục tiêu về dân số và phát triển, tỉnh ta còn đối diện với nhiều thách thức đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, phù hợp cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Những thách thức
Địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác ở những xã vùng cao, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, nhận thức không đồng đều… là những yếu tố ảnh hưởng đến công tác dân số ở huyện miền núi Yên Lập. Việc triển khai một số chương trình mục tiêu Y tế - Dân số còn chậm; thuốc, vật tư, phương tiện tránh thai, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) miễn phí cắt giảm, trong khi người dân chưa sẵn sàng mua phương tiện tránh thai và trả tiền các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Hơn nữa, theo ông Bàng Ngọc Thạch- Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện: “Tư tưởng muốn sinh thêm con, muốn có con trai vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân. Chúng tôi muốn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của họ nhưng lại gặp phải trở ngại về sự dịch chuyển lao động và nhất là đối với những người cố tình hiểu sai chính sách. Đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số hay thay đổi khiến cho việc tuyên truyền, vận động gặp không ít trở ngại”.

Cán bộ dân số xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

Những trở ngại, thách thức trên không chỉ ở huyện Yên Lập mà còn là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh. 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 16,97% tổng số trẻ sinh ra (tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2019). Các huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng là: Thị xã Phú Thọ, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy... Theo khảo sát, Phú Thọ có quy mô dân số lớn (đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố), tốc độ gia tăng dân số hàng năm vẫn ở mức cao. Tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đang ở mức trên 2,5 con, cao hơn nhiều so với cả nước. Trong khi số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng sẽ trực tiếp tác động tới mức sinh, tạo áp lực lên mục tiêu giảm sinh của toàn tỉnh. Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng, tâm lý muốn có nhiều con, ưa thích con trai, định kiến giới vẫn còn sâu sắc. Tỷ số giới tính khi sinh dự ước năm 2020 còn ở mức cao với 111,2 nam/100 nữ. Tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi các điều kiện kinh tế, xã hội chưa được chuẩn bị tốt để kịp thích ứng. Tuổi thọ bình quân cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao. Cùng với đó, hoạt động truyền thông đôi lúc còn chưa thường xuyên, hiệu quả truyền thông chưa được như mong muốn. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân số ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ cấp xã còn hạn chế khiến việc lồng ghép nguồn lực, nội dung công tác dân số vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các ngành, đoàn thể hiệu quả chưa cao. Hiện nay, ngân sách địa phương hỗ trợ cho hoạt động chương trình Dân số và Phát triển còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ (mức hỗ trợ bình quân trên 36 triệu đồng/huyện và 1,8 triệu đồng/xã).

Cán bộ Trung tâm y tế huyện Đoan Hùng tư vấn cho thai phụ cách chăm sóc trẻ sơ sinh, tránh suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Nỗ lực đạt mục tiêuTuy có những khó khăn, thách thức trong thực hiện công tác dân số, song với sự nỗ lực của ngành Y tế cùng các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân số trong tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn tỉnh có 2 xã (Tân Sơn, Vinh Tiền thuộc huyện Tân Sơn) và 1.115 khu dân cư đạt thành tích không có người sinh con thứ 3 trở lên. 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng 2,24% so cùng kỳ năm 2019. Có được kết quả đó là nhờ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Nhiều buổi truyền thông đã tiếp cận tới cả những chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, ủng hộ các hành vi có lợi trong thực hiện mục tiêu dân số. Các nội dung truyền thông được lồng ghép vào sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa dân gian; đưa các tiêu chí về dân số và phát triển vào hương ước, quy ước khu dân cư, trở thành tiêu chuẩn xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.Đối với vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng ở khu 6, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, “của để dành” chính là hai cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu của chị hiện là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Dược Hà Nội. Cháu thứ 2 đang học lớp 10 với bề dày thành tích học tập. Chị Hằng tâm sự: “Trong câu chuyện vui, nhiều người vẫn khuyên tôi rằng vợ chồng mới ngoài 40 tuổi vẫn sinh đẻ tốt. Điều kiện kinh tế khá giả, trong khi chồng là con trai trưởng thì phải cố sinh thêm thằng cu nối dõi. Nhưng nghĩ lại con nào cũng là con, miễn sao chúng biết vâng lời, học hành tiến bộ là vợ chồng tôi thấy mãn nguyện lắm rồi, nên bỏ ngoài tai những lời bàn tán của thiên hạ”. Quan điểm tiến bộ của chị Hằng cũng là suy nghĩ chung của gần chục cặp vợ chồng sinh con một bề là gái trong khu. Chị Nguyễn Thị Ninh - CTV dân số kiêm y tế thôn bản khu 6 cho biết: “Khu hiện có 150 hộ dân, trong đó số cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ chiếm gần 50%. Với đặc thù đa số là hộ thuần nông, ít biến động nhân khẩu nên công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các chương trình về y tế, dân số rất thuận lợi. Nhiều cặp vợ chồng chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nên gần chục năm nay, khu 6 không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

Cùng với tuyên truyền, việc đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai và cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ được duy trì và đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa, mở rộng các kênh cung ứng, đảm bảo kịp thời, an toàn và thuận lợi. Trong năm, Sở Y tế đã ban hành quyết định thành lập đội truyền thông, dịch vụ lưu động để tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại 110 xã thuộc vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao thuộc 13 huyện, thành, thị và đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, hỗ trợ ngân sách địa phương để triển khai chiến dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 đầu năm diễn biến phức tạp. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp với sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể. Trước tiên phải đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành. Đầu tư kinh phí, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ đủ năng lực cho công tác dân số. Tăng cường phối hợp liên ngành; phát huy vai trò, huy động sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các chính sách về dân số. Đổi mới truyền thông, vận động về dân số tạo sự chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nội dung công tác dân số trong tình hình mới. Mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ về dân số. Áp dụng chính sách khuyến khích, thi đua khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ, tạo động lực để cả cộng đồng cùng hướng đến xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202012/vi-muc-tieu-dan-so-va-phat-trien-174580