Vì chiếc bếp than, anh chồng đánh em dâu trọng thương

Đang tập thể dục, ông Phạm Quang Điều (SN 1958, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) ngửi thấy mùi khét nên mở cửa xuống nhà kiểm tra. Nhận thấy thứ mùi khó chịu này là em dâu đặt bếp than tổ ong sát tường nhà mình, ông Điều đã ra nhắc nhở. Sau khi lời qua tiếng lại, ông ta liền vào nhà lấy thanh kim loại ra đánh em dâu trọng thương.

Bị cáo Điều tại phiên xử phúc thẩm.

Đánh em dâu trọng thương

Bị TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xử phạt 24 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và phải bồi thường cho em dâu hơn 45 triệu đồng, bị cáo Phạm Quang Điều đã làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo, giảm tiền bồi thường. Trong khi đó, nạn nhân (em dâu ông Điều tên T) lại kháng cáo theo hướng ngược lại, đề nghị tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường.

Theo bản án sơ thẩm, sáng 4/12/2015 ông Điều lên sân thượng tập thể dục. Đến 8h30’ thì ông ta thấy khói và ngửi thấy mùi khét từ ngõ bay vào nhà. Đi xuống nhà mở cửa ra ngoài kiểm tra, ông ta thấy bà T đang nhóm bếp than tổ ong sát tường nhà mình.

Cho rằng bà T làm muội than bám vào tường nhà mình, ông Điều bảo em dâu đặt bếp ra xa. Tuy nhiên, bà T không nghe lời anh chồng và còn nói: “Tao nhóm bếp ở ngõ nhà tao chứ nhóm ở đất nhà mày đâu”. Sau câu nói ấy, giữa anh chồng và em dâu xảy ra cãi vã, thách thức nhau. Trước thái độ hỗn xược của em dâu, ông Điều tức giận đạp đổ bếp than tổ ong của bà T.

Thấy vậy, bà T liền gắp viên than tổ ong đang cháy ném về phía anh chồng. Tuy nhiên, viên than này nhưng không trúng người ông Điều mà chỉ trúng cổng nhà. Tức giận, ông ta chạy vào nhà cầm thanh kim loại hình vuông màu xám, (rỗng giữa) dài khoảng 40cm chạy ra cổng vụt 2 cái vào đầu em dâu. “Ăn đũa trả đũa”, bà T cũng cầm que sắt (loại dùng để gắp than) vụt trả trúng tay ông Điều làm ông này bị xây xước nhẹ. Đánh xong, bà T bỏ chạy vào sân nhà mình nhưng vẫn không được người anh chồng bỏ qua. Ông Điều chạy vào sân, dùng thanh kim loại vụt liên tiếp từ phía sau vào đầu người em dâu.

Bà T vừa hô cứu, vừa giơ 2 tay lên ôm đầu. Khi nạn nhân bị choáng, ngã xuống nền nhà thì ông Điều mới dừng tay, bỏ về. Bà T được người thân đưa đi cấp cứu và sau đó có đơn tố cáo đến cơ quan công an. Cơ quan giám định kết luận bà T tổn hại 15% sức khỏe.

Anh em không nhìn mặt nhau

Trong phiên tòa phúc thẩm mới đây, bị cáo Điều nêu lý do “xin được hưởng án treo để phụ giúp vợ con”. Trình bày về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên, bị cáo biện minh “vì bà T hỗn láo, chửi bố mẹ chồng”.

Còn khi được HĐXX cấp phúc thẩm hỏi về việc có hay không chuyện bị cáo chạy vào tận nhà nạn nhân để đánh tiếp, bị cáo này nói “có, nhưng không nhớ vụt vào đâu”. Sau đó, ông Điều quay xuống, chỉ vào bị hại đang ngồi phía sau nói “đây là con người láo lếu”. Tiếp lời, ông ta tố em dâu đã từng thuê xã hội đen đánh mình. Vừa nói, bị cáo vén cánh tay trái của mình lên cho HĐXX xem vết sẹo.

Theo lời khai của bị cáo, từ năm 2010 tới nay, dù là anh em ruột song giữa gia đình mình và gia đình em trai không hỏi han, đi lại với nhau như những gia đình khác và nhà ai biết nhà nấy. Điều này sau đó được chính bà T khẳng định và cho biết “giữa hai gia đình có mâu thuẫn với nhau”. Bà T cho biết thêm, năm 2010, bà có thấy anh chồng bày biện vật liệu xây dựng ra ngõ nên có nhắc nhở. Nhưng ông Điều không nghe lời mà còn quay lại chửi em dâu.

Cũng trong khoảng thời gian này, ngoài mâu thuẫn với anh chồng, bà T có mâu thuẫn với vợ ông Điều. Thậm chí hai người phụ nữ này còn đánh nhau. Từ đó 2 gia đình không đi lại với nhau nữa. Tiếp lời, bà T bảo giờ sức khỏe rất yếu, thường xuyên bị đau đầu, không làm ăn được gì, chồng bà thì bị bệnh tật hơn chục năm không giúp được gì cho vợ con, mọi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai bà.

Do đó, bà ta kháng cáo tăng tiền bồi thường và yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần. Nghe vậy, một thẩm phán trong HĐXX phân tích: bị cáo là người có lỗi nhưng chị cũng có cái sai. Mối quan hệ giữa hai người là mối quan hệ gia đình.

Việc nhóm bếp than của chị cũng gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Nếu không gian chật chội, khi bị nhắc nhở, chị cũng phải có lời nói như thế nào cho người ta thông cảm, đằng này lại xúc phạm lại. Nếu chị không nhận thức được sai lầm của mình thì vụ án này khép lại thì vụ án khác lại mở ra. Và bị cáo cũng phải nhận thức được sai lầm của mình, có như thế mới cải tạo tốt được.

Trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho biết, ngay sau hôm kết thúc phiên tòa sơ thẩm, ông Điều đã sang đe dọa em dâu và nói “đằng nào cũng phải đi tù”. Nhưng may mắn là sáng hôm đó, các con của bà Điều vẫn ở nhà.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của bị cáo và chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về phần tăng mức bồi thường, tuyên bị cáo 24 tháng tù và buộc ông Điều phải bồi thường thêm hơn 13 triệu đồng so với bản án sơ thẩm.

Khoa Lâm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vi-chiec-bep-than-anh-chong-danh-em-dau-trong-thuong-d28478.html