VGC tăng mạnh ngay cả khi thị trường lình xình

Là doanh nghiệp đầu ngành vật liệu xây dựng, với thương hiệu 'Viglacera' xây dựng lâu đời. VGC được người tiêu dùng biết đến với các sản phẩm chất lượng như gạch ngói, gạch ốp lát đến sứ vệ sinh.

Đặc biệt, với công xuất 66.000 QTC m2/năm, Viglacera còn chiếm tới 45% thị phần kính xây dựng cả nước. Đồng thời, VGC cũng đang sở hữu hơn 4.000 ha quỹ đất Khu công nghiệp. Ba yếu tố trên đang tạo nên thế để Viglacera có thể đột phá trong thời gian tới khi cổ đông lớn nhất là Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thoái vốn trong thời gian tới.

Sau sự kiện đấu giá 120 triệu cổ phiếu VGC diễn ra thành công, hàng loạt cổ đông ngoại có tên trong danh sách cổ đông lớn. Đồng thời, nhờ thanh khoản cải thiện, VGC bắt đầu gây được sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy vậy, đây cũng là thời điểm mà thị trường cần thời gian để xác định giá trị thực của VGC.

Đường giá đi ngang quanh vùng từ 18 - 19 thêm 3 tháng, cộng với việc sau khi trả cổ tức 1.050 đồng/cổ phiếu, đường giá mới bắt đầu đi lên. Kết thúc phiên cuối tuần ở mức giá 22.800 đồng, VGC chính thức đạt mức tăng gần 24% trong vòng 1 tháng. Giá tăng nhưng thanh khoản giữ ở mức trung bình chỉ hơn 400 nghìn đơn vị/phiên, đã tạo được tâm lý yên tâm thêm cho nhà đầu tư.

Tích cực thêm từ yếu tố ngoại, đó là việc nhóm cổ đông thuộc VinaCapital đã mua 5 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera. Từ đó, nâng lượng sở hữu tại Viglacera của cả nhóm từ 16,36 triệu cổ phiếu lên hơn 21,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5% và trở thành cổ đông lớn.

Về mặt kỹ thuật, sau khi vượt lên vùng mây chỉ báo Ichimoku, đường giá đã đi lên khá vững chắc. Các chỉ báo MACD, MA vẫn thể hiện cho tín hiệu tăng. Với những cổ phiếu tích lũy trong thời gian dài và chưa có tín hiệu đầu cơ thì việc xác định vùng kháng cự là khá khó khăn. Chinh phục thành công vùng 23 thì mục tiêu tiếp theo của VGC là 26, bằng 1,68 lần độ dài của sóng trước đó.

Mảng khu công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư chú ý

Nhóm cổ phiếu cho thuê khu công nghiệp đã có một năm thành công. Điển hình là NTC, một cổ phiếu mới lên sàn, có vốn hóa nhỏ nhưng liên tục tăng mạnh và chưa tìm thấy đỉnh. Hay hàng loạt các cổ phiếu khác như IDV, D2D và SZL cũng đều hút được dòng tiền mạnh.

VGC hiện đang kinh doanh và phát triển 10 khu công nghiệp với tổng diện tích đầu tư là 3.580 ha - đứng đầu thị trường miền Bắc, trong đó có các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh và Phú Thọ. Các nhà phân tích chứng khoán BSC nhận xét "cùng với KBC, quy mô đất của VGC cũng vượt trội so với một số doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn".

Tổng diện tích cho thuê hiện đạt 562 ha, tương ứng tỷ lệ lấp đầy 28%. Với hơn 31% diện tích các khu công nghiệp của Viglacera thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo thông tin từ VGC, giá thuê cao nhất tại khu Yên Phong (Bắc Ninh) với 70-85 USD/m2 và thấp nhất ở Phong Điền (Huế) với 18 USD/m2.

Về tỷ lệ lấp đầy, ngoại trừ Khu công nghiệp Yên Phong (giai đoạn 1) và Khu công nghiệp Tiên Sơn, các khu công nghiệp còn lại có tỷ lệ lấp đầy tương đối thấp do mới chỉ mới đưa vào khai thác. Diện tích sẵn sàng cho thuê lớn với độ phủ rộng là một thuận lợi không nhỏ trong việc thu hút các khách hàng mới.

Đặc biệt trong ngắn hạn, khu công nghiệp Yên Phong mở rộng và khu công nghiệp Đồng Văn IV đang là điểm sáng của VGC. Với khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Samsung dự kiến sẽ thuê 40ha trong năm nay; còn với khu công nghiệp Đồng Văn IV, hiện có 5 nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm và dự kiến sẽ thuê khoảng 100 ha, nâng tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp này lên 40% vào cuối năm 2017.

Theo chia sẽ của doanh nghiệp, với khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Samsung dự kiến sẽ đem lại cho VGC khoảng 1.000 tỷ doanh thu, dự kiến sẽ ghi nhận trong giai đoạn 2018-2019. Định hướng sắp tới của ban lãnh đạo VGC trong mảng khu công nghiệp sẽ thay đổi sang hình thức ghi nhận hạch toán lợi nhuận một lần thay vì chia đều 50 năm như các khu công nghiệp trước đó.

Tổng hợp các khu công nghiệp của VGC

Tổng hợp các khu công nghiệp của VGC

Xét về vị trí, các khu công nghiệp của VGC có vị trí địa lý thuận lợi, gần các cửa ngõ giao thương như cảng Hải Phòng, sân bay quốc tế Nội Bài, cảng nước sâu Lạch Huyện (kế hoạch) thuận lợi cho việc xuất khẩu/trung chuyển hàng hóa sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/co-phieu-noi-bat-tuan-vgc-tang-manh-ngay-ca-khi-thi-truong-linh-xinh-3240994.html